THƯ VIỆN THÀNH PHỐ CẦN THƠ - CANTHO PUBLIC LIBRARY

http://thuviencantho.vn


Chuyên mục truyền thanh - Tuần 590 (29/7 – 04/8/2019)


I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG    
    
Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết Cách giảm đau nhức cơ bắp khi tập thể dục được trích từ tạp chí Phụ nữ và gia đình.
    Đau nhức cơ bắp là tình trạng phổ biến xảy ra với nhiều người sau khi tập luyện. Nó có thể khiến người bệnh mệt mỏi, suy giảm sức khỏe, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
    Dưới đây là những cách giúp giảm đau cơ hiệu quả:
    Bổ sung protein
    Ăn nhiều cá, đậu, trứng để tăng cường protein cho cơ bắp. Uống nhiều nước, tránh cà phê, rượu để hạn chế tình trạng mất nước sau khi luyện tập.
    Tắm nước lạnh
    Tắm bằng nước nóng sau khi tập luyện sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng đau nhức. Thay vào đó, bạn nên tắm bằng nước lạnh để làm chậm lưu thông máu và thiết lập lại hormone trong cơ thể.
    Hoạt động nhẹ nhàng
    Thay vì ngồi một chỗ và không làm gì, bạn nên hoạt động nhẹ nhàng để tăng cường lưu thông máu đến các cơ bắp nhiều hơn, giúp thời gian phục hồi nhanh chóng hơn. Đi bộ vào những ngày nghỉ giữa các buổi tập luyện là một cách giúp phục hồi tích cực.
     Ngủ
    Ngủ đủ giấc là điều rất quan trọng để cơ thể bạn được nghỉ ngơi sau một ngày làm việc căng thẳng. Mặc dù bạn có khá nhiều việc phải làm trong một ngày nhưng phải nhớ cho các cơ bắp được nghỉ ngơi, ngủ đủ 7 - 8 tiếng trong một đêm.
    Xoa bóp cơ bắp
    Xoa bóp, massage hỗ trợ điều trị đau nhức cơ bắp, duy trì sự cân bằng cơ bắp và cải thiện tính linh hoạt, tăng cường phục hồi chức năng sau chấn thương. Massage cơ thể giúp bạn thư giãn trước các phản ứng căng thẳng xảy ra, làm giảm sưng, tăng lưu lượng máu, oxy và chất dinh dưỡng cho cơ bắp.
    Nạp dinh dưỡng sau khi tập luyện
    Uống sinh tố hay sữa tươi để nạp dinh dưỡng sau khi tập luyện và ăn bữa chính sau 2 tiếng là giải pháp lý tưởng giảm đau cơ. Có khá nhiều nghiên cứu nói đến tầm quan trọng của việc nạp dinh dưỡng sau khi tập luyện, do cơ thể sản sinh nhiều mồ hôi nên bạn cần bổ sung những chất dinh dưỡng đã mất đi. Hãy nhớ nạp những nguồn thực phẩm tươi giàu vitamin và khoáng chất chứ không phải những loại thuốc hỗ trợ phát triển cơ hay thực phẩm bổ sung.

II. GIỚI THIỆU SÁCH    
    Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách: 
    - Sức mạnh của toàn tâm toàn ý.
    - Báo chí và mạng xã hội.

 
SỨC MẠNH CỦA TOÀN TÂM TOÀN Ý
                           
    Chúng ta đang sống trong sự ràng buộc song lại cũng đang bị phân tán, điển hình như khi làm một công việc nào đó được một nửa thời gian bạn đã cảm thấy cạn kiệt năng lượng hoặc mệt mỏi, và không bao giờ toàn tâm toàn ý cho các vấn đề. Nếu không có đủ lượng, chất, trọng tâm và tác động của năng lượng cần thiết, mọi hoạt động sẽ kém hiệu quả. Việc quản lý năng lượng thông minh, hay còn gọi là toàn tâm toàn ý hoàn toàn có thể thực hiện được. Vì vậy, chúng ta phải học cách quản trị năng lượng hiệu quả và thông minh hơn.
    Quyển sách “Sức mạnh của toàn tâm toàn ý” (vừa được tạp chí New York Times bình chọn là sách bán chạy nhất) của hai tác giả Jim Loehr và Tony Schawartz sẽ lý giải ý nghĩa và cung cấp cho bạn cách thức quản trị năng lượng để duy trì hiệu suất công việc lẫn sức khỏe, hạnh phúc và cân bằng cuộc sống.
    Sách có độ dày 391 trang giới thiệu 02 nội dung: vai trò của quản trị năng lượng và phương pháp để quản trị năng lượng hiệu quả. Tác giả khẳng định việc quản trị năng lượng quyết định kết quả công việc, sức khỏe, mức độ hạnh phúc, sự cân bằng trong cuộc sống. Năng lượng chứ không phải thời gian – mới là nguồn lực quý giá nhất, là thước đo cơ bản của hiệu suất cao. Từng yếu tố thể chất, tình cảm, trí tuệ, tinh thần được phân tích chi tiết bởi năng lượng đạt tối ưu khi ta mạnh mẽ về thể chất, gắn bó về tình cảm, tập trung về trí tuệ và liên kết về tinh thần.  
    Phương pháp rèn luyện toàn tâm toàn ý bắt đầu từ việc mỗi người nhìn lại và suy ngẫm về cuộc sống hiện tại, từ đó xác định các mục tiêu cụ thể và xây dựng những thói quen tích cực. Toàn tâm toàn ý là kết quả của việc quản trị năng lượng thông minh trên mọi phương diện. Khi bạn toàn tâm toàn ý, mọi công việc được giải quyết hiệu quả, bạn thấy lạc quan, có thái độ sống tích cực. Khi bạn mệt mỏi, bế tắc, đó là lúc nguồn năng lượng trong chúng ta cạn kiệt. Để rèn luyện sự toàn tâm toàn ý, các nguyên tắc mà chúng ta cần nhớ:
    Nguyên tắc 1: Toàn tâm toàn ý đòi hỏi sử dụng bốn nguồn năng lượng tách biệt nhưng có quan hệ với nhau: thể chất, tình cảm, trí tuệ và tinh thần
    Nguyên tắc 2: Để duy trì nhịp sống khỏe mạnh trong đời mình, chúng ta cần học cách tiêu hao và phục hồi năng lượng điều hòa. 
    Nguyên tắc 3: Nếu bạn muốn phát triển khả năng của bản thân, thì chỉ có một cách tốt nhất là cố gắng vượt qua những giới hạn thông thường của mình.
    Nguyên tắc 4: Những thói quen năng lượng tích cực – các công việc hằng ngày rất cụ thể để quản lý năng lượng – là then chốt để luôn toàn tâm toàn ý và đạt hiệu suất cao bền vững.
    Quyển sách “Sức mạnh của toàn tâm toàn ý” sẽ cung cấp cho độc giả cách nhìn mới mẻ về sự tập trung, tái tạo và tối ưu hóa sinh lực cá nhân, bắt tay lập trình lại cuộc sống của chính mình.
    Mời quý vị và các bạn tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với Ký hiệu phân loại: 158.1/S552M; Mã số: DV.55451, MH.9833, MH.9834.

 
BÁO CHÍ VÀ MẠNG XÃ HỘI 

    Mạng xã hội, với tính chất nhanh nhạy, rộng rãi và phạm vi tương tác đa chiều không phân biệt thời gian và không gian, đang tác động mạnh mẽ tới toàn xã hội, trong đó có báo chí. 
    Quyển sách “Báo chí và mạng xã hội” do Đỗ Đình Tấn biên soạn, NXB Trẻ ấn hành năm 2017 sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn mạng xã hội là gì, tính hai mặt và lý do thu hút của nó. Kể từ lúc có mạng xã hội, báo chí truyền thống phải định hình lại hoạt động của mình ra sao và mạng xã hội đang mở rộng không gian và công việc của nhà báo như thế nào?
    Sách có độ dày 297 trang với bố cục 3 phần
    Phần 1 sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn mạng xã hội từ một khái niệm xã hội học đến một dịch vụ, tính hai mặt và lý do thu hút của mạng xã hội, giới thiệu một số trang mạng xã hội nổi tiếng như: Facebook, Twitter, YouTube, Instagram, WhatsApp, Google Hangouts, Tencent QQ, WeChat, … 
    Phần 2 cho thấy báo chí truyền thống đã và đang định hình lại hoạt động của mình như thế nào, mạng xã hội đang mở rộng không gian và công việc của nhà báo ra sao, hiểu rõ hơn những thay đổi ngày càng mạnh mẽ cũng như những cách làm báo mới mà truyền thông xã hội và mạng xã hội đang đem lại cho báo chí truyền thống.
    Phần 3 trình bày mặt tích cực và tiêu cực của mạng xã hội vốn tùy thuộc vào nhận thức, thái độ và mức độ trưởng thành của mỗi người sử dụng công cụ truyền thông này. Từ đó tỉnh táo nhận định, ứng xử khi tiếp nhận thông tin, thận trọng và có trách nhiệm khi tải lên mạng xã hội những điều bạn nghĩ và cảm xúc. Và cuối cùng là đấu tranh cho một hệ sinh thái truyền thông an toàn và lành mạnh.
    Quyển sách “Báo chí và mạng xã hội” là quyển cẩm nang hữu ích dành cho các công dân trong thời kỳ hội nhập, đặc biệt là xây dựng ý thức, tinh thần trách nhiệm cao cho những người làm báo nước ta - trong điều kiện mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mới trên nền tảng internet phát triển, tác động sâu rộng đến xã hội, trong đó có đội ngũ cán bộ báo chí.
    Mời quý vị và các bạn tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với Ký hiệu phân loại: 070.4/B108CH; Mã số: DV.52960, MH.8673, MH.8672.

III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN

    Các bạn thân mến!
    Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn câu chuyện “Nghị lực mùa thi: Con trai thợ nề và tấm huy chương quốc tế” được trích từ báo Thanh niên.
    Trong chương trình Nghị lực mùa thi 2019, ở thôn Trương Xá (xã Cam Hiếu, H. Cam Lộ, Quảng Trị) đã nghe dân làng kể nhau chuyện thằng “cu Đăng” đoạt huy chương bạc cuộc thi Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức ở tận... nước Nga.
    Gian nhà cấp 4 của bố mẹ Đăng chộn rộn người vào ra chúc mừng. Dễ hiểu, bởi ngôi làng bé nhỏ bên dòng sông Hiếu này chưa bao giờ có ai đoạt giải quốc tế, ngoài Thái Xuân Đăng.
    Những người vui nhất là bố mẹ Đăng: ông Thái Xuân Võ (50 tuổi) và bà Hồ Thị Huyền (47 tuổi).
    Ngoài việc chăm trồng 2 sào ruộng sâu, ông Võ làm thợ nề, còn bà Huyền làm phụ thợ. Mỗi sáng, họ cắp bay đi, chiều họ cầm bay về để được tính công 250.000 đồng/ngày nhưng mỗi tháng giỏi lắm chỉ được 20 công. Quanh quẩn gom góp thu nhập chừng đó để ông bà nuôi Đăng và một người con nữa đang học tại Trường ĐH Sư phạm Huế.
    “Đăng cũng như chị, phải tự mày mò mà học thôi chứ vợ chồng tôi biết chi mô mà dạy. Cả ngày quần quật ở công trường, tối mịt về lo tắm rửa cơm nước, nghỉ ngơi... cũng không có sức mà nhắc nhở các cháu nữa là! Vợ chồng tôi cứ tự nhủ với nhau rằng, cứ để cho chúng học, đến được chừng mô thì đến, chúng còn thích học thì mình cứ gắng làm để nuôi... cơm gạo”, bà Huyền nói.
    Ấy vậy nhưng từ một cậu học trò trường làng, Thái Xuân Đăng luôn nằm ở top đầu của lớp. Cậu thậm chí trở thành học sinh duy nhất ở huyện đậu vào lớp chuyên tin của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn ở thời điểm đó.
    Đi học cách nhà gần 10 km, Đăng được bố mẹ sắm cho chiếc xe đạp cà tàng. Đều đặn ngày 4 vòng, những cuốc xe đạp vẫn đều đặn quay vòng cho Đăng nuôi giấc mơ con chữ. “Nhiều buổi trưa nắng thấy cháu đạp xe về mồ hôi nhễ nhại mà thương chi lạ, cũng muốn cho cháu thêm ít tiền để mua cốc nước nhưng sợ... thành quen. Bởi sáng nào, tôi cũng chỉ phát cho cháu đúng 10.000 đồng, chỉ đủ để mua một ổ bánh mì lót dạ”, bà Huyền kể lại.
    Học để quên đi sự tự ti nghèo khó
    Giàu nghèo tạo ra khoảng cách giữa con người và con người. Nhưng đó không phải là tất cả, chỉ cần có sự chăm chỉ, cố gắng học tập, chúng ta hoàn toàn có thể xóa nhòa khoảng cách đó và thậm chí tạo nên kỳ tích
    Thái Xuân Đăng, cái tên nghe cực kỳ mạnh mẽ và ấn tượng, nhưng thực tế cậu học trò này có vẻ ngoài khá hiền lành, nhút nhát với chiều cao hơn 1,6 m, nặng chưa đầy 50 kg và gương mặt đầy “dấu vết của tuổi dậy thì”.
    Đăng kể, phải đến năm lớp 9 em mới mê môn tin, môn học xa lạ với những cô cậu học trò trường làng. Ngặt nỗi, nhà không có máy vi tính nên cậu thường tận dụng mọi thời gian ở trường để ngồi máy và thường lân la đến nhà các bạn có điều kiện hơn để “xài ké”.
    Thương con trai, bố của Đăng cắn răng ứng trước tiền của 20 ngày công để sắm cho em chiếc máy tính xách tay đầu tiên ngay trong năm học cuối cấp THCS.
    Càng thấy khoảng cách giàu nghèo của gia đình mình, của quê hương mình với người ta càng lớn thì Đăng càng cố học tập để vứt bỏ sự tự ti đó. “Giàu nghèo tạo ra khoảng cách giữa con người và con người. Nhưng đó không phải là tất cả, chỉ cần có sự chăm chỉ, cố gắng học tập, chúng ta hoàn toàn có thể xóa nhòa khoảng cách đó và thậm chí tạo nên kỳ tích”, Đăng nói, như nhắn gửi với những bè bạn cùng cảnh ngộ.
    Đăng cho biết, tới đây em sẽ nộp đơn vào học nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM để thực hiện giấc mơ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin. Hành trang của em khi bước đi, ngoài những thành tích đồ sộ về học tập còn là niềm kiêu hãnh của gia đình, của quê hương dẫu nghèo khó nhưng luôn mang trong mình những khát vọng đổi thay.
    Chỉ tính riêng 3 năm học THPT, Thái Xuân Đăng đã có những thành tích: giải nhì môn tin học cấp tỉnh năm lớp 10, giải nhất cuộc thi “Tin học trẻ” toàn tỉnh năm lớp 10, giải nhì quốc gia môn tin học năm lớp 11, giải nhất quốc gia môn tin học năm lớp 12, huy chương bạc Olympic Tin học khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2019. Mùa thi THPT quốc gia năm nay, Đăng cũng sẽ vượt qua khó khăn, và trở thành tấm gương nghị lực mùa thi.

IV. GIẢI TRÍ
    Kính thưa quý vị và các bạn!
    Trong chương trình phát thanh tuần này xin gửi đến quý vị và các bạn bài giao hưởng “Ngôi sao hiểu lòng em”.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây