Đâu là hơi thở của giáo dục và trường học? Phải chăng trường học và nền giáo dục đó mang đến cho những cô cậu học trò tuổi thơ đẹp nhất, tình bạn đẹp nhất, tâm hồn phong phú, và một phương pháp giáo dục không ép buộc, một thứ gì đó vô giá, thậm chí còn có giá trị hơn những khao khát ước mơ?
Quyển sách “Chiến binh Cầu vồng” của nhà văn Andrea Hirata qua phần chuyển ngữ của dịch giả Dạ Thảo sẽ kể cho các bạn câu chuyện có thật ở vùng quê nghèo Indonesia, nơi 10 đứa trẻ phải vật lộn với cuộc sống để được đến trường. Câu chuyện là hồi ức của chính tác giả về những đứa trẻ nghèo và hai nhà giáo tận tụy diễn ra trên đảo Belitong thuộc đất nước Indonesia.
Trong khi ngày nhập học của học sinh trường Muhammadiyah (ngôi trường nghèo nhất và cũng lâu đời nhất đảo) diễn ra trong sự lo âu của tất cả những người có mặt vì nếu có ít hơn 10 học sinh mới thì ngôi trường sẽ bị đóng cửa. Và cậu học sinh thứ 10 - cậu bé kém phát triển Harun đã xuất hiện, giúp cứu lấy ngôi trường và cứu lấy ước mơ được đi học của 9 học sinh còn lại. Để đến với con chữ, các em đã phải trải qua nhiều thử thách, điển hình là Lingtang. Hằng ngày cậu bé phải đạp xe 80km cả đi và về, chưa kể những lúc chiếc xe đạp cũ dở chứng hư hỏng, những lúc mưa gió, cậu bé phải bỏ quần áo, bút vở vào bịch nilon và bơi trong dòng nước trước sự thèm khát của những con cá sấu,… Thế mà lúc nào cậu cũng là người đến lớp sớm nhất và là một thiên tài với đầu óc thông minh vượt trội hơn tất cả. Với Lingtang và các bạn, việc học tập được thôi thúc bằng khát vọng vươn lên. Tất cả được dìu dắt bởi thầy Harfan và cô giáo Mus dưới ngọn đuốc soi đường là giá trị đạo đức – môn học giá trị nhất thế giới?
Còn xuyên suốt quyển sách, bạn đọc sẽ nhận ra tác phẩm là câu chuyện giáo dục với một triết lý kiên định: “Học không phải là phương tiện để thăng tiến, kiếm tiền hay làm giàu. Thầy xem học tập là ca tụng nhân bản, là thanh cao, là niềm vui khi cắp sách đến trường và là ánh sáng văn minh” (Trích lời thầy Harfan). Và cô giáo Mus thì quan niệm rằng mất đi một học trò như mất nửa linh hồn. Để biến những suy tư đó thành hành động, thầy Harfan và cô Mus, đã cùng đám học trò của mình chiến đấu như những chiến binh quả cảm, dù có lúc mệt mỏi, nhưng họ đã giành chiến thắng trong cuộc chiến giành lại quyền tồn tại cho ngôi trường Muhammadiyah.
Trong quyển sách “Chiến binh Cầu vồng” có cả tình yêu trong sáng tuổi học trò lẫn những trò đùa tinh quái, có cả nước mắt lẫn tiếng cười - một bức tranh chân thực về hố sâu ngăn cách giàu nghèo, truyền tải sâu sắc ý nghĩa đích thực của việc làm thầy, làm trò và việc học. Tác phẩm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và là một trong những đại diện xuất sắc nhất của văn học Indonesia hiện đại.
Quyển sách có độ dày 424 trang, do Nxb. Hội nhà văn ấn hành năm 2017. Bạn đọc tra tìm tài liệu với mã số:
* Phòng Thiếu nhi:
- 899 / CH305B
- NA.003655, NA.003656