THƯ VIỆN THÀNH PHỐ CẦN THƠ - CANTHO PUBLIC LIBRARY

http://thuviencantho.vn


Cụ Mười Lụa và Nam Kỳ khởi nghĩa / Vương Liêm biên soạn. - Cà Mau : Phương Đông, 2007. - 164tr.; 21cm

Cụ Mười Lụa và Nam Kỳ khởi nghĩa / Vương Liêm biên soạn. - Cà Mau : Phương Đông, 2007. - 164tr.; 21cm
Trong lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam, Khởi nghĩa Nam Kỳ là một trong những bản hùng ca hùng tráng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân Nam Bộ. Diễn ra trong một thời gian ngắn (bắt đầu vào đêm 22 rạng sáng 23/11/1940 cho đến tháng 12/1940), nhưng khởi nghĩa Nam Kỳ là cuộc khởi nghĩa vũ trang có phạm vi rộng nhất và mức độ quyết liệt nhất kể từ khi thực dân Pháp xâm chiếm lục tỉnh Nam Kỳ năm 1867 đến thời điểm đó. Từ cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, nhiều cán bộ của Đảng được rèn luyện, thử thách. Sau khởi nghĩa, một đội ngũ cán bộ, đảng viên trung thành với lý tưởng của Ðảng, gương mẫu chiến đấu hy sinh vì quyền lợi của dân tộc, của Nhân dân đã trưởng thành và đảm đương những trọng trách mà Đảng ta giao phó về sau.

Quyển sách “Cụ Mười Lụa và Nam Kỳ khởi nghĩa” do tác giả Vương Liêm biên soạn sẽ góp phần có thêm tài liệu để bạn đọc hiểu rõ hơn về sự kiện lịch sử này.  Sách do Nxb. Phương Đông ấn hành 2007 với 164 trang, tập hợp các bài viết như: Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh anh hùng; Những ngày sôi sục khởi nghĩa Nam Kỳ; Nữ tiểu đoàn trưởng Lê Hồng Quân; Chân dung liệt sĩ 16 tuổi thời kỳ chống Mỹ (Lê Thị Bạch Cát, tức Sáu Xuân); Huỳnh Thị Kiều Thu - người phụ nữ huyền thoại; Gương Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới (thương binh ¼ Nguyễn Tấn Quang); Chuyện về Anh hùng Nguyễn Văn Thương; Các chiến sĩ đặc công mở đường chiến dịch Hồ Chí Minh;... Trong đó, bài viết “Cụ Mười Lụa - Nguyễn Thị Hồng Tâm”  là nhân chứng lịch sử trực tiếp được giao nhiệm vụ chuyển lệnh khởi nghĩa trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ tới các cơ sở, bộ phận đang trong tư thế sẵn sàng đợi giờ hành động. Những diễn tiến trước, trong và sau khởi nghĩa, cũng như tinh thần bất khuất của cán bộ và nhân dân ta đã được ghi nhận chân thực qua lời kể của cụ Mười. Tuy cuộc khởi nghĩa không thành, nhưng từ đó, có hàng vạn quần chúng Nhân dân yêu nước được thử thách trong đấu tranh, tiếp tục đi theo Ðảng thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc tiến tới giành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám 1945.

Khởi nghĩa Nam Kỳ có ý nghĩa lịch sử sâu sắc đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Nhân dân ta, là một dấu son không thể phai mờ. Thời gian càng lùi xa, nhưng tinh thần anh dũng, bất khuất của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ vẫn là nguồn cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn quân và Nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tinh thần quật khởi, khí thế sôi sục đấu tranh của nhân dân ta trong ngày tháng hào hùng ấy vẫn in đậm trong trái tim bao thế hệ. Những bài học được rút ra từ cuộc khởi nghĩa mang đậm chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân dân Nam Bộ vẫn còn nguyên giá trị để thế hệ sau học tập và noi theo.
Trân trọng giới thiệu quyển sách đến quý bạn đọc.
▪ Ký hiệu phân loại: 959.7032 / C500M
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.039097
▪ PHÒNG MƯỢN: MG.004815; MG.004816

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây