THƯ VIỆN THÀNH PHỐ CẦN THƠ - CANTHO PUBLIC LIBRARY

http://thuviencantho.vn


Đờn ca tài tử Nam Bộ : Khảo & luận / Nguyễn Phúc An. - Tp. Hồ Chí Minh : Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2019. - 399tr. : Tranh vẽ; 21cm

Đờn ca tài tử Nam Bộ : Khảo & luận / Nguyễn Phúc An. - Tp. Hồ Chí Minh : Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2019. - 399tr. : Tranh vẽ; 21cm
Đờn ca tài tử Nam Bộ là loại hình nghệ thuật trình diễn phổ biến ở miền Nam Việt Nam, ra đời vào cuối thế kỷ XIX, từ nhu cầu của cộng đồng, phản ánh suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của những người dân mở đất phương Nam - vùng miệt vườn, sông nước, với lối sống cần cù, phóng khoáng, cởi mở, bình dị mà nghĩa hiệp, can trường. Với những lí do đó, Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia và được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Quyển sách “Đờn ca tài tử Nam Bộ : Khảo & luận” do Nguyễn Phúc An biên soạn, Nxb. Tổng Hợp TP. HCM ấn hành năm 2019 sẽ cung cấp các các bạn những kiến thức rất có giá trị và hữu ích về âm nhạc tài tử miền Nam, để từ đó chúng ta có thể mạnh dạn phát triển nền âm nhạc Việt Nam vốn giàu đậm màu sắc dân tộc theo con đường nghệ thuật chân chính mà những bậc tiền nhân đã vạch đường đưa lối.
Sách có độ dày 399 trang gồm bố cục 6 phần.
Hai phần đầu của quyển sách là những khảo lượt về nguồn gốc, hình thức, đối tượng của Đờn ca tài tử như: Vị trí, thời điểm và thời gian xuất hiện; Khảo về hai nhóm tài tử miền Đông và miền Tây; Vấn đề về “Lý con sáo” và “Lý tam thất”; Hình thức của tài tử - khảo về chữ “tài tử”; Tài tử đờn - Tài tử ca - Ca đổ hột - Tài tử thưởng thức. Nghiên cứu của tác giả trong quyển sách là tất cả những gì thuộc về đặc trưng của Đờn ca tài tử “nguyên thủy” - một loại hình Đờn ca tài tử gốc, phân biệt với loại hình sân khấu là Cải lương.
Trong phần 3, tác giả đi sâu, phân tích về âm nhạc tài tử Nam Bộ trong sự so sánh với Nhã nhạc cung đình Huế & ca Huế, Nhạc lễ Nam bộ, Nhạc lễ Cao Đài, Dân ca Nam bộ, Hát bội Nam bộ; Về ngũ cung thất thanh Việt Nam trong nhạc tài tử; Các kiến thức về hơi, điệu, nhịp, hò, các loại dây trong nhạc tài tử;…
Phần 4 và phần 5 viết về bài bản của nhạc tài tử, xoay quanh nguồn gốc ra đời, quá trình hệ thống “20 bài bản tố” cùng các bài bản được sáng tác trong phong trào sáng tác bài bản nhạc tài tử của hai nhóm miền Đông và miền Tây. Quyển sách còn trình bày về các loại nhạc cụ, từ nơi khai sinh cho đến những nơi du nhập, tiếp thu và biến đổi, phân tích những tính năng cũng như kỹ thuật của các loại nhạc cụ trong dàn nhạc tài tử như: Đờn kìm, Đờn tranh, Đờn cò, Đờn tỳ bà, Đờn sếu, Đờn bầu,… và cả cây ghi-ta phím lõm - một cây đờn chủ đạo trong nhạc tài tử.
Ở phần 6, tác giả nêu lên ý kiến về một số vấn đề có liên quan đến Đờn ca tài tử như: Rao và nói lối, Bài “Dạ cổ hoài lang” và “Vọng cổ”, trong đó tác giả nên lên những quan điểm của bản thân về mối quan hệ của những loại hình, tác phẩm này với nghệ thuật Đờn ca tài tử.
Quyển sách “Đờn ca tài tử Nam Bộ : Khảo & luận” không chỉ tổng hợp kiến thức của những nhà nghiên cứu trước, mà tác giả còn kiến giải, biện luận và bổ chính cho các vấn đề căn cơ của Đơn ca tài tử. Đây sẽ là một tài liệu tham khảo giá trị cho những ai đã, đang và tiếp tục yêu quý Đờn ca tài tử - loại hình nghệ thuật mang cốt cách của vùng đất Nam Bộ.
Trân trọng kính mời quý vị và các bạn tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ. Bạn đọc tra tìm tài liệu theo mã số sau:
* Phòng đọc:
- 781.62/Đ464C
- DL.17683
* Phòng mượn:
- 781.62/Đ464C
- MG.9635, MG.9636
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây