Để có được cuộc sống thanh bình ngày hôm nay, đã có biết bao nhiêu người con ưu tú đã ngã xuống để giành lấy thắng lợi vẻ vang cho Tổ quốc. Cùng với đó là hàng vạn đồng bào, đồng chí bị địch bắt, tù đày nhưng vẫn dũng cảm, kiên cường, giữ vững khí tiết, trung kiên, son sắt với Đảng, với nhân dân để dành lại độc lập tự do cho dân tộc.
Được sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và các nhà hảo tâm, Hội Người tù Kháng chiến TP. Cần Thơ đã hoàn thành tập kỷ yếu “Hội Người tù Kháng chiến thành phố Cần Thơ”.
Với độ dày 461 trang, kỷ yếu ghi lại những hoài niệm của những chiến sĩ cách mạng đất Tây Đô về những năm tháng ngọt bùi, cay đắng vượt qua bão tố, hy sinh tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, là tiếng nói của những trái tim - tưởng nhớ về những người đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường.
Tập kỷ yếu được mở đầu trang trọng bằng tấm ảnh bất hủ ghi lại khoảnh khắc thân thương, gần gũi giữa hai vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Tiếp đến là lời ghi của đồng chí Trần Quốc Trung - Ủy viên Ban Chấp hành TW Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu quốc hội TP. Cần Thơ, khẳng định giá trị lịch sử và ý nghĩa thực tiễn của tập kỷ yếu trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ Cần Thơ hôm nay.
Tiếp theo là Bằng khen của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng anh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân dành cho tập thể chiến sĩ cách mạng và hình ảnh các nhà tù - nơi giam cầm các chiến sĩ trong hai cuộc kháng chiến. Đặc biệt trong đó Khám Lớn Cần Thơ - Di tích lịch sử nổi tiếng, là địa điểm tham quan, học tập, sinh hoạt truyền thống của nhân dân địa phương.
Phần tiếp đến là những tư liệu khái quát quá trình hình thành và hoạt động của “Hội người tù kháng chiến TP. Cần Thơ, từ “Ban Liên lạc Nữ tù” (trước năm 1995), đến “Ban Liên lạc Lâm thời Tù binh - Tù chính trị” (năm 1995) và sự ra đời của “Hội Người tù Kháng chiến TP. Cần Thơ” (theo Quyết định số 2587/QĐCTUB ngày 28/7/2005 của UBND TP. Cần Thơ) đã đánh dấu bước ngoặc mới của các cựu chiến binh ngày ấy.
Tính đến năm 2019, Hội đã hoạt động đến nhiệm kỳ thứ 05, có 09 Ban Chấp hành quận, huyện; 47 Ban Chấp hành phường, xã, thị trấn; đã có trên 2000 hội viên và hiện nay còn 725 hội viên còn sống và đang sinh hoạt. Hội thường xuyên tích cực tham gia mọi mặt công tác tại địa phương và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Tại Đại hội Đại biểu Hội Người tù kháng chiến thành phố Cần Thơ lần thứ IV, nhiệm kỳ 2010 – 2015, Hội đã được Thành Ủy Cần Thơ tặng bức trướng với dòng chữ:
“Trong lao tù trung kiên bất khuất
Sống ngoài đời gương mẫu thủy chung”.
Tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, cán bộ, hội viên ngày nay luôn hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình để góp phần xây dựng đất nước nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng, ngày càng giàu mạnh. Những việc làm đầy ý nghĩa ấy được minh chứng qua rất nhiều hình ảnh trong tập kỷ yếu.
Phần cuối quyển sách giới thiệu lịch sử hình thành và thông tin hoạt động của Hội ở 09 quận, huyện trên địa bàn thành phố và tại Phú Quốc (Kiên Giang). Ở mỗi địa bàn hoạt động, qua từng bài viết, là những ký ức không quên về các trận đánh, những di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng, tấm gương anh hùng liệt sĩ của Cần Thơ nổi bật trong lịch sử hoạt động của Hội như: Chùa Nam Nhã, chùa Hội Linh, căn cứ Vườn Mận (quận Bình Thủy); “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” Lê Bình và đội cảm tử quân (quận Cái Răng);
Sự ra đời của chi bộ An Nam Cộng sản đảng, chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ Cần Thơ (huyện Cờ Đỏ); “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng” Phan Thị Nở, Người nữ biệt động - “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” Nguyễn Thị Vân (quận Ninh Kiều); Tuyến “vành đai lửa” lộ Vòng Cung (huyện Phong Điền),...
Quyển kỷ yếu dành rất nhiều trang đăng tải hình ảnh và tiểu sử từng Hội viên. Mặc dù đã nỗ lực trong việc thu thập tư liệu của hội viên, nhưng do điều kiện khách quan, đến nay vẫn còn 280 hội viên thiếu hình ảnh và thông tin.
Chiến tranh đã đi qua gần 45 năm, ngày nay, những người tù kháng chiến thành phố Cần Thơ tuy tuổi cao, sức yếu, mang nhiều di chứng bệnh tật nhưng vẫn tiếp tục phát huy phẩm chất tốt đẹp của người chiến sĩ, quan tâm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Từ những nghĩa cử cao đẹp ấy, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Cần Thơ luôn tri ân, tự hào về những tấm gương của các thế hệ đồng chí, và thường xuyên quan tâm thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với đất nước.
Kỷ yếu “Hội Người tù Kháng chiến thành phố Cần Thơ” ngoài việc lưu giữ thông tin, hình ảnh về một thời chiến đấu kiên cường của các chiến sĩ cách mạng còn là tư liệu quý trong việc giáo dục các thế hệ trẻ ngày nay và mai sau, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của thế hệ cha ông đi trước, cống hiến trí tuệ, sức lực của mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quyển kỷ yếu được Thư viện thành phố lưu trữ lâu dài và phục vụ rộng rãi cho đông đảo bạn đọc, đặc biệt là thế hệ trẻ nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, phát huy tinh thần trung kiên, bất khuất của những người tù kháng chiến đất Tây Đô trong công cuộc xây dựng quê hương đất nước. Bạn đọc tra tìm tài liệu với mã số:
* Phòng Đọc Địa Chí:
- 959.7043 / K600Y
- DC.002799, DC.002800
* Phòng Mượn:
- 959.7043 / K600Y
- MG.009929, MG.009930