THƯ VIỆN THÀNH PHỐ CẦN THƠ - CANTHO PUBLIC LIBRARY

http://thuviencantho.vn


Văn học Việt Nam viết về biển đảo và duyên hải (Giai đoạn 1900-2000) / Lý Hoài Thu chủ biên, Trịnh Văn Định; Hoàng Cẩm Giang. - H. : Phụ nữ Việt Nam, 2020. - 250tr.; 21cm

Văn học Việt Nam viết về biển đảo và duyên hải (Giai đoạn 1900-2000) / Lý Hoài Thu chủ biên, Trịnh Văn Định; Hoàng Cẩm Giang. - H. : Phụ nữ Việt Nam, 2020. - 250tr.; 21cm
…Trong sinh thể văn học Việt Nam, với những chuyển động và tương tác của hệ thống chủ đề, biển đảo thực sự là một bộ phận văn chương chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, sinh thái, nhân văn; là hành trang và ký ức dân tộc…; là tấm “căn cước văn hóa” của người Việt để đối thoại với các nền văn minh, khẳng định quyền sở hữu lãnh thổ trước các cộng đồng trong khu vực và trên toàn cầu”
-   Trích Văn học Việt Nam viết về biển đảo và duyên hải (Giai đoạn 1900-2000).

Quyển sách “Văn học Việt Nam viết về biển đảo và duyên hải (Giai đoạn 1900-2000)” do Lý Hoài Thu chủ biên cùng Trịnh Văn Định, Hoàng Cẩm Giang, cung cấp cho bạn đọc những kiến thức nghiên cứu văn học về đề tài biển đảo. Sách do Nxb. Phụ nữ Việt Nam xuất bản năm 2020 với 250 trang, gồm 6 chương:

Chương 1 nhận diện và khái quát dòng chảy của văn học biển đảo trong tiến trình văn học dân tộc qua các giai đoạn: Văn học dân gian; Văn học trung đại; Văn học 1900-1930; Văn học 1930-1945; Văn học 1945-1975; Văn học 1975- 2000. Cho thấy trong bức tranh tổng thể của văn học Việt Nam, biển đảo là một nguồn cảm hứng, một dòng chảy mạnh mẽ, liên tục, từ buổi đầu sơ khai đến trung đại, hiện đại và đương đại, chưa bao giờ bị “đứt gãy” hoặc bị thay thế. Các tác phẩm về biển đảo thuộc nhiều loại hình, thể loại luôn nằm ở vị thế chủ lưu trong tiến trình văn học dân tộc.

Chương 2 trình bày mối quan hệ giữa chủ đề biển đảo trong tương quan toàn cảnh của văn chương Việt qua thơ ca và văn xuôi. Ở đó hệ thống chủ đề biển đảo được xem là tấm “căn cước văn hóa” thể hiện rõ ràng ý thức sâu sắc về chủ quyền dân tộc, khẳng định quyền sở hữu lãnh thổ của Việt Nam.

Bốn chương cuối trình bày sự hình thành, vận động và phát triển của văn học Việt Nam viết về biển đảo và duyên hải qua các giai đoạn: 1900-1930;  1930 -1945; 1945-1975; 1975-2000. Đó là quá trình phát triển không ngừng của chủ đề biển đảo trong văn học Việt Nam; đồng thời cũng thể hiện sự gắn bó sâu sắc với dòng chảy lịch sử, chính trị, xã hội của văn học nước nhà. 

Có thể thấy qua văn học viết về biển đảo, như lời thơ của Thanh Thảo: “Nơi trộn lẫn mặt trời muối mặn đời ta/ Tổ quốc kiên trì nhoài ra phía biển/ Ôm những quần đảo trong vòng tay thương mến/ Mắt dõi nhìn hút cảnh hải âu bay”, thì hình hài Tổ quốc, khí chất con người Việt Nam hiện lên thật rõ và khắc ghi vào lòng người. Và biển đảo quê hương- nơi ghi dấu những chiến công hiển hách của lịch sử chống ngoại xâm luôn là nguồn cảm hứng vô tận của văn học nghệ thuật. Tìm đọc quyển “Văn học Việt Nam viết về biển đảo và duyên hải (Giai đoạn 1900-2000)” bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về đề tài này. Sách được Thư viện TP Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 895.922080034 / V115H
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.059420
▪ PHÒNG MƯỢN: MB.008053; MB.008054
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây