CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH “VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG” KỲ 06 (01/2023)                                        

Thứ hai - 02/01/2023 22:09 1.048 0
Phát thanh Văn hóa đọc và cuộc sống
Phát thanh Văn hóa đọc và cuộc sống
                                                                                                                                 
Chào mừng quý vị và các bạn đến với Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” kỳ thứ 06 (01/2023) của Thư viện thành phố Cần Thơ!
I. VĂN HÓA ĐỌC 4.0 
Các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Văn hóa đọc 4.0” kỳ này, xin mời các bạn cùng nghe bài “Tặng sách, nét đẹp văn hóa đầu năm mới” được chúng tôi tóm lược từ bài viết của tác giả Lê Thắm, đăng trên báo điện tử Lao động thủ đô.

Trong khoảng thời gian dài, thói quen tặng sách, tặng tranh, tặng chữ ngày Tết đã bị sao nhãng, nhường chỗ cho những món quà “thực tế” hơn. May mắn hơn, giờ đây, khi đời sống kinh tế - xã hội phát triển, tri thức được chú trọng, nhiều người đã có xu hướng quay lại mừng tuổi bằng sách với mong muốn gửi gắm những giá trị và ý nghĩa tốt đẹp trong năm mới.

Thay vì lì xì tiền, những năm gần đây vào dịp Tết nhiều bậc phụ huynh đã lựa chọn tặng sách cho con, cháu và người thân với mong muốn lan tỏa tinh thần hiếu học cũng như góp phần đưa văn hóa đọc đến gần hơn với trẻ nhỏ.

Những cuốn sách tặng được lựa chọn cẩn thận, phù hợp với lứa tuổi. Với trẻ nhỏ tặng truyện tranh thiếu nhi, truyện cổ tích, điển tích, hạt giống tâm hồn… sẽ giúp các em phát triển tư duy đọc và tìm hiểu những vấn đề mới, hay từ trang sách. Những cuốn sách được bao gói xinh xắn kèm một tấm thiệp viết tay, một phong lì xì nhỏ là món quà Tết đầy ý nghĩa dành cho các em. Còn gì thư thái hơn khi được lật giở những trang sách, cùng nhau bình luận nội dung hay, những câu chuyện ấm áp tình yêu thương, trong những ngày Tết quây quần bên gia đình, bạn bè. 

Văn hóa tặng sách và đọc sách đầu năm mới cũng là nét đẹp khuyến học, tiếp nối truyền thống trọng chữ nghĩa của ông cha ta, động viên lối sống tích cực, lạc quan, yêu đời, nhất là với giới trẻ hôm nay. Chính vì vậy, văn hóa tặng sách, mừng tuổi bằng sách cần được được lan tỏa, khuyến khích thói quen đọc sách và tự học, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

II. NHỊP CẦU TRI THỨC 
* Các bạn thân mến! chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, mời các bạn cùng nghe bài viết “Tuổi trẻ - mùa xuân của đất nước”, tác giả Hoàng Bích Hà đăng trên báo Đăk Nông điện tử.
Mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm, tuổi trẻ là đẹp nhất của cuộc đời và luôn với nhiều ước mơ, và hoài bão lớn nhất.

Trước đây trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc chống giặc ngoại xâm đã có hàng triệu thanh niên xung phong lên đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, sẵn sàng cống hiến tuổi xuân, hy sinh xương máu của mình để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đó là lý tưởng sống đẹp của thế hệ trẻ thời đó. Họ chiến đấu hy sinh vì quê hương, đất nước thân yêu.

Tuổi trẻ ngày nay với sứ mệnh xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc đó là nhiệm vụ vô cùng cao cả và thiêng liêng. Để thực hiện được mục tiêu đó thì tuổi trẻ ngày nay cần phải trang bị cho mình một bản lĩnh chính trị vững vàng, một kiến thức khoa học chuyên sâu, một tinh thần “Nơi nào khó có thanh niên”, phải thường xuyên học tập và rèn luyện theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ vĩ đại.

Lý tưởng sống! Chỉ là một cụm từ nghe rất đơn giản nhưng để thực hiện được nó thì không hề đơn giản chút nào. Bởi nó hàm chứa biết bao nhiêu điều mà tuổi trẻ cần suy ngẫm. Sống vì mục đích gì? và sống như thế nào? Đó là điều mà tuổi trẻ ngày nay cần phải xác định rõ mục đích, động cơ để phấn đấu vươn lên. Vấn đề này tùy thuộc vào sự suy nghĩ và hành động của mỗi người. Để thế hệ trẻ ngày nay trở thành “Nguyên khí quốc gia” là “Rường cột” của nước nhà, thì mỗi đoàn viên thanh niên phải xác định được cho mình một lý tưởng, mà lý tưởng đó là phục vụ Đảng, phục vụ Nhân dân. Có như vậy tuổi trẻ Việt Nam mới có thể xứng đáng với sự kỳ vọng của Bác Hồ kính yêu “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.

Tuổi trẻ luôn khát vọng vươn tới đỉnh cao của trí tuệ và đổi mới khoa học công nghệ đó là chân lý và lẽ sống. Chân lý đó không chỉ là kim chỉ nam chỉ lối mà còn là mục đích và lý tưởng sống của tuổi trẻ trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong công cuộc đổi mới của đất nước, nhất là thời buổi cơ chế thị trường, tuổi trẻ cần phải có một bản lĩnh chính trị vững vàng không để đồng tiền làm quỵ ngã; phải thể hiện đầy đủ những tố chất như thông minh, cần cù, chịu khó, ham học hỏi, tiếp thụ cái mới nhanh, thể hiện một lối sống cao đẹp, sống vì cộng đồng và quyết không cam chịu đói nghèo, vươn lên làm giàu cho chính mình và quê hương đất nước. 

Mỗi một thanh niên có thể tự xây dựng cho mình một lý tưởng cao đẹp “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Là thế hệ trẻ sống trong thế kỉ 21 với những bước tiến của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tuổi trẻ hãy ra sức học tập, sống có mục đích và lý tưởng để phục vụ Đảng, phục vụ Nhân dân.

* Quý vị và các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 03 quyển sách sau:
1. Quyển sách “Phát triển du lịch sinh thái” do Nguyễn Hà Anh, Việt Phương biên soạn với 115 trang, Nxb. Văn hoá dân tộc xuất bản năm 2022. Sách cung cấp một số kiến thức chung về du lịch sinh thái, du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng; tiềm năng và những nguyên tắc phát triển du lịch sinh thái ở Việt Nam; vai trò của cộng đồng trong tham gia phát triển du lịch sinh thái; kinh nghiệm và một số mô hình du lịch sinh thái thành công tại Việt Nam và trong khu vực ASEAN. Qua đây, giúp người đọc nhận thức được ý nghĩa quan trọng của du lịch sinh thái đối với sự phát triển du lịch và cộng đồng, loại hình được xác định ưu tiên phát triển trong Chiến lược Phát triển Du lịch của Việt Nam. Sách là tài liệu thiết thực dành cho các tổ chức, cá nhân quan tâm đến việc phát triển du lịch hướng tới nền kinh tế xanh, góp phần tích cực vào phát triển bền vững và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Sách được Thư viện thành phố Cần Thơ phục vụ bạn đọc với số ký hiệu phân loại: 338.4 / PH110TR. Phòng mượn: MA.027048; MA.027049. Phòng đọc tổng hợp: DV.061947.

2. Quyển sách “Giao tiếp cơ bản” được viết bởi Tatsunari Iota; Lê Quỳnh Anh dịch, nhà xuất bản Thế giới xuất bản 2022 với 255 trang, trình bày các nội dung gồm: 7 quy tắc cơ bản trong giao tiếp; Kĩ năng giúp bạn thoát khỏi sự bế tắc trong giao tiếp với người mới gặp lần đầu; Giao tiếp với người quen, bạn bè; Giao tiếp nơi công sở, kinh doanh. Với nhiều hướng dẫn chi tiết cho từng tình huống khác nhau, đây là được xem là cẩm nang giao tiếp với những kiến thức nền tảng giúp bạn kiểm soát được bầu không khí khi trò chuyện, nắm bắt tâm lý đối phương, từ đó biến những phút giây lúng túng trở nên thú vị và nhiều niềm vui. Sách được Thư viện thành phố Cần Thơ phục vụ bạn đọc với số ký hệu phân loại: 302.2 / GI-108T. Phòng mượn: MA.027117; MA.027118; Phòng đọc tổng hợp: DV.062013.

3. Quyển sách “Những ngày Tết Tây” do Tô Hồng Vân biên soạn và Hoài Phương, Tô Huỳnh Vân, Monster Cat minh  họa, Nxb. Kim Đồng xuất bản năm 2015. Sách gồm 83 trang với nhiều hình ảnh minh họa sống động các nội dung giới thiệu về các ngày lễ phổ biến, các ngày kỷ niệm quan trọng của Việt Nam và lễ hội khắp thế giới. 

Trong đó, Ngày Tết Dương lịch (còn gọi là Tết Tây, Tế Quốc tế) ở Việt Nam tuy không có nghi lễ truyền thống phải thực hiện như Tết Nguyên Đán, nhưng đã được quy định nghỉ lễ vào ngày 1/1 để đón chào năm mới. Truyền thống của dịp Tết Dương lịch là mọi người đặt ra những “quyết tâm cho năm mới”. Đó có thể là: ăn uống đúng cách, bỏ thuốc lá, trả bớt nợ, tiết kiệm tiền, học một thứ gì đó mới, sống độc lập hơn, không thức khuya, tình nguyện giúp đỡ những người xung quanh,... hay đối với các bạn học sinh là sẽ quyết tâm học tốt hơn môn học mình chưa hài lòng, để năm mới đạt kết quả tốt hơn. Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với số ký hiệu phân loại: 394.2691 / NH556NG. Phòng Thiếu nhi: ND.003051; ND.003052.

Quý vị và các bạn thân mến! Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” của Thư viện thành phố Cần Thơ đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình trên Cổng Thông tin điện tử Thư viện TP. Cần Thơ, tại http://www.cantholib.org.vn

Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại!  
       

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Trung tâm kết nối Tri thức số
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây