THƯ VIỆN THÀNH PHỐ CẦN THƠ - CANTHO PUBLIC LIBRARY

http://thuviencantho.vn


Con đường cách mạng : Tập hồi kí cách mạng về các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Duy Trinh, Trần Độ / Trần Đăng Ninh, Trần Độ, Hoàng Văn Thụ .... - H. : Thanh niên, 1970. - 210tr.; 19cm

Con đường cách mạng : Tập hồi kí cách mạng về các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Duy Trinh, Trần Độ / Trần Đăng Ninh, Trần Độ, Hoàng Văn Thụ .... - H. : Thanh niên, 1970. - 210tr.; 19cm
    “Con đường cách mạng” là tập hồi kí cách mạng về các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Duy Trinh, Trần Độ. Sách do Nxb. Thanh niên ấn hành năm 1970 với độ dày 210 trang, gồm 4 phần:
    Phần 1 gồm các bài viết: “Những ngày cuối cùng của anh Hoàng Văn Thụ” của Trần Đăng Ninh; “Chúng tôi khóc anh Hoàng Văn Thụ” của Trần Độ. Đây là những hồi kí sinh động về đồng chí Hoàng Văn Thụ (04/11/1909 - 04/11/2019) - người cộng sản kiên trung, bất khuất, một trong những lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.          Trước giờ phút hy sinh anh dũng tại trường bắn Tương Mai (Hà Nội) vào rạng sáng ngày 24/5/1944, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã nêu cao khí phách của người chiến sĩ cộng sản, hiên ngang trước quân thù. Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã hy sinh và để lại bài thơ cuối cùng gửi lại đồng chí, đồng đội: “Việc nước xưa nay có bại thành/ Miễn sao giữ trọn được thanh danh/ Phục thù chí lớn không hề nản/ Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành/ Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm/ Chí còn theo dõi buổi tung hoành/ Bạn hãy gần xa hăng chiến đấu/ Trước sau xin giữ tấm lòng thành”.
    Phần 2 là hồi kí “Ở chiến khu Hai” của đồng chí Lê Thanh Nghị do Thép Mới ghi. Hồi ký giúp người đọc biết về phong trào cách mạng Việt Nam ở mốc thời gian đặc biệt vào năm 1945 qua lời kể của đồng chí Lê Thanh Nghị (6/3/1911 - 16/8/1989) - người trực tiếp phụ trách chiến khu II vào năm 1945 và sau này trở thành nhà lãnh đạo uy tín, tài năng của Đảng, Nhà nước ta. Từ sau cách mạng tháng Tám 1945, đồng chí là một trong những người lãnh đạo chủ chốt phong trào kháng chiến toàn quốc ở liên khu III. Năm 1953 - 1954 kiêm Bí thư thành ủy Hà Nội. Năm 1960 Phó Thủ tướng chính phủ kiêm Chủ nhiệm văn phòng công nghiệp. Năm 1974 - 1980 Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Ủy Ban Kế hoạch Nhà nước. Năm 1981 Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Tháng 2/1982 - 12/1986 Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước. Đồng chí Lê Thanh Nghị là tấm gương sáng về tinh thần cách mạng kiên trung ái quốc, sống và chiến đấu suốt đời cho lý tưởng cộng sản cao cả. Đặc biệt, đồng chí là một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng có đóng góp quan trọng vào bước đầu đổi mới kinh tế nước ta.
    Phần 3 là hồi ký “Từ khám tù vị thành niên đến trường học Xô viết - Nghệ Tĩnh” do đồng chí Nguyễn Duy Trinh kể, Thép Mới ghi, giúp người đọc hiểu về một giai đoạn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Duy Trinh (15/7/1910 - 20/4/1985), cán bộ tiền bối cách mạng, là một trong những nhà ngoại giao xuất sắc của Việt Nam.
    Phần 4 là hồi ký của trung tướng Trần Độ (23/9/1923 – 9/8/2002), vị tướng tài đồng thời là nhà văn đã gắn chặt đời mình vào cây súng và cây bút đi suốt hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Các bài viết được in trong sách quyển sách này gồm: Câu chuyện vượt khỏi nhà tù đế quốc; Lớp học quân sự ở chiến khu; Những mẩu chuyện… súng; Bên sông đón súng; Thảo hịch.
     Hồi ký “Con đường cách mạng” là quyển sách giúp chúng ta càng thêm hiểu biết về lịch sử đấu tranh giành độc lập tự do của dân tộc. Qua đó ghi nhận, tôn vinh những công lao, cống hiến to lớn của các nhà cách mạng tiền bối đối với đất nước, đồng thời giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.
    Trân trọng giới thiệu quyển hồi ký “Con đường cách mạng” đến quý bạn đọc. 
    Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số: 
   ▪ Ký hiệu phân loại: 895.922803 / C430Đ;    
   ▪ PHÒNG ĐỌC: DV.006141; DV.006298

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây