CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH “VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG” KỲ 14 (tháng 9/2023)            

Thứ tư - 30/08/2023 03:15 613 0
                                                                                                        
Chào mừng quý vị và các bạn đến với Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” kỳ thứ 14 (tháng 9/2023) của Thư viện thành phố Cần Thơ!
I. VĂN HÓA ĐỌC 4.0 
Các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Văn hóa đọc 4.0” kỳ này, xin mời các bạn cùng nghe bài viết “Nhớ nội dung lâu hơn nhờ đọc to” trích từ báo điện tử Sức khỏe & Đời sống.

Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Memory, chúng ta có thể nhớ nội dung lâu hơn nhờ đọc to.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Waterloo, Canada cho biết: “hành động kép” của việc đọc và nghe giúp não bộ lưu trữ thông tin tốt hơn và sẽ trở thành bộ nhớ dài hạn. Những người trong nghiên cứu được yêu cầu đọc 160 từ bằng các phương pháp: Đọc bằng mắt, lắng nghe người khác đọc, nghe lại lời thu âm của mình và kết hợp nghe với đọc to nội dung. Kết quả cho thấy, những người đọc to nội dung sẽ nhớ lâu hơn 77% những người trong các nhóm nghe lại từ bản ghi âm, nghe người khác đọc to và cuối cùng là đọc bằng mắt. Tác giả chính, GS. Colin M.MacLeod cho biết: “Việc đọc to mọi thứ khiến cho hoạt động này trở nên sinh động và thu hút chúng ta nhiều hơn là đọc bằng mắt. Nghiên cứu này cung cấp thêm một biện pháp tích cực giúp tăng cường trí nhớ dài hạn và chứng minh thấy việc sử dụng nhiều giác quan cùng lúc sẽ khiến việc học tập cũng như ghi nhớ trở nên dễ dàng hơn”.

II. NHỊP CẦU TRI THỨC 
* Các bạn thân mến! chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, mời các bạn cùng nghe bài viết “Bàn chuyện chữ Hiếu xưa và nay” của Sơn Bình đăng trên báo điện tử Pháp luật Việt Nam.

Hiếu là giá trị đạo đức cao đẹp, nhân văn được lưu giữ và truyền lại từ hàng ngàn năm nay. Chữ hiếu ngày nay không chỉ bao hàm nội dung như chữ hiếu ngày xưa là tấm lòng tri ân và báo đáp đối với cha mẹ mà rộng hơn đó còn là tấm lòng hiếu hạnh với nhân dân, với cộng đồng...

Chữ "hiếu"trong đời sống tâm linh người Việt
“Hiếu” được hình thành từ xa xưa, gắn liền với phong tục thờ cúng tổ tiên, về sau được Nho giáo phát triển và thể chế hoá thành chuẩn mực đạo đức. Về cơ bản, nội dung phạm trù “hiếu” mang một ý nghĩa tích cực, đó là bổn phận làm con phải có hiếu với cha mẹ.

Trong việc thực hành đạo hiếu, người Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng của Nho giáo, song đạo hiếu ở Việt Nam vẫn có nét đặc sắc riêng, không hà khắc và cứng nhắc như trong quan niệm của Nho giáo.

Khi đạo Phật du nhập vào Việt Nam, chắc hẳn người Việt đã có tín ngưỡng thờ cúng ông bà, tổ tiên, còn gọi nôm na là ‘đạo’ thờ ông bà hay ‘đạo’ hiếu. Không thấy có sử liệu xác chứng tục thờ cúng này có từ khi nào.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư có nói nhiều về việc người Việt thờ kính các anh hùng dân tộc như Phù Đổng Thiên Vương đã có công dẹp trừ ngoại xâm; và hình thức thờ cúng tế lễ có những điểm tương đồng với ‘đạo’ thờ kính tổ tiên. Phong tục này là một nét văn hóa đặc thù của người Việt và đã được ví như là một loại ‘đạo’ làm người. 

 ‘Sống vì mồ mả, không sống vì cả bát cơm’ là tập tục nói lên tinh thần ‘uống nước nhớ nguồn’ của người Việt dù tổ tiên ông bà vẫn còn hay đã khuất bóng. Từ những ngày khổ đau như tang ma đến những ngày vui mừng như lễ tết… trong gia đình, dòng tộc tổ tiên ông bà luôn luôn được mời gọi, đón chào về sum họp cùng con cháu để sẻ chia.

Ngoài ra, tập tục cũng bao gồm ông bà, cha mẹ còn sống cũng phải được kính trọng như khi đã mất. Đôi khi có sự hiểu lầm là việc thờ kính tổ tiên, ông bà chỉ dành cho người đã chết.

Kính trên, nhường dưới là một nét đẹp đặc thù khác trong văn hóa Việt Nam. Có liên quan mật thiết đến tinh thần ‘kính lão đắc thọ’, kính trọng các bậc bô lão, các người lớn tuổi hơn mình, không những trong gia tộc mà còn ngoài xã hội. Ông, bà, cha, mẹ, anh, em, con, cháu, nội, ngoại hai bên, hoặc những người lớn tuổi, cao niên v.v… phải được nói năng, xưng hô cho đúng lễ trên dưới. 

Trong dòng máu và các tế bào đang hoạt động trong cơ thể chúng ta, mình cảm nhận được sự hiện hữu của tổ tiên. Do vậy việc thờ kính mang ơn là điều tất yếu của một con người biết “ăn quả, nhớ kẻ trồng cây”.

Trong quan niệm của Phật giáo, hiếu đạo cũng được đề cao. Đức Phật luôn dạy rằng, con người cần ăn ở hiền lành, tu nhân, tích đức, cứu khổ, cứu nạn; những việc làm xuất phát từ lòng hiếu thảo mang lại lợi ích thiết thực cho cha mẹ trong hiện tại và tương lai. Bất hiếu là tội lớn nhất trong hành vi, lẽ sống của mỗi con người. Người nào chẳng đối xử tốt với cha mẹ của họ, thì khó có thể sống tốt, sống thiện với người khác được; bất hiếu thì cũng bất nhân.

Đạo hiếu ở Việt Nam hiện nay
Đạo hiếu trong Nho giáo, Phật giáo phù hợp với thuần phong, mỹ tục, văn hóa của con người Việt Nam. Vì thế, người Việt Nam luôn coi trọng và tiếp thu chữ hiếu trong giáo dục nhân cách cho con người; coi đạo hiếu là đường hướng và phương châm ứng xử nhân văn của con cháu đối với cha mẹ và cũng là các chuẩn mực, thước đo giá trị đạo đức của con người.
Truyền thống giữ đạo hiếu của dân tộc được kế thừa và nâng cao trong tư tưởng và nhân cách Hồ Chí Minh. Trung và hiếu là hai phạm trù đạo đức được Hồ Chí Minh sử dụng cặp đôi với nhau và coi như chuẩn mực cao nhất trong hành vi của con người. “Trung với nước, hiếu với dân” - trong tư tưởng Hồ Chí Minh, phạm trù hiếu không còn bó hẹp trong phạm vi trọn đạo làm con với cha mẹ mình, mà ở đây là hiếu thảo với nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ. Không chỉ thương yêu cha mẹ mình mà còn phải thương yêu cha mẹ người.

Trong điều kiện hiện nay, chúng ta cần tiếp tục khẳng định vai trò của chữ hiếu trong gia đình cũng như ngoài xã hội; kế thừa, phát triển hiếu theo tinh thần Hồ Chí Minh, gắn với việc xây dựng gia đình văn hoá mới đáp ứng yêu cầu hiện đại hoá xã hội và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

* Quý vị và các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 03 quyển sách sau: 

1. Quyển sách “Sự ra đời của bản Tuyên ngôn độc lập” do Vũ Kim Yến sưu tầm và biên soạn, Nxb.Văn hoá - Thông tin xuất bản năm 2015. Sách dày 196 trang, gồm 3 chương giới thiệu với bạn đọc về quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn độc lập, cùng những câu chuyện kể, những hồi ức về các sự kiện lịch sử hào hùng đó của dân tộc, những bài viết, bài nghiên cứu có giá trị về ý nghĩa và sức sống trường tồn của bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945. Đọc quyển sách, các bạn càng hiểu thêm về giá trị của bản Tuyên ngôn độc lập, kết quả của một quá trình trăn trở, suy ngẫm và từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những giá trị về mặt lý luận cũng như trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam hiện nay. Sách được Thư viện thành phố Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số ký hiệu phân loại: 959.704 / S550R. PHÒNG MƯỢN: MG.007467; MG.007468. PHÒNG ĐỌC TỔNG HỢP: DV.049274

2. Quyển sách “Lễ tục trong gia đình người Việt” do Bùi Xuân Mỹ biên soạn, Nxb. Hồng Đức ấn hành năm 2021. Sách dày 387 trang, nội dung gồm 09 chương nói về những lễ tục chính yếu trong gia đình người Việt: Sơ sinh – thơ ấu; Trưởng thành; Hôn nhân; Về già; Tang ma; Quan hệ; Thờ phụng tổ tiên; Tín ngưỡng dân gian; Các lễ tiết trong năm. Qua đây, giúp bạn đọc hiểu thêm cách lý giải thế giới, những suy nghĩ, khát vọng vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn của người xưa, để bảo tồn và áp dụng chúng cho hợp với thời nay khi nhiều tập tục không còn phù hợp với hoàn cảnh mới, đồng thời cũng loại bỏ những hủ tục, những điều mê tín dị đoan, không khoa học. Quyển sách còn là tài liệu tham khảo lý tưởng cho các nghiên cứu viên về văn hóa gia đình. Sách được Thư viện thành phố Cần Thơ phục vụ bạn đọc với ký hiệu phân loại: 392.09597 / L250T. PHÒNG MƯỢN: MA.024386; MA.024387. PHÒNG ĐỌC TỔNG HỢP: DV.059644

3. Quyển sách “Thời gian trong mắt tôi: Hồi ký - Tuỳ bút - Cảo luận” của Nhà giáo nhân dân Trần Hữu Nghiệp. Nhà giáo Nhân dân – Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp (1911 – 2006) được ví như cây đa trong ngành Y, là “máy cái” trong công cuộc xây dựng và đào tạo cán bộ cho ngành Y tế Cách mạng miền Nam trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Ông được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân đợt đầu tiên năm 1988.  Quyển sách “Thời gian trong mắt tôi” là một trong những quyển tập hợp những bài hồi ký – tùy bút – cảo luận của Ông đã được Nhà xuất bản văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh in và phát hành năm 1993 với số lượng hạn chế và được tái bản in lại năm 2022.
     Với độ dày 324 trang đã được tác giả chuyển tải, ghi lại những tháng ngày sôi động, trong sáng, nhiệt huyết của một tri thức Tây học, để lại tất cả để đi theo Cách mạng, phục vụ nhân dân, chiến sĩ trong dòng chảy của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trọn vẹn 60 năm của cuộc đời mình, cho đến khi Ông nhắm mắt xuôi tay năm 2006.
     Kết hợp nhiều thể loại văn học, qua 14 mẫu chuyển hồi ký về những ngày thơ ấu của mình đến lúc giác ngộ Cách mạng như: Những ngày thơ ấu ở Tân Thủy; Mùa thu rồi, ngày 23; Những ngày tôi làm thầy thuốc riêng cho Bác Tôn; Binh chủng đặc biệt trong đội quân tóc dài trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng… Hay qua 12 đoạn tùy bút – cảo luận sâu sắc, đầy xúc cảm của tác giả như: Tưởng nhớ người thầy thuốc lớn Phạm Ngọc Thạch; Người Bác sĩ anh hùng mang “Hồn dân tộc”; Bài học của cách mạng Pháp 1789; Nghỉ về lời thề người Đảng viên; Đường tải “Đạo” Y tế nhân dân Nam Bộ thời chống Pháp…
     Quyển sách “Thời gian trong mắt tôi” giúp lan tỏa tinh thần cống hiến, dấn thân của một thế hệ Trí thức Tây học yêu nước như Nhà giáo Nhân dân – Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, giúp các bạn trẻ hiểu thêm về thế hệ cha ông, về tinh thần “kẻ sĩ Nam Bộ” trong dòng chảy Cách mạng vì Độc lập – Tự do của dân tộc.  Sách hiện đang phục vụ bạn đọc tại Thư viện TP. Cần Thơ với ký hiệu phân loại: 610.92 / TH462GI. PHÒNG MƯỢN: ME.009037. PHÒNG ĐỌC TỔNG HỢP: DV.061969

Quý vị và các bạn thân mến! Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” của Thư viện thành phố Cần Thơ đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình trên Cổng Thông tin điện tử Thư viện TP. Cần Thơ, tại http://www.cantholib.org.vn 
Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại!  

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Trung tâm kết nối Tri thức số
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây