XÂY DỰNG HỆ GIÁ TRỊ VĂN HÓA, CON NGƯỜI VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ MỚI - CỐT LÕI PHÁT TRIỂN VĂN HÓA CẦN THƠ
“Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. TP Cần Thơ với đặc thù văn hóa, đã và đang có nhiều giải pháp tích cực trong góp phần xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Xây dựng người Cần Thơ trí tuệ - năng động - nhân ái - hào hiệp - thanh lịch được thực hiện bằng nhiều mô hình hiệu quả. Trong ảnh: Học sinh tham quan Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ).
“Lấy cái đẹp dẹp cái xấu”
Kết luận Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.
Xây dựng văn hóa vững chắc nhất là từ con người văn hóa và vì hạnh phúc của con người. Lý luận này được các cấp lãnh đạo TP Cần Thơ xác định và xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo lĩnh vực văn hóa. Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 17-2-2005, của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đều đề ra nhiệm vụ: “Xây dựng con người Cần Thơ trí tuệ - năng động - nhân ái - hào hiệp - thanh lịch”. Việc thực hiện các tiêu chí người Cần Thơ được nhuần nhuyễn và cụ thể hóa bằng những việc làm cụ thể.
Phong trào “Người tốt, việc tốt” ở Cần Thơ phát triển mạnh, nhiều tấm gương điển hình ra đời ngày càng nhiều. Đó là người đàn ông tật nguyền hàng chục năm vá đường thiện nguyện (ông Nguyễn Hồng Dân, ngụ quận Bình Thủy); là thầy giáo đi bán vé số để giúp đỡ người nghèo (thầy Nguyễn Nhựt Tân, huyện Phong Điền); hay người phụ nữ vượt qua nghịch cảnh, dành trọn tuổi xế chiều giúp người nghèo khó (bà Đặng Thị Tuyết, quận Ninh Kiều)... Những mô hình thiện nguyện ra đời ngày càng nhiều như cơm 0 đồng, tủ quần áo 0 đồng, tủ bánh mì miễn phí...
Việc xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam TP Cần Thơ còn được các cấp, các ngành cụ thể hóa bằng những cách làm hay. Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học của ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố là điển hình, nhằm hình thành nhân cách, cách đối nhân xử thế cho học sinh ngay từ ghế nhà trường. Những mô hình như giáo dục truyền thống, gia tăng hoạt động trải nghiệm, nâng cao kỹ năng sống... tỏ rõ hiệu quả. Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Cần xây dựng văn hóa cốt lõi trong nhà trường: nề nếp, kỷ cương, trường ra trường, lớp ra lớp, thầy mẫu mực, trò chăm ngoan. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng giá trị “Tiên học lễ, hậu học văn” trong nhà trường”.
Từ hơn 10 năm qua, chương trình giáo dục di sản trong học đường được ngành Văn hóa và ngành Giáo dục TP Cần Thơ phối hợp thực hiện đã mang lại hiệu quả tích cực. Những chuyến tham quan di tích, bảo tàng, những chuyến về nguồn, tìm hiểu di sản văn hóa... đã vun bồi tình yêu quê hương, đất nước, hình thành cho các em nhận thức về trách nhiệm bản thân, gia đình và xã hội. Xây dựng những giá trị cốt lõi của người Cần Thơ trí tuệ - năng động - nhân ái - hào hiệp - thanh lịch là cả một quá trình. Với khát vọng “lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước” và với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, giá trị nhân văn của người Cần Thơ sẽ trở nên cốt lõi trong xã hội hiện đại.
Phát huy “sức mạnh mềm”
Cần Thơ là vùng đất giàu bản sắc và tiềm lực văn hóa, truyền thống. Những giá trị đó hình thành nên hệ sinh thái tài nguyên văn hóa phong phú, không pha lẫn; là “sức mạnh mềm” phát triển thành phố trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 9-1-2023 đã nêu ra những định hướng quan trọng đối với TP Cần Thơ là xây dựng hệ thống đô thị vùng ĐBSCL với đô thị trung tâm là TP Cần Thơ; và “Phát triển TP Cần Thơ là cực tăng trưởng, thúc đẩy phát triển toàn bộ vùng ĐBSCL”. Quán triệt định hướng này vào lĩnh vực phát triển văn hóa của thành phố, có nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.
“Mặt tiền” cho văn hóa Cần Thơ trước hết là bộ nhận diện thương hiệu mang đậm bản sắc địa phương. Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) thành phố đã xây dựng biểu tượng và khẩu hiệu nhận diện du lịch nhưng sức lan tỏa chưa cao. Đề án số 07-ĐA/TU ngày 28-12-2021 của Thành ủy Cần Thơ về phát triển văn hóa TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2030, đề ra giải pháp nhằm nâng chất hệ thống thiết chế văn hóa. Cụ thể là quy hoạch, xây dựng các công trình văn hóa tiêu biểu, xứng tầm là thành phố trung tâm vùng ĐBSCL như nhà hát, quảng trường, trung tâm triển lãm văn hóa - nghệ thuật; đồng thời cải tạo, nâng cấp các công trình hiện có như Nhà hát Tây Đô, Trung tâm Văn hóa thành phố và các thiết chế văn hóa tại địa phương… Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở VHTT&DL, thông tin: “TP Cần Thơ là trung tâm văn hóa của vùng ĐBSCL nên rất cần có quảng trường để phục vụ các sự kiện. Tuy nhiên, quỹ đất phù hợp để xây dựng đang gặp khó khăn. Được biết, trong quy hoạch của thành phố có quy hoạch xây dựng quảng trường”. Ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, đề xuất: Thành phố cần nghiên cứu cơ chế hợp tác công tư giữa doanh nghiệp và nhà nước trong việc cải tạo nâng cấp các hạ tầng văn hóa (công viên sách, nhà hát), thể thao (nhà thi đấu đa năng, sân vận động)… để tiếp thêm nguồn lực cho việc phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển kinh tế đêm… Đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý đô thị; tiếp tục mời gọi đầu tư các hạ tầng như bến tàu du lịch, trung tâm hội chợ triển lãm…
Về hoạt động chuyên sâu, nhà nghiên cứu Nhâm Hùng không đồng tình với cách làm lễ hội, ngày hội văn hóa du lịch kiểu “xé lẻ” cho các quận, huyện như thời gian qua và đề xuất: “Cần Thơ cần tập trung nguồn lực, định kỳ tổ chức Ngày hội văn hóa miệt vườn sông nước Cửu Long với quy mô lớn, mang nội hàm văn hóa cao, hiệu quả xúc tiến du lịch rõ nét. Có như vậy, Cần Thơ mới thể hiện rõ nét là trung tâm văn hóa, du lịch của vùng”. Cũng theo ông Nhâm Hùng, nghệ thuật biểu diễn ở Cần Thơ nếu muốn hướng đến xứng tầm trung tâm vùng cần đổi mới nhiều hơn. Đặc biệt ở lĩnh vực nghệ thuật cải lương, Cần Thơ có đủ thực lực và nhân lực nhưng hoạt động vẫn chưa hiệu quả, sân khấu Nhà hát Tây Đô vẫn hiếm hoi sáng đèn. Cần Thơ là một trong những cái nôi của cải lương, cần tái thiết và định vị lĩnh vực này. Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Thành Nguyện, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển, bảo tồn văn hóa - nghệ thuật Đông Nam Á, cho rằng, Cần Thơ cần tập trung đầu tư bảo tồn, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống. Điều này không chỉ có ý nghĩa trong khơi dậy nguồn lực văn hóa mà còn góp phần giáo dục truyền thống quê hương.
* * *
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng nhanh chóng và sâu rộng, văn hóa Cần Thơ đứng trước những thời cơ và thách thức mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với cả nước, Cần Thơ kiên định mục tiêu tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; hiện thực hóa khát vọng chấn hưng văn hóa, để văn hóa thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, “sức mạnh mềm”; như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi!”. Văn hóa Cần Thơ tự tin phát triển hơn nữa, mang lại lợi ích kinh tế nhiều hơn nữa; đặc biệt là kiến tạo nên hệ giá trị đủ tầm, khơi dậy trong mỗi người Cần Thơ lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương và khát vọng cống hiến!
Nguồn: Báo diện tử Cần Thơ cập nhật ngày 14/03/2023