THƯ VIỆN THÀNH PHỐ CẦN THƠ - CANTHO PUBLIC LIBRARY

http://thuviencantho.vn


CHUYÊN MỤC TRUYỀN THANH TUẦN 21 (24/5– 30/5/2021)

I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG                            
     Kính thưa quý vị và các bạn!
     Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Những lưu ý khi đi tắm biển ngày hè” trích từ báo Pháp luật.
https://baophapluat.vn/song-khoe/nhung-luu-y-khi-di-tam-bien-ngay-he-456177.html
 
Để có một chuyến nghỉ dưỡng an toàn, bạn nên trang bị kiến thức cần thiết để tự bảo vệ mình trước một số nguy hiểm bất ngờ.

Hiểu rõ về khả năng bơi lội 
Bơi trong vùng biển lớn đòi hỏi nhiều sức mạnh và kỹ năng hơn bơi trong hồ bơi do đốt cháy nhiều calo hơn. Khi đó, bạn phải đối mặt với sóng lớn và dòng chảy mạnh. Nếu không tự tin, bạn chỉ nên tắm gần bờ biển để đảm bảo an toàn.
Không nên tắm ở vùng biển thường có dòng nước ngược vì rất nguy hiểm cho người bơi. Bạn nên tìm hiểu trước thời tiết và thông tin về bãi biển. Hạn chế tắm vào ngày sóng lớn, ngày mưa bão hay khi nhiệt độ dưới 18 độ C. 

Hạn chế tắm một mình
Để đảm bảo an toàn, bạn nên cẩn thận khi tắm, không nên đi quá xa bờ. Luôn phải đi cùng với 1-2 người khác, càng đông càng an toàn và có thể hỗ trợ nhau khi có sự cố. Ngoài ra, nên tắm trong tầm nhìn của nhân viên cứu hộ để đảm bảo an toàn. 

Ghi nhớ cảnh báo bãi biển
Ở mỗi bãi biển có những biển cắm cảnh báo khu vực nước sâu, nguy hiểm. Bạn nên tuân thủ đúng nội quy của bãi biển, không đi ra xa khỏi khu vực an toàn kẻo không bơi vào bờ được, gặp cá dữ, bị sóng mạnh cuốn trôi.

Tránh vùng nước xoáy
Dòng nước xoáy là dòng nước rất mạnh, dài, di chuyển dọc theo bề mặt của biển và thường xảy ra tại các điểm lòng biển sâu nhất. Để thoát khỏi dòng chảy này, bạn không được hoảng sợ. Luôn nhớ là dòng chảy xa bờ sẽ không hút người xuống đáy mà chỉ đưa mọi vật ra xa bờ. Khi ấy đừng cố bơi ngược dòng mà tìm cách bơi vuông góc với dòng chảy. Đối với người không biết bơi hoặc đã đuối sức, hãy thả nổi mình trôi theo dòng, chờ người tới cứu.

Bơi tỉnh táo
Thư giãn trên bãi biển với một cốc bia lạnh giúp kỳ nghỉ mát trở nên hoàn hảo. Bơi quá nhiều cũng không tốt cho sức khỏe, đặc biệt bơi sau khi đã uống rượu bia. Lý do, rượu bia làm suy yếu khả năng phán đoán của bạn nên khó nhận thấy tình huống nguy hiểm trong nước và không thể thoát ra khi gặp nạn. 

Khi cơ thể có những dấu hiệu lạ như cảm thấy lạnh, mệt mỏi khác thường, nhức trán hoặc sau gáy, bị chuột rút, rối loạn thị giác, có dấu hiệu bị trướng bụng, đau khuỷu tay và đầu gối thì phải lên bờ ngay. Sinh nguyễn

II. GIỚI THIỆU SÁCH                                                                                                     
     Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
- Hỏi & đáp về cuộc đời & sự nghiệp của chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Chuyện kể về thời niên thiếu của Bác Hồ.

 
HỎI & ĐÁP VỀ CUỘC ĐỜI & SỰ NGHIỆP CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH 

Tập hợp 300 câu hỏi liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyển sách “Hỏi & đáp về cuộc đời & sự nghiệp của chủ tịch Hồ Chí Minh” do Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh biên soạn là tài liệu hữu ích trong các cuộc thi tìm hiểu về Bác Hồ, đã được tái bản nhiều lần.

Đọc sách, bạn đọc sẽ được giải đáp những câu hỏi về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ như: Bác Hồ có tên Nguyễn Tất Thành khi nào? Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và ngày, tháng, năm nào? Bác Hồ đã lấy tên Nguyễn Ái Quốc từ bao giờ? Ở đâu? Trong hoàn cảnh nào? Bác Hồ sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên vào thời gian nào? Ở đâu? Với mục đích gì? Xuất xứ câu nói của Bác: “Hỡi công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh! Anh chị em bị áp bức, bóc lột! Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập!”.; “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào ngày tháng năm nào? Bác Hồ thông thao bao nhiêu ngoại ngữ? Đội thiếu niên Tiền Phong và Đội Nhi đồng đã vinh dự mang tên Hồ Chí Minh vào dịp nào? Khẩu hiệu của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh: “Vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Vì lý tưởng của Bác Hồ vĩ đại. Sẵn sàng!” ra đời vào lúc nào?

Sách do Nxb. Trẻ ấn hành năm 2018 với 183 trang, nội dung súc tích, dễ hiểu, có sự cập nhật, bổ sung tư liệu, hình ảnh phong phú hơn. Các bạn hãy tìm đọc quyển sách này tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số:
- Môn loại: 959.704092 / H428V
- Phòng Đọc: DV 59460;
- Phòng Mượn: MG 10561-10562

 
CHUYỆN KỂ VỀ THỜI NIÊN THIẾU CỦA BÁC HỒ

Bác Hồ sinh ngày 19-5-1890 vào mùa sen nở, tại làng Hoàng Trù (còn gọi là làng Trùa) thuộc xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống hiếu học, phong cảnh sông núi hữu tình và có rất nhiều sen tạo nên vẻ đẹp thanh cao. 

Quyển sách “Chuyện kể về thời niên thiếu của Bác Hồ” do Bùi Ngọc Tam biên soạn, nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật ấn hành năm 2020 sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về những năm tháng sôi nổi đầu tiên trong toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng oanh liệt, cao cả của Bác Hồ. 

Qua 248 trang, quyển sách gồm 3 phần trình bày một cách có hệ thống về quãng đời niên thiếu vô cùng sinh động, phong phú của Bác Hồ; về những người thân trong gia đình; những di tích thiêng liêng gắn với Người.

Phần thứ nhất “Từ làng Sen đến cảng Nhà Rồng” viết về quê hương, gia đình và tuổi thơ của Bác ở Làng Sen, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An và giai đoạn Người vào kinh đô Huế, rồi vào Sài Gòn lên tàu ra đi tìm đường cứu nước. Thời thơ ấu và niên thiếu của Bác Hồ đầy ắp những kỷ niệm vui buồn. Trong tình thương yêu của ông bà, cha mẹ và những người thân thiết hai bên nội, ngoại, trong cái nôi văn hóa của gia đình, quê hương, xứ sở, Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành đã sớm được giáo dục chu đáo, không chỉ chữ nghĩa của đạo thánh hiền mà còn là bài học về đạo làm người, về lẽ sống và ứng xử ở đời. Với tư chất thông minh, nhạy cảm, tâm hồn phong phú và trí tuệ sâu sắc, từ khi vào tuổi trưởng thành và trong suốt cuộc đời mình, Người đau đáu một nỗi niềm Dân-Nước. Nỗi niềm ấy không chỉ là cảm xúc và suy tư mà theo năm tháng thời gian cùng với những trải nghiệm trực tiếp đã thôi thúc Người hành động để cứu dân cứu nước. 

Phần thứ hai với tiêu đề “Tổ ấm gia đình” viết về những người thân của Bác Hồ gồm: người mẹ là bà Hoàng Thị Loan (1868 - 1901), người cha là ông Nguyễn Sinh Sắc (1862 - 1929), người chị là bà Nguyễn Thị Thanh (1884 - 1954) và người anh là ông Nguyễn Sinh Khiêm (1888 - 1950). Những người thân của Bác là những con người đã trải qua cuộc sống đầy gian nan thử thách và để lại những dấu ấn đẹp đẽ về nhân cách cao thượng, lòng nhân ái bao la, đức hy sinh cao cả.

Phần thứ ba “Những di tích thiêng liêng” giới thiệu đến bạn đọc các di tích gồm: Cụm Di tích Hoàng Trù (Ngôi nhà - nơi Nguyễn Sinh Cung (tên của Bác Hồ lúc nhỏ) đã chào đời; Ngôi nhà cụ Hoàng Đường; Nhà thờ họ Hoàng) ; Cụm Di tích Kim Liên (Nhà cụ Phó Bảng, Nhà thờ họ Nguyễn Sinh, Nhà cụ Nguyễn Sinh Vượng, Lò rèn cố Điền, Giếng Cốc, Núi Chung, Nhà thầy Cử Vương); Cụm Di tích Nam Giang (Khu mộ bà Hoàng Thị Loan).

Đọc sách và hiểu về thời niên thiếu của Bác Hồ, chúng ta càng kính yêu và biết ơn Người vô hạn khi nghĩ đến công lao trời biển của Người đối với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc.

Trân trọng giới thiệu quyển sách “Chuyện kể về thời niên thiếu của Bác Hồ” đến quý bạn đọc.
Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số: 
▪ Ký hiệu phân loại: 959.704092 / CH527K
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.058702;
▪ PHÒNG MƯỢN: MG.010352; MG.010353

III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
      Các bạn thân mến!
     Chuyên mục về thanh niên tuần này xin mời đến quý vị và các bạn bài viết “Bác Hồ bắt nhịp bài ca kết đoàn” đăng trên báo Nhân dân điện tử.
https://nhandan.com.vn/di-san/bac-ho-bat-nhip-bai-ca-ket-doan-416459

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long sinh năm 1926 tại xã Phước Lộc, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Tham gia cách mạng từ năm 1945. Năm 1951 anh bị địch bắt; cầm tù tại nhà lao Phan Thiết, Nha Trang rồi Ðà Nẵng. Trong tù đày bị tra tấn dã man nhưng anh vẫn giữ được khí tiết cách mạng, giữ được bí mật cho tổ chức.

Năm 1954, tập kết ra bắc, anh mong ước được nhìn thấy Bác Hồ. Khi trở thành phóng viên nhiếp ảnh Thông tấn xã Việt Nam, anh lại mong ước được chụp ảnh Bác Hồ  như các ông Vũ Năng An, Ðinh Ðăng Ðịnh hồi kháng chiến chín năm ở Việt Bắc. Ðiều mơ ước đó đã thành hiện thực.

Phóng viên nhiếp ảnh Lâm Hồng Long được giao nhiệm vụ đặc biệt: chuyên chụp ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều bức ảnh Bác Hồ do Lâm Hồng Long chụp khá nổi tiếng như: Bác Hồ bắt nhịp bài ca kết đoàn; Bác Hồ với các cháu thiếu nhi; Bác Hồ với các anh hùng dũng sĩ miền nam; Bác Hồ tặng hoa cho Mẹ Suốt; Bác trồng cây đa ở Vật Lại - Ba Vì...

Năm 1960, anh đã ghi được giây phút xuất thần khi Bác chỉ huy dàn nhạc trong một dạ hội quần chúng tại công viên Bách Thảo chào mừng thành công Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ III (9-1960). Từ dáng điệu, cử chỉ, nét mặt của Người thật đẹp, như truyền cảm hứng và những rung động nghệ sĩ cho mỗi chúng ta. Biết tin Bác đến dự dạ hội, Bộ Văn hóa bố trí dàn nhạc giao hưởng hợp xướng thật hoành tráng.

Xen kẽ trong dàn hợp xướng là một số phóng viên nhiếp ảnh được "cài cắm" vào vị trí thuận lợi. Bạn đồng nghiệp của anh Long rất vui mừng vì chỗ đứng đắc địa của mình và tỏ ra ái ngại cho Lâm Hồng Long đến hơi muộn, đành phải "chốt" ở vị trí sau lưng Bác! Không sao - anh nghĩ: chụp sau lưng Bác cũng được. Xem ảnh ai chẳng nhận ra Bác đang chỉ huy dàn nhạc. Hậu cảnh ở phía trước khuôn hình lại có dàn nhạc giao hưởng làm "nền" cho bức ảnh, càng nổi rõ chủ đề: Bác chỉ huy dàn nhạc chứ sao!

Công viên Bách Thảo đã chìm trong bầu trời đêm. Từng hàng bóng điện tỏa sáng lung linh huyền ảo như trời đầy sao. Nghe tin Bác đến, đồng bào thủ đô đến dự hội đã chật ních cả không gian công viên Bách Thảo. Giờ khai hội đã đến. Bác bước lên bục cầm que chỉ huy dàn nhạc và bắt nhịp bài ca Kết đoàn. Các nhạc công và ca sĩ rất hứng khởi nhìn vào người nhạc trưởng và đồng thanh cất lên với một giọng trầm hùng: "Kết đoàn chúng ta là sức mạnh"...

Chiếc que chỉ huy của người nhạc trưởng vang lên hạ xuống nhịp nhàng cùng "ông cụ" xoay một vòng... đến lúc Bác quay về phía Lâm Hồng Long, anh vô cùng hồi hộp và sung sướng. Thời cơ đã đến! Xoạch! - Anh bình tĩnh bấm máy. Ðèn phát sáng, anh nhìn rõ chiếc que chỉ huy của Bác vung lên ở một tư thế cực đẹp. Anh thật sự hài lòng: Vậy là mình đã bấm máy đúng lúc. Sau đó anh có chụp thêm hàng chục kiểu khác nhưng không thể "chớp" đúng thời cơ bấm máy lần đầu.

Về cơ quan tráng phim và làm ảnh xong anh vô cùng xúc động. Hóa ra ảnh của Lâm Hồng Long lại đạt hơn các bạn đồng nghiệp đứng ở vị trí thuận lợi nhất. Sáng hôm sau, ảnh Bác Hồ bắt nhịp bài ca kết đoàn của Lâm  Hồng  Long  được  in trên báo ở vị trí quan trọng nhất. Cho đến hôm nay, tác phẩm Bác Hồ bắt nhịp bài ca kết đoàn đã hàng trăm lần in trên báo, phóng lớn để triển lãm ở trong nước và quốc tế. Người xem ảnh đều có chung nhận xét: "Bác Hồ là người nhạc trưởng vĩ đại! Cả dân tộc Việt Nam là một dàn đại hợp xướng!". Hoàng Kim Đáng

     Các bạn thân mến! Chương trình phát thanh hôm nay đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình phát thanh tuần này trên địa chỉ website thư viện TP. Cần Thơ www.cantholib.org.vn
     Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây