I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG
Kính thưa quý vị và các bạn!
Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Muốn sống thọ, khoẻ mạnh hãy tập thói quen này ngay” trích từ báo Sức khỏe và đời sống.
Nếu bạn muốn sống thọ hơn, hãy chú ý đến các thói quen của mình ngay từ bây giờ. Sau đây là một số mẹo dễ dàng mà bạn có thể áp dụng:
Tập thể dục đều đặn hàng ngày. Nhà nghiên cứu về thuốc và lão hóa Jay Olshansky từ Đại học Chicago bang Illinois, cho rằng thực sự tồn tại một suối nguồn tươi trẻ, đó chính là thể dục. Hãy đi lại. Đứng dậy khỏi ghế và đi thăm hàng xóm. Hãy bước nhanh lúc đi dạo. Thể dục tốt cho xương cốt, làm cơ bắp nở nang, gia tăng sự cân bằng và làm cho trí tuệ sắc bén hơn, giúp bạn ở trong một tâm trạng tốt - và những ích lợi này có thể thấy ngay khi bạn bắt đầu tập luyện.
Ngủ ngon giấc. Không bao giờ đánh đổi một tiếng ngủ để làm việc. Thời gian đó sẽ tích dồn và quay trở lại ám ảnh bạn vào một lúc nào đó. Ngủ là cách để cơ thể tự chữa lành, khi bạn tự tước đoạt giấc ngủ của mình, bạn cũng tước bỏ đi quyền tự chữa lành của cơ thể. Cho nên đừng có tiết kiệm giấc ngủ. Hãy cho cơ thể sự nghỉ ngơi mà nó cần.
Thêm chất xơ vào trong các bữa ăn hàng ngày. Nếu bạn muốn một ngày tốt lành, bạn có thể bắt đầu ngày của mình đúng cách. Ăn ngũ cốc nguyên cám như yến mạch vào buổi sáng. Chế độ ăn này sẽ giúp bạn có mức đường huyết ổn định trong suốt cả ngày.
Thường xuyên giao lưu với bạn bè. Đừng bao giờ để mất liên lạc với bạn bè và những người yêu thương khi bạn vẫn còn đang làm việc. Hãy giữ quan hệ vì nó sẽ giúp bạn tránh bị trầm cảm, một căn bệnh phổ biến ở những người về hưu. Hãy tiếp tục gia tăng các mối quan hệ xã hội vì đây là lúc bạn cần gia đình và bạn bè nhất trong cuộc đời. Họ sẽ mang lại tiếng cười cho cuộc đời bạn.
Vệ sinh răng miệng thật sạch. Đại học New York đã thực hiện một nghiên cứu về mối liên hệ giữa việc làm sạch kẽ răng hàng ngày với việc có một hệ thống huyết mạch khỏe mạnh. Làm sạch kẽ răng giúp giảm lượng vi khuẩn trong khoang miệng. Vi khuẩn không thể chỉ gây ra bệnh về nướu mà còn có thể xâm nhập vào máu và làm cho máu bị viêm nhiễm. Viêm nhiễm trong hệ thống huyết mạch dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch vì nó làm dày thành mạch máu và ngăn cản dòng huyết mạch lưu thông bình thường. Tốt nhất hãy chải răng hai lần một ngày.
Giữ cho mình luôn năng động – kể cả sau tuổi 60. Hầu hết mọi người, khi đến tuổi nghỉ hưu thì đều cảm thấy rằng họ cần nghỉ ngơi. Thế nên, họ hay ở nhà. Đây là nguy cơ phát triển một loạt các chứng bệnh như tim mạch, viêm khớp và béo phì. Đã có những bằng chứng cho thấy những người nghỉ hưu mà đột ngột ngừng lại mọi loại hoạt động có tỉ lệ mắc bệnh béo phì và tim mạch cao hơn so với những người khác. Cho nên cách tốt nhất để đảm bảo bạn có thể sống thọ hơn là hãy giữ sự năng động ngay cả khi bạn đã qua tuổi 60.
II. GIỚI THIỆU SÁCH
Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
- Hiện tại kiên trì, tương lai kiên cố.
- Đi tìm tình yêu.
HIỆN TẠI KIÊN TRÌ, TƯƠNG LAI KIÊN CỐ
Bằng sự chia sẻ chân thành từ những trải nghiệm trong quá trình nỗ lực học tập, làm việc và đạt được một số thành công của chính tác giả, quyển sách “Hiện tại kiên trì, tương lai kiên cố” sẽ là lời khuyên thiết thực giúp các bạn trẻ có thêm động lực phấn đấu để xây dựng cuộc đời mình thật tốt trong tương lai.
Sách dày 267 trang chuyển đến bạn đọc những bài viết sâu sắc xoay quanh các nội dung gắn liền với người trẻ trong cuộc sống như: Hãy yêu đời hơn một chút; Học cách cảm ơn những điều đã qua, điều đang đến, và cả những điều sắp tới nữa; Học cách làm bạn với cuộc đời này; Chuyện tình yêu của chúng ta; Gửi những năm tháng mệt mỏi nhất và cũng rực rỡ nhất đời ta,…
Đây là những chia sẻ chân thành được rút ra từ những cảm nhận sâu sắc của tác giả về những gì mình đã trải qua. Trong bài viết “Đừng đợi mặt trời lên mới tìm hạnh phúc”, tác giả nhẹ nhàng nhắn nhủ: “Đôi tay nắm lại có thể để tuột mất vài thứ, nhưng nếu ta không lo mà nắm lấy ngay lúc ngày, thì sẽ không có gì ở lại trong đời cả, không có gì đâu, ngoài sự tiếc nuối và từ trách mình, thật đấy…”. Cũng là một người trẻ, tác giả đã từng tự nhận thức về bản thân mình rằng: “Tôi từng là kẻ trì hoãn và lời biếng, mọi người phát bực bội với tôi, tôi cũng tự chửi mình thậm tệ. Cũng chính vì thế mà tôi rất thấm cái giá của việc để mặc cho đời tới đâu thì tới”.
Đặc biệt, khi nhận ra rằng: “Cuộc sống là phải tự tay mình nắm giữ. Nếu vì sợ sẽ tàn mà hoa không dám nở, thì trên đời này chẳng còn thứ gì đẹp đẽ như thế nữa?”, tác giả đã xác định: “Còn trẻ, cái cần nhìn thấu nhất không phải là lòng người, mà là lòng mình. Đừng mải chạy theo những cuộc đời khác, cứ làm một phiên bản tốt nhất của mình, thế là đã tốt lắm rồi... Mệt thì cũng cứ cố gắng, ai mà chẳng mệt? Không phải là ta thì là ai? Không phải lúc này thì là lúc nào? Cứ cố gắng bước đi thôi, để khi nhìn lại, đường cỏ dại vừa qua, hoa đã nở đầy...”. Và kể cả trong chuyện tình cảm cũng vậy, tác giả chân thành khuyên các bạn trẻ: “Yêu ai nhất định phải nói, không chỉ để mong chờ đáp lại, mà còn để lòng mình đỡ nghĩ ngợi đắn đo nữa. Nếu có ước mơ, cố gắng thực hiện nó, có thể được hoặc không, nhưng nhất định phải một lần dám theo đuổi. Mất công sống một đời rồi, đừng sống lặng lẽ quá! Mạnh dạn mà nói yêu và hãy luôn nỗ lực kiên trì nâng cấp bản thân mình!”.
Các bạn hãy tìm đọc quyển sách “Hiện tại kiên trì, tương lai kiên cố” để tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực và tự tin băng qua được biển lớn thanh xuân đầy trắc trở và cũng thật tươi đẹp.
Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với ký hiệu phân loại 158.1 / H305T; Phòng Đọc: DV 58949; Phòng Mượn: MH 11748-11749
ĐI TÌM TÌNH YÊU
Tình yêu thật tuyệt vời. Nhưng không phải ai cũng hiểu được điều đấy. Có những người tốn hàng giờ đồng hồ mỗi ngày để dằn vặt người mình yêu. Là vì họ chưa biết cách yêu hay có quá nhiều tổn thương để có hạnh phúc đích thực? Vậy làm sao để có được một tình yêu trọn vẹn và làm chủ hạnh phúc của mình?
Quyển sách “Đi tìm tình yêu” được viết bởi Byron Katie – một nhà văn bị chấn thương tâm lý trầm trọng kéo dài suốt 10 năm, bằng những liệu pháp tâm lý bà đã tự chữa lành căn bệnh của mình và viết sách chia sẻ với mọi người phương pháp diệu kỳ đó. Sách do Lê Phan Như Quỳnh dịch, Nxb Thế giới xuất bản năm 2020.
Qua 287 trang sách, tác giả chia sẻ những vấn đề thực tế liên quan đến tình yêu và các giá trị sống thông qua 12 chương:
Chương 1 “Bạn có tin vào những gì mình nghĩ?” giúp bạn đặt câu hỏi cho tất cả những suy nghĩ của mình, từ đó bạn sẽ trở nên yêu đời và yêu người hơn.
Chương 2 “Tự vấn suy nghĩ về tình yêu” hướng dẫn cách bắt đầu thực hành phương pháp tự vấn, một quy trình đặt câu hỏi cho phép bạn khám phá xem những suy nghĩ của bạn có thật với bạn hay không và ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của bạn giúp bạn trải nghiệm về con người của bạn khi không có những suy nghĩ đó.
Chương 3 “Mưu cầu sự chấp thuận” chỉ ra cho bạn thấy rằng điều quan trọng trong tình yêu đôi lứa là sự rung động chân thực từ con tim của mỗi người. Từ đó hãy ra sức vun đắp để tình yêu ngày càng bền chặt. Hãy làm điều mình nên làm và tránh quá để tâm tìm kiếm sự chấp thuận của những người xung quanh. Khi ấy sẽ cho bạn cảm giác thanh thản và bảo vệ được tình yêu của mình.
Chương 4, chương 5, chương 6 và chương 7 với các tiêu đề “Phải lòng”, “Những người không yêu mà muốn điều khác”, “Bàn về các mối quan hệ” và “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu người yêu tôi mắc lỗi?” sẽ đưa ra nhiều ví dụ về việc làm thế nào để giải quyết những rắc rối trong một mối quan hệ. Từ đó, giúp bạn hiểu ra tình yêu của bạn thật sự là gì, thấy rõ sự khác biệt giữa muốn và yêu, những gì bạn cho là sự thật có thể chỉ là một suy nghĩ không ai chất vấn.
Chương 8 “Năm chìa khóa dẫn đến sự tự do trong tình yêu” gồm: Xác định người thích hợp; Hãy bình tâm lại khi trải qua biến cố; Tránh ảo tưởng về những mối quan hệ không phù hợp; Sống thật; Xác định điều mình muốn và thực hiện.
Chương 9, chương 10, chương 11 và chương 12 với các tiêu đề “Sự thay đổi của một cuộc hôn nhân”, “Cái gì không phải để yêu? Liệu đó có phải là bạn không?”, “Sống trong tình yêu” và “Bản chất của tình yêu” chia sẻ những những câu chuyện tình yêu có thật của nhiều người đã có một tình yêu vững chắc. Đây là những câu chuyện, những câu hỏi và những tình huống giúp chúng ta suy ngẫm để biết yêu mình và yêu người đúng cách. Trong đó còn đề cập đến kinh nghiệm cứu vãn một cuộc hôn nhân nhờ quá trình tự vấn của hai người trong cuộc.
Đọc “Đi tìm tình yêu”, các bạn có được câu trả lời cho những câu hỏi mình từng đối mặt với những giai đoạn khó khăn trong cuộc đời. Sẽ rất thú vị nếu bạn áp dụng những phương pháp tự chữa lành trong cuốn sách để hiểu rõ bản thân và hạnh phúc tự nhiên sẽ đến với bạn. Tất cả những gì bạn phải làm là thành thật trả lời, nhìn sâu vào bên trong chính mình. Nếu câu trả lời xuất phát từ trái tim, bạn sẽ khám phá ra những gì mình luôn mong muốn và phải làm sao để đạt được chúng.
Các bạn hãy tìm đọc quyển sách “Đi tìm tình yêu” để gỡ rối những ngổn ngang, những bế tắc trong lòng mình và trong những mối quan hệ. Hơn thế, bạn sẽ tìm ra một định nghĩa mới mẻ về tình yêu của riêng bản thân mình, cũng như sống hoà hợp với mọi người xung quanh.
Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với ký hiệu phân loại: 158.2 / Đ300T; Phòng đọc: DV.058881; Phòng mượn: MH.011689; MH.011690
III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
Các bạn thân mến!
Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Tết, Tết trồng cây, nhớ Bác” của nhà thơ Đỗ Trung Lai trích từ báo Công an nhân dân điện tử. http://cand.com.vn/Xa-hoi/Tet02-Tet-Tet-trong-cay-nho-Bac-628937/
Sáng 11/1/1960, Bác cùng đồng bào Thủ đô đi trồng cây ở Công viên Thống Nhất, lúc đó là Công viên Hồ Bảy Mẫu. Và, suốt ngần ấy năm chiến tranh cho đến tận ngày nay, Tết nào của chúng ta cũng là “Tết trồng cây”...
I. Ngày 19/5/1959, đúng ngày sinh lần thứ 60 của Người, Bác Hồ trực tiếp giao nhiệm vụ mở thông lại và phát triển thêm tuyến giao liên xuyên Trường Sơn, nối liền (đường bộ) Hậu phương lớn với Tiền tuyến lớn để tiện chỉ đạo và chi viện cho cách mạng miền Nam.
“Đoàn 559” ra đời từ đó và “Đường dây 559” cũng từ đó lớn lên. “Đoàn 559” lớn dần thành “Bộ Tư lệnh Trường Sơn”. “Đường dây 559” thành “Tuyến đường chiến lược Trường Sơn”, thành “Mặt trận Trường Sơn” - xương sống của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh. Sau này, phương Tây gọi tuyến đường huyền thoại ấy là “Đường mòn Hồ Chí Minh” (lúc đầu nó đúng là “đường mòn” thật), là “Trận đồ bát quái xuyên rừng rậm” - con đường nổi tiếng nhất trong những con đường chiến tranh trên thế giới!
Ngày 30/5/1959, tức là sau sinh nhật lần thứ 60 của Người gần nửa tháng, Bác Hồ viết trên Báo Nhân Dân: “Ngay từ bây giờ, đồng bào nông dân phải bắt tay vào việc chuẩn bị vật liệu làm nhà: Mỗi người (trong mỗi gia đình, tính cả già, trẻ, gái, trai) phải trồng ít nhất 5 cây (cây xoan và các thứ cây khác có thể làm kèo, làm cột) và mỗi gia đình phải trồng một bụi tre”.
Một con người, cùng một lúc, vừa phải lo cái nỗi lo vĩ đại là thống nhất non sông, lại vừa phải lo đến từng cái cột cái kèo cho mỗi một gia đình người Việt, hiển nhiên là “Người hiền”, là “Thánh nhân”, “là Cha, là Bác, là Anh” (thơ Tố Hữu) của dân ta. Bể dâu ra sao mặc lòng, sao có thể quên công ấy, ơn ấy, tấm lòng ấy? “Tết trồng cây”, lại nhớ và thương Người biết bao!
II. Cũng vào cái năm 1959 ấy, ngày 28/11, Bác Hồ viết trên Báo Nhân Dân, mở đầu “Tết trồng cây” đầu tiên: “Từ năm 1960 đến năm 1965 (là năm cuối của Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất), chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa có cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong mươi năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống nhân dân ta”.
Người dạy thêm lớp trẻ: “Nếu mỗi cháu thanh niên một năm trồng 3 cây, chăm sóc cho thật tốt, thì 8 triệu thanh niên miền Bắc sẽ trồng được 24 triệu cây. 5 năm liền, các cháu sẽ trồng được 120 triệu cây. Hãy tính giá rẻ mỗi cây 3 đồng thôi, sau 5 năm, sức lao độngcủa các cháu bỏ ra sẽ thu hoạch được một số tiền rất lớn là 360 triệu đồng, có thể xây dựng được 8 nhà máy cơ khí loại khá”.
Cây thành ra cột kèo từng nhà, lại còn thành ra những nhà máy cơ khí cho cả nước, Bác nhớ và Bác lo từ việc nhỏ đến việc lớn! Bể dâu thế nào mặc lòng, sao có thể quên công ấy, ơn ấy, tấm lòng ấy? “Tết trồng cây”, nhớ và thương Người biết bao!
Nói là làm, sáng 11/1/1960, Bác cùng đồng bào Thủ đô đi trồng cây ở Công viên Thống Nhất, lúc đó là Công viên Hồ Bảy Mẫu. Và, suốt ngần ấy năm chiến tranh cho đến tận ngày nay, Tết nào của chúng ta cũng là “Tết trồng cây”. Bác cũng dặn, “Tết trồng cây” phải liên hệ chặt chẽ với kế hoạch trồng cây gây rừng. Người bảo, trồng cây là công việc “tốn kém ít mà ích lợi nhiều”, đó “cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người - từ các cụ phụ lão đến các cháu nhi đồng - đều có thể hăng hái tham gia”.
Thậm chí, trong “Di chúc” của Người, Người còn viết: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây hoa làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều sẽ thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho công nghiệp”. Bể dâu thế nào mặc lòng, sao có thể quên công ấy, ơn ấy, tấm lòng ấy? “Tết trồng cây”, nhớ và thương Người biết bao!
Bây giờ, ta đã “cố gắng” phấn đấu để độ che phủ của rừng, năm 2020, phải đạt 42%; kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản, cũng năm 2020, đạt 12 tỷ USD và đến năm 2025 đạt 20 tỷ USD, đưa Việt Nam thành trung tâm hàng đầu về sản xuất, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ rừng trồng có thương hiệu uy tín trên thế giới. Thế là, từ ý tưởng ban đầu của một vĩ nhân, “Tết trồng cây” lớn dần và sinh ra cả một ngành công nghiệp làm giàu cho dân nước. Nếu không có thiên tai, địch họa, lâm tặc và thói bàng quan của những lãnh đạo địa phương không đủ tốt, cứ theo Bác mà làm, có lẽ ta đã không phải “cố gắng” đến thế? Nhẹ nhàng và đều đặn, thong thả nhưng bền bỉ, mỗi người và đông đảo, gieo trồng và chăm sóc, phòng chống thiên tai và nghiêm trị lâm tặc (đặc biệt là nghiêm trị mọi cấp lãnh đạo dù thông lưng hay vô tình với lâm tặc...), “trở về” và tiếp tục ý tưởng của Bác, “làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, chúng ta mới thực sự thể hiện được lòng biết ơn Người, nhớ Người, thương Người.
III. Rồi từ việc “trồng cây”, Bác nói đến việc “trồng người”. Và, dẫu rằng, “Vì lợi ích mười năm” hay “Vì lợi ích trăm năm”, thì Người đều dặn chúng ta phải dụng công. Dụng công trong cả việc “gieo trồng”, “chăm bón” và “cắt tỉa”.
Giáo hóa dân chúng, giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, suy cho cùng đều là “trồng người” cả. Nước là khởi nguồn của sự sống, người là khởi nguồn của mọi sự nghiệp. Không lo “trồng người” mà được ư?
Cây xanh trên đầu và tận tụy trong tâm, “Nếu không sai lầm, chúng ta sẽ biến trái đất thành thiên đường” - một ai đó đã chí lý như vậy!
Các bạn thân mến! Chương trình phát thanh hôm nay đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình phát thanh tuần này trên địa chỉ website thư viện TP. Cần Thơ www.cantholib.org.vn
Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.