I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG
Kính thưa quý vị và các bạn!
Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Tết khỏe tết vui: Ăn gì cho... đẹp?” của DS Lê Kim Phụng, trích từ báo Tuổi trẻ.
Ăn protein để sửa chữa và xây dựng cơ bắp. Gắng sức về thể chất luôn kích hoạt sự phân hủy protein cơ bắp, nhưng tốc độ phân hủy có liên quan đến loại hình và cường độ tập luyện. Nghiên cứu cho thấy 20-40 gam protein là lượng lý tưởng để tối đa hóa khả năng xây dựng cơ bắp. Lựa chọn protein thông minh gồm trứng, sữa chua, cá hồi, thịt gà, cá ngừ...
Ăn carbs để tái tạo nhiên liệu. Carbohydrate (carbs) là một yếu tố dinh dưỡng đa lượng, là thành phần cơ bản trong thức ăn của con người. Carbs cùng với protein, lipid, vitamin và khoáng chất giúp con người duy trì sự sống, sinh trưởng và phát triển.Glycogen là nhiên liệu do cơ thể tạo ra từ glucose và nó được dự trữ trong cơ bắp của chúng ta. Glucose có nguồn gốc từ carbohydrate, vì vậy ăn carbs sau khi tập thể dục giúp bổ sung glycogen đã cạn. Lựa chọn carbs ăn nhẹ như gạo, bánh gạo, khoai lang, khoai tây trắng, trái cây, bánh mì nướng...
Bổ sung chất béo. Chất béo thường được cho là xấu, đặc biệt là khi dùng nó để duy trì sức khỏe cân nặng. Nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng chỉ ra chính chất đường mới là thủ phạm tồi tệ nhất. Ăn một ít chất béo cùng với carbs và protein sau khi tập luyện sẽ làm chậm quá trình tiêu hóa nhưng không ức chế sự hấp thụ chất dinh dưỡng.
Điều đó cần thiết để đảm bảo nguồn năng lượng đốt cháy chậm hơn sẽ giúp cơ thể duy trì sức khỏe cho đến bữa ăn tiếp theo. Cho dù các chuyên gia không khuyên nên nạp thêm chất béo, nhưng cũng đừng lo lắng rằng việc thêm một chút chất béo vào bữa ăn sẽ làm hỏng mục tiêu tập thể dục để giảm cân. Nên chọn các chất béo như các loại hạt, bơ hạt như bơ đậu phộng, bơ hạnh nhân, dầu ôliu, sôcôla đen...
Bổ sung nước đầy đủ. Cần nhớ kỹ phải uống nước trước, trong và sau khi tập luyện. Giữ đủ nước giúp tạo ra một môi trường tối ưu để cơ thể có thể thực hiện các phản ứng quan trọng trong quá trình tập luyện cũng như trong giai đoạn phục hồi.
Ngoài nước lọc thì nước dừa, nước trà đen và trà xanh cũng giống như nước ép anh đào, nước trà chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao đã được chứng minh là giúp giảm đau nhức cơ bắp, phục hồi sức mạnh cơ bắp nhanh hơn.
II. GIỚI THIỆU SÁCH
Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
- Truyền thông khoa học và công nghệ: Truyền thông trong dự phòng bệnh dịch và hỗ trợ giải quyết các vấn đề sức khoẻ công cộng.
- Anh Ba Hưng vốn thiệt nông dân.
TRUYỀN THÔNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ: TRUYỀN THÔNG TRONG DỰ PHÒNG BỆNH DỊCH
VÀ HỖ TRỢ GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ SỨC KHOẺ CÔNG CỘNG
Việt Nam thuộc Khu vực châu Á Thái Bình Dương, đây là khu vực đông dân nhất thế giới và là một trong những khu vực đa dạng nhất về văn hóa, phát triển kinh tế xã hội, khí hậu và địa lý. Với những đặc điểm đó, bên cạnh những lợi thế cho phát triển kinh tế và du lịch, các nước trong khu vực cũng phải đối mặt với nguy cơ về an ninh y tế đang tăng nhanh và mang tính chất đa nguy cơ, bao gồm cả các mối nguy cơ từ tự nhiên và từ kinh tế – xã hội. Đặc biệt nổi bật gần đây là các đợt bùng phát dịch bệnh, các bệnh mới nổi và tình trạng y tế công cộng khẩn cấp.
Nhằm giúp bạn đọc bổ sung những kiến thức toàn diện về giải pháp truyền thông trong dự phòng dịch bệnh và giải quyết các vấn đề gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, năm 2019 Nxb. Khoa học và kỹ thuật đã xuất bản quyển sách “Truyền thông khoa học và công nghệ: Truyền thông trong dự phòng bệnh dịch và hỗ trợ giải quyết các vấn đề sức khoẻ công cộng” do Nguyễn Thị Kim Liên biên soạn. Sách dày 143 trang, bố cục 5 phần:
Phần 1 “Những nguy cơ đối với sức khỏe con người” trình bày các nội dung như: Các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe; Nguy cơ đối với sức khỏe và sự cần thiết nhận thức nguy cơ; Đánh giá nguy cơ và quản lý nguy cơ – Phương cách chủ động dự phòng và sẵn sàng ứng phó với các nguy cơ đối với sức khỏe.
Phần 2 “Truyền thông và dự phòng bệnh tật” giới thiệu vị trí và vai trò quan trọng của truyền thông trong dự phòng bệnh tật.
Phần 3 “Truyền thông nguy cơ – Cách tiếp cận chủ động và toàn diện trong dự phòng và ứng phó với các nguy cơ đối với sức khỏe” trình bày các nội dung: Khái niệm truyền thông nguy cơ; Các nguyên tắc cơ bản của truyền thông nguy cơ; Những thành tố cần thực hiện của truyền thông nguy cơ.
Phần 4 trình bày các nguyên tắc của truyền thông nguy cơ trong triển khai các thành tố của truyền thông trong tình trạng y tế công cộng khẩn cấp như: nguyên tắc lắng nghe, nguyên tắc minh bạch và thông báo sớm, nguyên tắc lập kế hoạch chi tiết. Bên cạnh đó, sách còn hướng dẫn xây dưng bản kế hoạch truyền thông nguy cơ phù hợp với loại dịch bệnh/ tình trạng y tế công cộng khẩn cấp.
Phần 5 hướng dẫn việc hỗ trợ giải quyết các vấn đề về dịch bệnh và tình trạng y tế công cộng khẩn cấp của truyền thông nguy cơ như: trong phòng chống dịch bệnh, trong thực hiện an toàn thực phẩm, trong đề phòng và giảm thiểu tác hại tới khỏe từ thiên tai, trong dự phòng và giảm thiểu tác hại tới sức khỏe từ thảm họa do con người gây ra.
“Truyền thông khoa học và công nghệ: Truyền thông trong dự phòng bệnh dịch và hỗ trợ giải quyết các vấn đề sức khoẻ công cộng” là tài liệu hữu ích dành cho các tổ chức trong việc tuyên truyền thực hiện công tác truyền thông phòng chống bệnh dịch gây tác động tới sức khỏe cộng đồng. Đồng thời cũng nâng cao nhận thức trách nhiệm của người dân về những nguy cơ đe dọa sức khỏe cho chính bản thân mỗi con người và cộng đồng.
Các bạn hãy tìm đọc quyển sách này tại Thư viện TP. Cần Thơ với ký hiệu phân loại: 362.1 / TR527TH
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.058762
▪ PHÒNG MƯỢN: MA.023253; MA.023254
ANH BA HƯNG VỐN THIỆT NÔNG DÂN
"Có anh ba Hưng vốn thiệt nông dân - Đi lính hơn năm trường vừa mới được huân chương...".
Đó là bài hát “Anh Ba Hưng” do nhạc sĩ Trần Kiết Tường soạn năm 1948, một bài hát với giọng điệu hài hước, vui nhộn, dễ thuộc, nổi tiếng rất lâu tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đã góp phần động viên những anh trai làng hăng hái lên đường ra trận đánh giặc Pháp xâm lược.
Vậy “Anh Ba Hưng” là ai? Là nhân vật thực ngoài đời hay là do tác giả bài hát tạo nên?
Nhằm giúp bạn đọc trả lời câu hỏi này, năm 2000 Nxb. TP Hồ Chí Minh đã xuất bản quyển truyện ký “Anh Ba Hưng vốn thiệt nông dân” của Diệp Hồng Phương.
Qua 135 trang, quyển sách ghi lại cuộc đời binh nghiệp của Đại tá Hứa Hoà Hưng (tự là Ba Hưng) - nhân vật thực trong bài hát "Anh Ba Hưng" được nhạc sĩ Trần Kiết Tường sáng tác trong thời kháng chiến chống Pháp.
Đọc truyện ký, người đọc sẽ biết được hoàn cảnh ra đời bài hát “Anh Ba Hưng” và từng giai đoạn cuộc đời của nhân vật Anh Ba Hưng từ lúc còn là một anh trai làng “vốn thiệt nông dân” của xứ kinh Xáng Cái Cùn, thuộc tỉnh Bạc Liêu đã hăng hái ra trận đánh Tây, cho đến khi tập kết ra Bắc và trở lại miền Nam tiếp tục chiến đấu và đến lúc nghỉ hưu tại thành phố Biên Hòa với cấp bậc đại tá.
Bằng lời văn chân thực, đậm chất Nam bộ, quyển truyện ký đã góp phần ôn lại lịch sử hào hùng của thời kỳ Nam bộ kháng chiến chống thực dân Pháp và cả thời kỳ đánh Mỹ cứu nước. Nói về cuộc đời binh nghiệp của mình, Anh Ba Hưng - Đại tá Hứa Hoà Hưng đã xúc động bày tỏ: “Suốt mấy chục năm sống trong quân đội, lặn lội khắp chiến trường sông rạch chằng chịt của xứ Bạc Liêu, ra Bắc rồi vào Nam, chiến đấu và phát triển lực lượng pháo binh miền Nam, gian nan cực khổ với công tác hậu cần, rồi sang đất bạn… không lúc nào tôi quên những ngày đầu tham gia tự vệ cách mạng và bài hát “Anh Ba Hưng” được phổ biến khắp nơi động viên bao trai làng xông lên giết giặc. Tôi nhớ những đồng đội tôi, hồi đó, bây giờ đã và đang tiếp tục phát huy tinh thần “vì nhân dân quên mình - vì nhân dân hy sinh” của anh bộ đội Cụ Hồ”.
Các bạn hãy tìm đọc quyển sách “Anh Ba Hưng vốn thiệt nông dân” tại Thư viện TP. Cần Thơ với số ký hiệu phân loại: 895.922334 / A107B
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.027608;
▪ PHÒNG MƯỢN: MV.011321; MV.011322
III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
Các bạn thân mến!
Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Nét đẹp văn hóa của người Việt khi Tết đến Xuân về” của Lê Khanh, trích từ báo Tài nguyên và môi trường.
Đối với người Việt, tết cổ truyền không chỉ thiêng liêng, mà còn là những ngày trọng đại nhất trong một năm. Dù thành thị hay nông thôn, miền núi hay miền xuôi, đất liền hay đảo xa, trong nước hay mưu sinh trên toàn thế giới, cứ xuân về tết đến là mỗi người lại nhớ về quê hương nguồn cội. Tết cổ truyền đã trở thành một nét đẹp văn hóa, một lẽ sống bản ngã tự nhiên in sâu vào tâm thức người Việt.
Dù khác nhau về thành phần dân tộc, tôn giáo, giàu nghèo, giai tầng xã hội; song phong tục tảo mộ, tất niên, giao thừa, tân niên, mừng tuổi thì cơ bản giống nhau. Những phong tục này, như một bản ngã mang đậm sắc thái thuần Việt, đậm triết lý tôn giáo nhưng không nhuốm màu mê tín dị đoan.
Tảo mộ. Đây là nét đẹp của người Việt, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ về những người đã khuất, hoặc là cha mẹ, hoặc là những người thân trong gia đình đã về với “thế giới vĩnh hằng”. Thực chất của việc tảo mộ là dọn dẹp phần mộ hay còn gọi là “nhà cửa” của người đã khuất cho sạch sẽ tươm tất, và mời họ về ăn tết cùng con cháu trong gia đình.
Tất niên. Đó là bữa cơm cuối cùng khép lại một năm cũ, là lễ cúng xúc động nhất của mỗi gia đình Việt. Sau một năm làm lụng vất vả, mưu sinh, những người con xa quê lại trở về quây quần quanh mâm cơm tất niên, kể cho nhau nghe chuyện đời, chuyện nghề, chuyện mưu sinh khó nhọc. Dù mâm cỗ cuối năm đầy đủ cao sang, hay nghèo khó, thì mỗi người vẫn đong đầy tình yêu thương.
Giao thừa: Là thời khắc thiêng liêng nhất giữa năm cũ và năm mới, là sự giao hòa của đất trời vạt vật, mà con người là chủ thể của sự xoay vần ấy. Mặc dù mỗi miền quê có văn hóa nghi lễ cúng giao thừa khác nhau, song đều có cái chung là sắm mâm cơm thịnh soạn, đặt lên bàn thờ tổ tiên cầu tài, cầu lộc, cầu an lành, sức khỏe.
Chúc Tết, Mừng tuổi: Là một nét đẹp văn hóa lâu đời của người Việt. Chẳng ai nhớ tục mừng tuổi chính thức có từ thời gian nào, song, trải qua thăng trầm của lịch sử, nó đã trở thành nét đẹp nhân sinh hướng thiện trong tâm thức mỗi người. Chúc tết và mừng tuổi không nhất thiết lễ nhiều vật trọng đắt tiền, mà chủ yếu mang tinh thần tượng trưng. Có thể là đồng tiền mới giá trị không cao, cũng có thể là bao chè, đồng bánh chưng, tấm áo mới.
Con cái chúc tết mừng tuổi bố, mẹ ông bà thể hiện sự hiếu nghĩa, quí trọng, đáp đền công ơn sinh thành dưỡng dục, sống khỏe, sống lâu. Ông bà, bố mẹ chúc tết, mừng tuổi con cháu thể hiện sự yêu thương đùm bọc, mong học hành tiến bộ, ngoan ngoãn và trưởng thành. Người thân, hàng xóm chúc tết mừng tuổi nhau thể hiện mối quan hệ tôn trọng, thân cận, giao hòa trong cuộc sống. Chúc tết, mừng tuổi cũng là dịp để mỗi người thể hiện sự quan tâm, chăm sóc, động viên nhau, gạt bỏ những tật hư, việc xấu, điều gở, bước sang một năm mới với tinh thần phấn chấn.
Tết Nguyên đán thực chất là Tết cổ truyền lâu đời của dân tộc ta. Mặc dù đất nước đổi mới, những nghi lễ tập tục cũng được “uyển chuyển” để phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, song phong tục tảo mộ, tất niên, giao thừa, chúc tết, mừng tuổi vẫn là nép đẹp trường tồn mãi mãi. Và nó là giá trị bất biến vĩnh hằng in đậm trong mỗi trái tim người dân Việt Nam, dù ở trong nước hay mưu sinh trên khắp hành tinh. Mỗi khi tết đến xuân về, người Việt lại có dịp lưu truyền, chiêm nghiệm và phát triển làm phong phú hơn.
Các bạn thân mến! Chương trình phát thanh hôm nay đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình phát thanh tuần này trên địa chỉ website thư viện TP. Cần Thơ www.cantholib.org.vn
Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.