THƯ VIỆN THÀNH PHỐ CẦN THƠ - CANTHO PUBLIC LIBRARY

http://thuviencantho.vn


Phát triển công nghiệp công nghệ cao - Kinh nghiệm và bài học cho Việt Nam: Sách chuyên khảo / Lại Trần Tùng. - H. : Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2021. - 175tr.; 21cm

Phát triển công nghiệp công nghệ cao - Kinh nghiệm và bài học cho Việt Nam: Sách chuyên khảo / Lại Trần Tùng. - H. : Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2021. - 175tr.; 21cm
Công nghiệp công nghệ cao là ngành kinh tế - kỹ thuật sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao. Công nghiệp công nghệ cao có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nước đang phát triển như nước ta, bởi nó sẽ giúp đẩy nhanh quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, phát triển công nghiệp công nghệ cao sẽ là nhân tố quyết định thực hiện những nội dung cơ bản về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu nghiên cứu, tham khảo về công nghiệp công nghệ cao, năm 2021, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn chuyên khảo “Phát triển công nghiệp công nghệ cao - Kinh nghiệm và bài học cho Việt Nam” của TS. Lại Trần Tùng.  

Sách với 175 trang, nội dung gồm 3 chương: Giới thiệu về công nghệ cao và công nghiệp công nghệ cao; Kinh nghiệm phát triển công nghiệp công nghệ cao ở một số quốc gia trên thế giới; Bài học kinh nghiệm cho phát triển công nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam. 

Qua đó quyển sách đã đưa ra nhận định: Trong những năm gần đây, công nghiệp công nghệ cao ở nước ta đã có sự phát triển, từng bước theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp hiện đại, góp phần thúc đẩy công nghiệp ở nước ta có bước phát triển mới. Tuy nhiên, thực tế phát triển công nghiệp nước ta cho thấy, phần lớn đóng góp cho tăng trưởng kinh tế là sơ chế hoặc lắp ráp, gia công, với trình độ công nghệ ở mới khá và trung bình. Nguồn tăng trưởng chủ yếu được tạo ra từ vốn, lao động và khai thác tài nguyên nên giá trị tăng thêm thấp. Mặt dù đã có một số doanh nghiệp được Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao nhưng số lượng vẫn còn rất ít, sản phẩm cũng như giá trị sản xuất từ công nghệ cao còn thấp. Do vậy, một số tỉnh, thành phố ở nước ta vẫn chưa thực sự có ngành công nghiệp công nghệ cao. Mặt khác, công nghiệp công nghệ cao ở nước ta còn mất cân đối và phụ thuộc vào công nghiệp công nghệ cao nước ngoài. 

Những kinh nghiệm phát triển công nghiệp công nghệ cao của các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Israel, Hoa Kỳ được sách giới thiệu đều có điểm chung là tập trung lựa chọn, đề ra chiến lược, biện pháp và cơ chế, chính sách đảm bảo phát triển công nghiệp công nghệ cao luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đây sẽ là những vấn đề tham khảo bổ ích đối với các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách, nghiên cứu doanh nghiệp Việt Nam trong vận dụng và đề ra chiến lược, chính sách phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới hiện nay.

Sách cũng đúc kết bài học kinh nghiệm cho phát triển công nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam là:
1.    Nắm chắc thời cơ, kịp thời xác lập và điều chỉnh mô hình, mềm dẻo và năng động trong đề ra chương trình, kế hoạch, biện pháp phát triển công nghiệp công nghệ cao.
2.    Tạo dựng môi trường trong nước và quốc tế thuận lợi cho phát triển công nghiệp công nghệ cao.
3.    Phát huy tối đa nội lực và khai thác có hiệu quả nguồn lực bên ngoài, từng bước nâng cao năng lực công nghệ quốc gia.
4.    Tạo dựng môi trường, chính sách cho các daonh nghiệp khởi nghiệp phát triển.
5.    Quá trình phát triển công nghiệp công nghệ cao tránh sự lệ thuộc vào công nghệ của nước ngoài, tận dụng khai thác lợi thế lao động ở doanh nghiệp công nghệ cao FDI.
Các bạn hãy tìm đọc quyển sách “Phát triển công nghiệp công nghệ cao - Kinh nghiệm và bài học cho Việt Nam” để có thêm những thông tin bổ ích khác.
 
Sách được Thư viện thành phố Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số:

▪ Ký hiệu phân loại: 338.09597 / PH110TR
▪ PHÒNG MƯỢN: MA.026431; MA.026432
▪ PHÒNG ĐỌC TỔNG HỢP: DV.061477

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây