Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất, người sáng lập, rèn luyện Đảng - Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, Người đã để lại cho Đảng và nhân dân ta bản Di chúc lịch sử vô cùng quý giá, kết tinh trong đó tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân suốt đời phấn đấu, hy sinh vì Tổ quốc.
Thư viện TP. Cần Thơ xin giới thiệu đến các bạn quyển sách “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” do Nxb. Văn Hóa - Văn Nghệ ấn hành năm 2019, trình bày đầy đủ nội dung bản Di chúc thiêng liêng của Bác - văn kiện lịch sử vô giá của dân tộc Việt Nam. Sách có độ dày 100 trang với bố cục 6 phần.
Phần 1 và phần 2 trình bày tiểu sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969) và Thông báo số 151-TB/TW ngày 19/8/1989 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Về tài liệu gốc Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; khẳng định Di chúc công bố chính thức năm 1969 đảm bảo trung thành với bản gốc của Người.
Phần 3 và 4 giới thiệu các bút tích và nguyên văn các bản viết Di chúc của Bác (1965-1969). Bác bắt đầu dự thảo Di chúc từ ngày 10 đến ngày 14/5/1965. Bản Di chúc đầu tiên gồm 3 trang, đề ngày 15/5/1965. Năm 1968, Bác viết tay bổ sung thêm 6 trang, trong đó, viết lại đoạn mở đầu, đoạn nói về việc riêng đã viết trong bản 1965 và thêm một số đoạn. Ngày 10/5/1969, Người viết lại toàn bộ đoạn mở đầu Di chúc gồm một trang viết tay. Những vấn đề cốt lõi được Bác căn dặn trong Di chúc là:
Trước hết nói về Đảng, “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”, “Cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”, “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Đối với đoàn viên và thanh niên, Bác nhấn mạnh, Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ - những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Đối với nhân dân lao động, Bác cho rằng Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Sau khi kháng chiến thắng lợi, Đảng và Nhà nước phải quan tâm chăm lo tới mọi đối tượng trong xã hội, đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Đối với phong trào cộng sản thế giới, Đảng ta cần ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các Đảng anh em trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin và Chủ nghĩa quốc tế vô sản. Đối với bản thân, Bác căn dặn: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Mong muốn cuối cùng của Bác trước lúc đi xa là toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
Phần 5 quyển sách là Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất, đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Hồ Chủ tịch, ngày 09/9/1969, thể hiện quyết tâm cả dân tộc Việt Nam biến đau thương thành hành động cách mạng, làm tròn sứ mệnh mà Người đã tin cậy giao phó, nguyện đi theo con đường mà Người đã vạch ra.
Phần 6 khẳng định giá trị của bản Di chúc của Bác - là một văn kiện lịch sử vô giá, tình cảm thiết tha, là niềm tin sâu sắc của Người gửi lại cho các thế hệ mai sau. Di chúc của Người đã trở thành cương lĩnh hành động của toàn Đảng, toàn dân ta trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, là ánh sáng chỉ đường, sức mạnh thôi thúc hành động, không chỉ đối với nhân dân ta, mà còn đối với tất cả những ai đang đấu tranh cho tự do, độc lập, hòa bình, công lý và hạnh phúc con người.
Quyển sách “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” hiện đang được phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ. Bạn đọc tra tìm tài liệu theo mã số sau:
* Phòng Đọc:
- 335.4346/D300CH
- DN.3195
* Phòng Mượn:
- 335.4346/D300CH
- MH.10419, MH.10420