THƯ VIỆN THÀNH PHỐ CẦN THƠ - CANTHO PUBLIC LIBRARY

http://thuviencantho.vn


Trang sách cũ phiến bia xưa / Phan Mạnh Hùng, Nguyễn Đông Triều. - Tp. Hồ Chí Minh : Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2020. - 327tr.; 24cm

Trang sách cũ phiến bia xưa / Phan Mạnh Hùng, Nguyễn Đông Triều. - Tp. Hồ Chí Minh : Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2020. - 327tr.; 24cm
Với 20 bài viết thú vị về văn hóa, lịch sử, văn tự, văn chương, quyển sách “Trang sách cũ phiến bia xưa” của hai tác giả Phan Mạnh Hùng, Nguyễn Đông Triều sẽ đem đến cho bạn đọc những điều lý thú trong việc cảm nhận những vẻ đẹp của văn hóa phương Nam trong dòng chảy chung của dân tộc.

Sách do Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh xuất bản năm 2020 với độ dày 327 trang. 
Theo PGS. TS. Lê Quang Trường: Nội dung sách gồm các bài viết về các di tích lịch sử văn hóa từ Nam Trung Bộ đến Nam Bộ, như chùa cổ ở Phú Yên, đình Long Hậu (Đồng Tháp), đền thờ và lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức ở Long An; có bài viết sâu về giá trị nội dung nghệ thuật của tư liệu Hán Nôm trong các di tích như đình Châu Phú, đình Bình Thủy, đề thờ Trần Văn Năng, Văn Thánh miếu, chùa Hội Khánh, chùa Vĩnh Tràng, đình Phú Lễ, đình An Hữu…; về thể văn tế Hán Nôm, về thơ Nôm sưu tầm tại tỉnh Tiền Giang, hay luận giải về đặc điểm văn tự của di sản Hán Nôm tỉnh Đồng Tháp, phương thức ghi địa danh bằng văn tự Hán Nôm trong tập “Kim cổ kỳ quan” sưu tầm tại tỉnh Đồng Tháp…; bên cạnh đó có các bài viết về nhân vật văn hóa lịch sử như vua Lê Hiến Tông và thơ chữ Hán của ông chép trong “Toàn Việt thi lục”, võ tướng Nguyễn Huỳnh Đức cùng hậu duệ của ông, võ tướng Lê Văn Đức cùng bài tựa của ông viết cho tập thơ “Chu Nguyên tạp vịnh thảo”

Là những câu chuyện văn gần hơn: Văn học Quốc ngữ ở Nam Bộ diễn ra từ hơn một thế kỷ nay. Đó là những bài viết với những tư liệu mới: từ sự sinh thành của lớp nhà văn mới cận đại và những đóng góp quan trọng của họ đã làm thay đổi căn bản diện mạo văn học dân tộc, đến đời sống tiếp nhận cải biên văn học ở Nam Bộ qua trường hợp chuyện chàng Lía có gốc tích Bình Định; cuộc gặp gỡ lý thú về kỹ thuật phục vụ đại chúng giữa hình thức feuilleton của phương Tây và chương hồi của phương Đông, cũng là nguyên cớ khiến tiểu thuyết gia số một của miền Nam là Hồ Biểu Chánh lựa chọn đứng về phía công chúng để tìm tòi sáng tạo; là những trang tư liệu quý về tác phẩm của nhà văn - liệt sĩ Kiều Thanh Quế, của những nhà văn trên mặt trận báo chí ở miền Nam trước 1975 là Tô Nguyệt Đình, Thẩm Thệ Hà; những tác phẩm của Á Nam Trần Tuấn Khải trên “Văn hóa nguyệt san”, của Lý Văn Sâm trên tập san “Nhân loại” sẽ góp phần bổ khuyết, giúp hiểu sâu hơn sự nghiệp văn chương của họ.

Ở từng bài viết, người đọc cảm nhận được sự tâm huyết của tác giả đối với các giá trị văn hóa lịch sử văn chương của dân tộc qua những trang viết có trách nhiệm và khảo cứu kỹ càng, công phu".
 
PGS-TS. Đoàn Lê Giang- Trưởng Khoa Việt Nam học, Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP. HCM cũng đã nhận định: “Khác với những ý kiến nông nổi của một vài người về văn học Nam Bộ, từ hơn 200 năm trước, nhà bác học Lê Quý Đôn khi tiếp xúc với kho tư liệu phong phú ở phương Nam đã phải ngạc nhiên mà thốt lên “Văn mạch một phương dằng dặc không dứt” (Lê Quý Đôn toàn tập, tập 1: Phủ biên tạp lục, NXB KHXH, 1977, tr.234). Tập sách của hai tác giả Phan Mạnh Hùng, Nguyễn Đông Triều góp phần khẳng định ý tưởng đó, đồng thời chính các anh cũng là những người nối dài mạch văn chương phương Nam này”.

Quý bạn đọc có thể tìm đọc quyển sách “Trang sách cũ phiến bia xưa” tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số:  
▪ Ký hiệu phân loại: 895.92209 / TR106S
▪ PHÒNG ĐỌC: DL.018968
▪ PHÒNG MƯỢN: MB.007883; MB.007884
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây