“Văn hóa vốn đa nghĩa, đa tầng, đôi khi được hiểu là những thói quen, lối sống, phong tục, tập quán vốn khó xác định đúng - sau, tốt - xấu, có khi được định nghĩa là giá trị, đạo đức, chuẩn mực, khuôn mẫu ứng xử, những thứ định hướng sự hình thành phẩm chất, nhân cách; có cái nhìn thấy được (văn hóa vật thể), nhưng cũng có cái lại không nhìn thấy được (văn hóa phi vật thể).
... Văn hóa là một lĩnh vực vừa dễ, vừa khó, vừa gần gũi, cụ thể lại vừa xa xôi, trừu tượng. Chính vì thế đây là chủ đề yêu thích của tất cả mọi người. Mọi người đều say sưa nói về văn hóa từ cách tiếp cận của riêng mình, và theo tôi, ai cũng có lý cả. Thế nên, nhiều người cho rằng, không có văn hóa cao hay văn hóa thấp, không nên có sự so sánh về văn hóa, và ngay cả nghệ thuật cũng chỉ nên dừng ở cảm nhận chủ quan của từng người, đừng lấy cảm nhận nghệ thuật của mình để phán xét năng lực nghệ thuật của người khác...”
Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.
“Những thông điệp về văn hoá” là quyển sách tập hợp các bài viết của tác giả Bùi Hoài Sơn về xây dựng con người và đạo đức xã hội; vai trò của văn hoá trong phát triển đất nước.
Ở chủ đề xây dựng con người và đạo đức xã hội là các bài viết như: Phát huy nhân tố con người Việt Nam cần khắc phục những gì? Để đạo đức là hệ điều tiết hành vi xã hội; Xây dựng con người bắt đầu từ trẻ em; Vai trò của nghệ thuật trong phát triển con người toàn diện; Thể thao và tinh thần dân tộc; Cẩn trọng với phát ngôn trên mạng xã hội; Truyền thống hiếu học qua ngày Nhà giáo Việt Nam; Bàn về thói háo danh; Xây dựng và thực hành văn hóa gia đình; Trách nhiệm xã hội của nghệ sĩ; Mùa Vu lan báo hiếu trong dịch bệnh Covid -19; Làm sao để người dân đến đền, chùa, lễ hội thực sự là cuộc “dạo chơi giữa nhân gian”? Ứng xử văn minh trên môi trường mạng - cần bắt đầu từ người sử dụng; Thay đổi thói quen, lối sống từ dịch Covid-19; Đi học trở lại thời dịch bệnh Covid-19; Đạo đức xã hội trong nạn dịch nCoV; Tình làng nghĩa xóm - sợi chỉ gắn kết và bản sắc văn hóa dân tộc; Để tháng Giêng không còn là tháng ăn chơi; Tứ đức của phụ nữ xưa, phẩm chất của phụ nữ nay; Nghĩ thêm về hạnh phúc; Trào lưu đúc tượng, lập đền thờ cá nhân - suy nghĩ lệch dẫn tới văn hóa lệch; Tinh thần vì cộng đồng tạo nên sức mạnh Việt Nam; Hệ giá trị và con người Việt Nam; Nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa;...
Về vai trò của văn hóa trong phát triển đất nước, sách có các bài viết: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”; Để văn hóa tạo ra bản lĩnh Việt Nam; Văn hóa là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển; Xây dựng văn hóa trong Đảng vì sự phát triển bền vững đất nước; Thấy rõ hơn thông điệp về văn hóa; Văn hóa đem lại nguồn lực phát triển kinh tế; Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận! Văn hóa tạo nên con người; Vai trò của cộng đồng trong phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể; Thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; Hướng đi cần có để phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam; Truyền cảm hứng để các không gian sáng tạo nghệ thuật phát triển; Sự kiên cường - từ nghệ thuật đến cuộc sống; Khi chúng ta cần sân khấu; Những giải pháp “hồi sức” cho văn hóa nghệ thuật sau đại dịch; Quản lý văn hóa phải là công cụ hỗ trợ phát triển văn hóa;...
Trong bài “Luật Thư viện và tôn vinh văn hóa đọc”, tác giả viết: “Trong bối cảnh xã hội hôm nay, khi mà các phương tiện truyền thông mới đang làm thay đổi cách chúng ta tiếp cận tri thức và đọc sách, dường như chúng ta quan tâm đến những mẩu tin ngắn, được quảng cáo hấp dẫn, bị động với thông tin và bị thông tin dẫn dắt nhiều hơn, thông tin nhanh đến rồi cũng nhanh đi hơn, vì thế, có thể chúng ta có thể có nhiều thông tin hơn nhưng các thông tin cũng ít sâu sắc hơn. Rèn luyện thói quen đọc sách chủ động là một giải pháp vô cùng cần thiết để xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Thay vì lướt nhanh qua những dòng tweet, tin tức rất nhiều nhưng rất hời hợt trên các trang mạng xã hội, mỗi người chúng ta cần lắng mình lại, dành thời gian nhiều hơn cho những trang sách, nơi chúng ta được tưởng tượng, tìm kiếm những kiến thức thực sự sâu sắc, cũng như giúp chúng ta thanh lọc những tác động đa dạng, phức tạp ngoài xã hội, như Victor Hugo đã từng nói: “Chính từ sách mà những người khôn ngoan tìm được sự an ủi khỏi những rắc rối của cuộc đời”. Thói quen đọc sách giúp chúng ta trưởng thành hơn và mỗi cuốn sách hay chính là một chiếc chìa khóa đưa chúng ta đến thành công và thậm chí có thể thay đổi chính cả cuộc đời mình! Tôn vinh văn hóa đọc, tôn vinh thói quen đọc sách là cách chúng ta xây dựng một xã hội tri thức, hướng tới xây dựng con người phát triển toàn diện và một nền văn hóa đật chất nhân văn, rất cần cho sự phát triển bền vững đất nước!”.
Thông qua những câu chuyện cụ thể, gần gũi với cuộc sống, trong “Những thông điệp về văn hóa” tác giả đã tiếp cận văn hóa là một lĩnh vực của đời sống xã hội và xác định văn hóa có mối quan hệ biện chứng với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, như: chính trị, kinh tế, giáo dục, khoa học công nghệ...; nhìn nhận sự hình thành của các hiện tượng văn hóa như là một quá trình, chứ không chỉ là kết quả đơn giản, và phải được xét trong bối cảnh không gian, thời gian lịch sử xã hội cụ thể. Hy vọng rằng quyển sách có thể giúp những người quan tâm hiểu một phần nào đó về văn hóa - lĩnh vực không thể thiếu trong đời sống.
Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 306.09597 / NH556TH
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.061008
▪ PHÒNG MƯỢN: MA.025811; MA.025812