CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH “VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG” KỲ 10 (tháng 5/2023)

Thứ tư - 31/05/2023 02:48 355 0
                                                                                                                                
Chào mừng quý vị và các bạn đến với Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” kỳ thứ 10 (tháng 5/2023) của Thư viện thành phố Cần Thơ!

I. VĂN HÓA ĐỌC 4.0 
Các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Văn hóa đọc 4.0” kỳ này, xin mời các bạn cùng nghe “10 cách giúp trẻ thích đọc sách” của Ái Thủy đăng trên trang báo Sức khỏe và đời sống điện tử.

Đọc sách là thói quen có lợi cho sự phát triển trí tuệ, hình thành nhân cách của trẻ. Sách là người bạn tốt nhưng bên cạnh đó cũng còn nhiều người bạn khác như game, tivi… Tuy nhiên làm thế nào để rèn cho trẻ thói quen đọc sách này ngay từ khi còn nhỏ?

1. Hãy đọc cho trẻ nghe nhiều câu chuyện. Nhiều trẻ khi được nghe những mẫu chuyện, những bài văn hay…đôi lúc trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của trẻ. Mỗi câu chuyện mà trẻ lĩnh hội được sẽ giúp trẻ hiểu thêm về những khái niệm mới và mở rộng những lĩnh vực mà trẻ yêu thích và quan tâm.

2. Dạy cho trẻ những câu thơ, những bài hát. Khi trẻ lớn dần lên, trẻ bắt đầu làm quen với các vần thơ, những đoạn nhạc, những bài hát. Nhiều bài thơ hay, nhiều đoạn nhạc vẫn còn vang vọng trong trí óc khi trẻ đã trưởng thành! Những bài thơ, bài hát là cách tốt nhất giúp trẻ phát triển trí nhớ và có tình yêu đối với văn học! Trẻ có thể ca hát khi đi dạo bộ ngoài công viên với bố mẹ với bạn bè hoặc vừa làm giúp việc vặt trong gia đình vừa ca hát, thêm vào đó trẻ có vài điệu bộ như đang nhảy múa, khiêu vũ.

3. Tạo niềm hứng thú, ham thích đọc sách nơi trẻ. Việc để trẻ có niềm ham thích không phải dễ dàng chút nào mà cần thời gian và kiên nhẫn của bố mẹ. Phải biết cách khơi dậy niềm ham thích nơi trẻ. Bố mẹ vừa đọc cuốn sách tạp chí hay, bạn hãy kể cho trẻ nghe, khi trẻ nhìn thấy vẻ đam mê, nhiệt tình của bố mẹ thì trẻ cũng sẽ bị cuốn hút theo.

4. Tăng thêm vốn từ cho trẻ. Tùy theo khả năng của trẻ, trẻ có thể cầm sách đọc câu chuyện hay trẻ và bạn thay phiên nhau đọc. Sau đó bạn yêu cầu trẻ chọn ra những đoạn thấy thích nhất hoặc những từ lạ, từ mới đối với trẻ. Khi trẻ nghe những lời giả thích, cũng có thể hỏi bố mẹ và khi những thắc mắc không còn nữa thì những từ, những khái niệm mới sẽ lưu lại ở trẻ lâu hơn.

5. Hãy tận dụng những trò chơi để phát huy kỹ năng đọc, viết của trẻ. Khi trẻ đi công viên, đi tham quan hay đi du lịch… sau những dịp đó khuyến khích động viên trẻ nên có những đoạn văn ngắn về những cảm nghĩ, những bài học… rút ra từ những cuộc dã ngoại đó.

6. Thỉnh thoảng tập trẻ lập lại một số từ khi trẻ đọc một câu chuyện. Ví dụ lập lại những từ như cái nhà, mẹ, bố, con mèo…giúp trẻ nhận biết những từ đó khi đọc sách khác và rồi trẻ hãnh diện khoe với bạn rằng: con đã đọc sách được rồi!

7. Khuyến khích, động viên trẻ viết mỗi ngày. Sau mỗi cuộc tham quan, du lịch trẻ nên ghi lại những cảm xúc, những điều học hỏi được. Ngoài ra nên động viên trẻ viết nhật ký mỗi ngày. Khuyến khích trẻ viết thư cho người thân trong gia đình hay bạn bè cùng lứa tuổi, trẻ rất thích nhận thư và sẽ vui biết chừng nào khi thấy tên hiện lên trên phong bì hay trên trang thư điện tử!!

8. Tạo tủ sách nhỏ và một không gian “lý tưởng”. Không gian dành để đọc sách đóng vai trò hết sức quan trọng, không gian ấy phải gần kề với tủ sách, có ghế tựa thoải mái, với màu sắc thật vui nhộn và bắt mắt. Chính không gian đầy cuốn hút và tiện nghi đã khơi dậy, giúp trẻ nuôi dưỡng lòng đam mê đối với sách.

9. Phải nêu gương cho trẻ. Nếu hàng ngày bố mẹ dành thời gian rãnh rỗi để đọc sách thì trẻ cũng bắt chước bố mẹ và như thế tạo cơ hội để trẻ đam mê đọc sách.Khuyến khích trẻ bằng cách đưa ra mục tiêu, nếu trẻ đạt được nên có những lời khen hay những phần thưởng nho nhỏ dành cho trẻ!

10. Hãy tạo thói quen đọc sách mỗi ngày ở trẻ. Nên tạo thói quen cho trẻ, dần dần trẻ sẽ thích thú. Với những trẻ nhỏ nên mua những loại sách đặc biệt (thường có nhiều tranh ảnh). Đối với trẻ, bố mẹ chính là những người thầy vĩ đại nhất, do đó những thói quen hàng ngày của bố mẹ thường được các trẻ “bắt chước” theo. Việc này không chỉ giúp trẻ có được trí thông minh, sự tưởng tượng và có vốn từ phong phú mà còn nâng cao kỹ năng giao tiếp xã hội của trẻ sau này.

II. NHỊP CẦU TRI THỨC 
* Các bạn thân mến! chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, mời các bạn cùng nghe bài “Ý nghĩa thiêng liêng của ngày Gia đình Việt Nam 28/6”  trích từ báo Lao động điện tử.

Ngày 28/6 hàng năm được chọn là ngày Gia đình Việt Nam. Đây là ngày nhằm tôn vinh những giá trị gia đình – giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa của cha ông ta.

Gia đình là một tế bào của xã hội. Mỗi gia đình sẽ tạo môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người và bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc muốn tồn tại và phát triển đều phải biết chăm sóc và bảo vệ gia đình.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nêu rõ tầm quan trọng của mỗi tế bào của xã hội. Theo lời Bác, ngày 28/6/2000, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 55- CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng của cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về ngày Gia đình Việt Nam. Theo đó, lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam. Qua đó, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ đây, ngày Gia đình Việt Nam là một sự kiện văn hóa lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam. Đây cũng là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Những giá trị truyền thống như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, hiếu nghĩa, hiếu học… đã được mỗi thành viên trong gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp và phát huy. Qua nhiều giai đoạn phát triển, cấu trúc trong quan hệ gia đình Việt Nam có những đổi thay thế nhưng về chức năng và nhiệm vụ cơ bản của gia đình vẫn còn tồn tại đó chính là một nhân tố quan trọng không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 là dịp để mỗi người con hướng về gia đình, dành những cử chỉ, lời chúc và tình cảm ấm áp với bậc sinh thành và nuôi nấng.

* Quý vị và các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 03 quyển sách sau: 
1. Quyển sách “Lời non nước - Danh ngôn Chủ tịch Hồ Chí Minh” do Đào Thản sưu tầm, chú dẫn. Nxb. Trẻ xuất bản năm 2020 chuyển tải đến bạn đọc những lời hay ý đẹp, luận định, luận điểm, quan niệm mang tính chất triết lí về đời sống, về thực tế hoạt động cách mạng của Hồ Chủ tịch. Sách dày 154 trang tập hợp gần 100 lời nói, lời dạy được sưu tầm, chọn lọc trên cơ sở những lời kêu gọi, những bài nói, bài viết,... của Người trong sách Hồ chí Minh toàn tập của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. Đặc biệt, hai bản Tuyên ngôn độc lập và Di chúc được đưa toàn văn vào đây với ý nghĩa trọn vẹn là những “Lời non nước” tiêu biểu nhất của Người. 
Những câu nói và lời căn dặn của Người là động lực để Đảng và Nhân dân vững bước tiến lên trên con đường đã chọn. Như khi nói về thi đua yêu nước, Người đã nêu rõ quan điểm: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những yêu nước nhất”. Quan điểm ấy chính là động lực to lớn làm cho phong trào thi đua yêu nước có sức mạnh tinh thần vô cùng mạnh mẽ, tồn tại lâu dài, phát triển không ngừng, gắn liền với sự phát triển của dân tộc
 Đọc quyển sách, chúng ta sẽ càng hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những tư tưởng, lời dạy của Người chính là “Lời non nước” là di sản vô giá đáng được nâng niu gìn giữ cho nhiều đời sau tiếp tục sống, học tập và lao động theo gương Bác Hồ vĩ đại. Các bạn hãy tìm đọc quyển sách này tại Thư viện TP. Cần Thơ với các số ký hiệu phân loại: 080/L462N;  PHÒNG ĐỌC: DV.057490; PHÒNG MƯỢN: MH.010833; MH.010834

2. Quyển sách “Những câu chuyện cảm động về gia đình” do Nguyễn Nga tuyển chọn, nhà xuất bản Dân trí xuất bản năm 2016. Sách dày 220 trang gồm 39 câu chuyện khiến bạn phải giật mình suy ngẫm và thêm trân trọng hơn gia đình của mình.

Đọc câu chuyện “Mỗi người chỉ có một gia đình để học cách yêu và học cách đau!” bạn sẽ nhận ra cho dù cuộc sống có bộn bề với bao nỗi lo toan thì trong mỗi chúng ta vẫn có nơi trở về đó chính là gia đình – nơi mỗi người làm cha mẹ luôn mong đợi, lo lắng theo bước chân con đi, thấy lòng hạnh phúc khi thấy con trở về nguyên vẹn, bình yên…

Hay bài học ở câu chuyện “Bụi thời gian đã phủ lên một miền kí ức” đó là khi chúng ta đang sống trong khoảng thời gian hữu hạn của chính mình, khi có thể hãy dành thời gian quan tâm đến những người thân yêu, ruột thịt, những người cho dù có chuyện gì xảy ra vẫn sẽ luôn bên bạn, luôn yêu thương bạn mà không cần bất kì điều kiện gì. Và câu chuyện “Mẹ...” của Kim Thu, người mẹ luôn là chỗ dựa vững chắc nhất của mỗi người. Chúng ta hãy dừng lại một chút để nghĩ về mẹ, hãy cố gắng bù đắp những lỗi lầm vì đã làm mẹ buồn, hãy kính trọng, thương yêu và lo lắng cho mẹ. Tất cả không quá muộn nếu bạn vẫn còn mẹ và không quá muộn nếu bạn suy ngẫm lại từ bây giờ.

Hãy yêu thương gia đình nhiều nhất bạn có thể vì gia đình là điều tuyệt vời nhất mà thượng đế ban tặng cho mỗi chúng ta… Các bạn hãy tìm đọc quyển sách “Những câu chuyện cảm động về gia đình” tại Thư viện TP. Cần Thơ với số ký hiệu phân loại 895.92234/NH556C; Phòng Đọc: DV.051099; Phòng mượn: MV.18384, MV.18385.

3. Quyển sách “Sổ tay hướng dẫn viên du lịch” do Nguyễn Thị Minh Ngọc biên soạn, Nxb. Thể thao và Du lịch xuất bản năm 2021 là tài liệu trang bị cho người đọc những kiến thức cơ bản về nghiệp vụ cũng như các kỹ năng cần có của người hướng dẫn viên trong quá trình thực hiện công việc thực tế. Sách dày 344 trang, nội dung gồm 5 phần: Kiến thức chung về du lịch và hướng dẫn viên du lịch; Kiến thức về nghiệp vụ hướng dẫn du lịch; Hướng dẫn những kỹ năng xử lý tình huống trong hoạt động hướng dẫn du lịch; Du lịch văn hóa; Một số bài thuyết minh mẫu về một số di tích và ẩm thực. Quyển sách “Sổ tay hướng dẫn viên du lịch” là tài liệu cần thiết để các hướng dẫn viên du lịch nghiên cứu, học tập và áp dụng vào thực tế. Các bạn hãy tìm đọc sách tại Thư viện thành phố Cần Thơ với số ký hiệu phân loại: 338.4 / S450T; Phòng Đọc: DV.061261; Phòng mượn: MA.026097; MA.026098

Quý vị và các bạn thân mến! Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” của Thư viện thành phố Cần Thơ đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình trên Cổng Thông tin điện tử Thư viện TP. Cần Thơ, tại http://www.cantholib.org.vn
Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại!  

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây