CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH “VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG” KỲ 13 (tháng 8/2023)

Thứ tư - 30/08/2023 02:59 1.070 0
Chào mừng quý vị và các bạn đến với Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” kỳ thứ 13 (tháng 8/2023) của Thư viện thành phố Cần Thơ!
I. VĂN HÓA ĐỌC 4.0 
Các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Văn hóa đọc 4.0” kỳ này, xin mời các bạn cùng nghe bài viết “Nghe và đọc sách trên bàn cân khoa học” đăng trên báo điện tử Tuổi trẻ cuối tuần.

Đọc và nghe một cuốn sách có thể liên quan đến các con đường não bộ khác nhau, nhưng hầu hết các nhà tâm lý học nghiên cứu ngôn ngữ trên các khía cạnh tâm lý và sinh học thần kinh đồng ý rằng “bộ máy tâm trí” liên quan đến việc hiểu ở cấp độ cao hơn các mẩu chuyện, cốt truyện đều giống nhau bất kể bạn “đọc” cuốn sách như thế nào.

Trong một thí nghiệm, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học UC Berkeley đã chụp hình não 9 người tham gia đang đọc và nghe một loạt chuyện, rồi lập bản đồ cách các khu vực khác nhau của não xử lý từng từ. Nhìn vào các bản scan não và phân tích dữ liệu, các nhà nghiên cứu thấy rằng các câu chuyện kích thích các vùng nhận thức và cảm xúc giống nhau, bất kể phương tiện truyền đạt chúng vào não là gì đi nữa, theo kết quả đăng trên tập san Journal of Neuroscience vào tháng 8-2019. Nói cách khác, ta nghe hay đọc thì đối với não “không thành vấn đề”.

Điều này lại dẫn đến một câu hỏi khác: giữa nghe và đọc, có cái nào giúp ta dễ hiểu nội dung văn bản hơn cái kia không? Beth Rogowsky, phó giáo sư giáo dục tại Đại học Bloomsburg, đã làm thí nghiệm với 3 nhóm tình nguyện viên là người trưởng thành để tìm câu trả lời. 
Nhóm đầu tiên nghe các đoạn trích của một cuốn sách phi hư cấu về Thế chiến thứ hai; nhóm thứ 2 đọc các đoạn trích từ một máy đọc sách điện tử; nhóm cuối cùng đọc và nghe các đoạn trích đồng thời. 

Các tình nguyện viên sau đó đã làm một bài kiểm tra khả năng hiểu. Rogowsky và các đồng nghiệp không thấy có sự khác biệt đáng kể về điểm số giữa 3 nhóm.
Nhưng Rogowsky lưu ý rằng nghiên cứu của cô chỉ xem xét khả năng hiểu khi mọi người đọc hoặc nghe tài liệu một lần, chứ không phải khi họ cố gắng nghiên cứu nó ở mức độ sâu. 
Nói cách khác, nghiên cứu của Rogowsky gợi ý rằng ít nhất khi nói đến việc tiếp nhận tài liệu một cách tương đối thụ động, thì việc bạn đọc hay nghe cuốn sách không thực sự quan trọng.

Nhưng còn muốn nạp nội dung chủ động thì sao? Một nghiên cứu so sánh mức độ học tập của sinh viên về một chủ đề khoa học bằng cách cho họ nghe 1 podcast dài 22 phút so với đọc 1 bài viết. Hai ngày sau, họ phải làm bài kiểm tra. Kết quả là số sinh viên đọc đạt 81% số điểm và những người nghe thì được 59%.

Xét trên khía cạnh học tập thì 2 cách nạp văn bản này khiến ta tiếp nhận theo những cách khác nhau. Với văn bản có những phần khó, ta có thể dễ dàng quay lại đoạn đó, đọc lại và suy nghĩ dễ dàng hơn khi nghe nội dung đó. 

Văn bản viết dù khó đến mấy cũng góp phần hỗ trợ người đọc thông qua những dấu hiệu tiêu đề, cách sắp xếp đoạn văn, những quy ước này là thứ mà việc nghe sách không thể so sánh được.

Vì vậy, mặc dù cả việc nghe và đọc sách đều có một quá trình hiểu cốt lõi tương đối giống nhau diễn ra trong não, những văn bản khó đòi hỏi tâm trí chúng ta phải có các chiến lược bổ sung và văn bản giấy có thể đáp ứng tiêu chí này. 
Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy khả năng nghe và đọc của mọi người tương tự nhau đối với các câu chuyện kể đơn giản hơn là đối với văn xuôi. Các câu chuyện có xu hướng dễ đoán hơn và sử dụng các ý tưởng quen thuộc, còn các bài luận thuyết trình có nhiều khả năng bao gồm nội dung lạ và yêu cầu đọc có chiến lược hơn.

Thể loại sách cũng có thể là một yếu tố ảnh hưởng đến chọn lựa nghe hay đọc của chúng ta. Đối với văn bản tường thuật như tiểu thuyết, việc bạn đọc hay nghe cuốn sách có lẽ không quan trọng lắm. Nhưng đối với văn bản kỹ thuật, văn xuôi thì đọc sẽ tốt hơn. 

Việc tìm hiểu tài liệu dày đặc thông tin thường đòi hỏi phải xem lại và việc lật qua lại giữa các trang sẽ dễ dàng hơn nhiều so với lướt qua lướt lại một đoạn âm thanh.
Daniel T. Willingham, giáo sư tâm lý Đại học Virginia, chia sẻ trên The New York Times rằng cách đây vài năm, khi mọi người nghe nói ông là một nhà nghiên cứu về đọc sách, họ có thể hỏi về chứng khó đọc của con cái hoặc làm thế nào để khiến con họ đọc nhiều hơn. 

Nhưng ngày nay câu hỏi mà ông thường xuyên nhận được nhất là “Nếu tôi nghe sách nói khi sinh hoạt trong câu lạc bộ sách thì có bị xem là gian lận không?”. 

Suy cho cùng việc có gian lận trong câu lạc bộ đọc sách không, nếu nghe sách, có vẻ như không quan trọng bằng chuyện lựa chọn cách thức nào để hiểu nội dung của một cuốn sách một cách tốt nhất và nắm bắt được điều tác giả cố gắng truyền đạt đến chúng ta. 

II. NHỊP CẦU TRI THỨC 
* Các bạn thân mến! chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, mời các bạn cùng nghe trích bài viết “Cách mạng tháng Tám trong cảm xúc của văn nghệ sĩ” của tác giả Lê Thị Bích Hồng đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch.

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tự do; kỷ nguyên chấm dứt ách áp bức, thống trị của thực dân, đế quốc. Một chân trời mới, hào quang chói lọi đã đến với dân tộc Việt Nam sau hơn 80 năm cả dân tộc đồng sức, đồng lòng, bền bỉ đấu tranh, đánh đuổi ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố với thế giới và quốc dân đồng bào nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời - Nhà nước dân chủ, công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Đồng hành cùng lịch sử dân tộc, các văn nghệ sĩ đã kịp thời thể hiện nguồn cảm hứng trân trọng, tự hào đó trong sáng tác nghệ thuật (thơ-nhạc)…

Hát vang thu hoa vàng nắng Ba Đình
Không khí cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám thành công đã thổi bùng lên ngọn lửa truyền thống yêu nước, tinh thần quật khởi chống xâm lăng. Cả dân tộc hân hoan đón chào sự kiện thiêng liêng. Từ sự kiện đã truyền vào văn nghệ sĩ những cảm xúc mới mẻ và vô cùng mãnh liệt để hiện thực hóa bằng những ca khúc trân trọng, tự hào về Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh mùng 2 tháng 9. Những ca khúc ấy bật lên từ trái tim nghệ sĩ ngay trong thời điểm huy hoàng của mùa Thu tháng Tám: "Mười chín tháng Tám" (nhạc sỹ Xuân Oanh); "Cùng nhau đi Hồng binh" (nhạc sĩ Hoàng Vân)… cộng hưởng cùng những sáng tác trước đó, như: "Tiến quân ca" (nhạc sĩ Văn Cao), "Diệt phát xít" (nhạc sĩ – nhà thơ Nguyễn Đình Thi); "Du kích ca" (nhạc sĩ Đỗ Nhuận); "Cờ Việt Minh" (nhạc sĩ Vương Gia Khương); "Lên đàng", "Tiếng gọi thanh niên" (nhạc sĩ Lưu Hữu Phước)…làm nên âm thanh hào sảng, rộn rã, mê say mang tâm thế của người công dân yêu nước, tự hào về nền độc lập, tự do đã phải đổi bằng bao xương máu.

Sự kiện mùa thu năm 1945 đã trở thành nguồn cảm hứng nghệ thuật bất tận. Cả Hà Nội là không khí sôi sục của quần chúng tiến đến Tổng khởi nghĩa. Trời thu tháng Tám vang ngân trong những ca khúc "Mười chín tháng Tám" của nhạc sỹ Xuân Oanh. Ca khúc này ra đời từ hoàn cảnh đặc biệt trong không khí hừng hực của ngày 19/8/1945 khi nhạc sĩ Xuân Oanh hòa vào dòng thác tham gia cuộc Cách mạng lớn của dân tộc. Đặc biệt vì sáng tác và lan tỏa ca khúc ngay trong ngày 19/8/1945 vỡ òa cảm xúc. Đặc biệt vì nhạc sĩ vừa đi vừa sáng tác, viết nay trên vỏ bao thuốc lá cũ, chẳng cần bàn viết nghiêm chỉnh; viết đến đâu hát vang đến đó; viết trên đường từ Hàng Bài đến trước cửa Nhà hát Lớn thì bài hát cũng vừa xong và cả dòng người hát theo cũng thuộc lòng ngay lập tức. Chỉ trong buổi chiều hôm đó, ca khúc đã hát vang, được lan tỏa, phổ biến rộng rãi từ Bắc chí Nam.

Biểu tượng mùa Thu cách mạng
Mùa Thu cách mạng 1945 đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca. Cả dân tộc say sưa đón chào thắng lợi "Cờ chiến thắng! Cách Mạng thành Tháng Tám" (Xuân Diệu); đã "Phất cao cờ Việt Minh chói sáng/ Làm một mùa thu cách mạng (Hồ Chí Minh- Eoan Macccon); "Mùa thu từ năm đó/ Mùa thu từ bắt đầu" (Thanh Hải). Nhà thơ cảm nhận được màu sắc tươi mới: "Nguồn tươi vống nở thu sang mát lành"; cùng hương thu quyến rũ "Sáng nay mùa cốm dậy thơm đầy làng", "Trái hồng trĩu xuống cây rơm… Lúa vươn thân hút ánh vàng" (Thâm Tâm); "Gió thổi mùa thu hương cốm mới" (Nguyễn Đình Thi). Nhà thơ Nguyễn Đình Thi ngỡ ngàng "Mùa thu về bỡ ngỡ sáng nay/ Gặp những chàng trai bên hồ hò reo say/ Reo reo hò cờ rực đỏ ánh cây/ Thoáng sao vàng nghiêng nghiêng vẫy". Trong bài thơ "Đất nước", nhà thơ khẳng định "Mùa thu nay khác rồi/ Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi/ Gió thổi rừng tre phấp phới/ Trời thu thay áo mới/ Trong biếc nói cười thiết tha". Mùa Thu riêng đã hòa trong cảm xúc mùa Thu đất nước và nhà thơ khắc họa tầm vóc dân tộc bằng hình ảnh thơ khái quát "Rũ bùn đứng dậy sáng lòa"…

Văn chương luôn có tính dự báo. Ngay trong đau thương của nạn đói năm Ất Dậu, nhà thơ cách mạng Tố Hữu vẫn tràn trề niềm hy vọng "Hỡi người bạn! Vui lên đi! Ất Dậu/ Sẽ là năm khởi nghĩa, năm thành công! Trời hôm nay dầu xám ngắt màu đông / Ai cản được mùa xuân xanh tươi sáng / Ai cản được những đoàn chim quyết thắng / Sắp về đây thắm nắng xuân hồng" (Tố Hữu).

Cảm hứng về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 từ sau năm 1945 một mặt vẫn nối tiếp mạch nguồn cảm xúc của dân tộc, mặt khác độ lùi thời gian đã giúp cho các nhà thơ có cái nhìn sâu sắc, rộng mở, sâu lắng, đầy chiêm nghiệm. Mùa Thu Tháng Tám vẫn nguyên vẹn trong cảm xúc của dân tộc Việt Nam:
Ngọn cờ đỏ sao vàng phấp phới
Nước non Hồng vang dội Tiến quân ca...


* Quý vị và các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Giới thiệu sách” kỳ này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 03 quyển sách sau: 
 
1. Quyển sách “Tuổi thơ dữ dội” là một trong những tác phẩm của nhà văn Phùng Quán, do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2022. Sách dày 666 trang, gồm 8 phần kể về những thiếu niên tuổi mười ba, mười bốn trong đội trinh sát tại thành Huế vào thời kì kháng chiến chống quân Pháp xâm lược. Nội dung xoay quanh cuộc sống, hoàn cảnh, quá trình tham gia quân ngũ, cuộc chiến đấu và hi sinh của các nhân vật tiêu biểu như Mừng, Lượm, Quỳnh sơn ca… cùng gần ba mươi nhân vật khác, tác phẩm như là cả một phần tuổi thơ Việt Nam thấm đượm cảm xúc, đầy khâm phục và tự hào. Đọc “Tuổi thơ dữ dội” sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn tinh thần yêu nước của tuổi trẻ Việt Nam bất khuất, trung hiếu kiên cường. Quyển sách mang lại niềm cảm xúc cho thế hệ trẻ hôm nay, đọc để nhớ lại, để tự hào và để noi theo những tấm gương anh hùng nhỏ tuổi ấy. Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với ký hiệu phân loại: 895.922334 / T515TH. PHÒNG MƯỢN: MV.024239. 

2. Quyển sách “Lễ hội văn hóa ba miền” do Vũ Thụy An biên soạn do Nhà xuất bản Thanh niên đã ấn hành năm 2017. Sách dày 407 trang, tái hiện lại các lễ hội ở khắp mọi miền đất nước. Có thể kể đến như lễ hội đền Hùng, hội chọi trâu ở Đồ Sơn, hội chùa Hương ở miền Bắc. Ở miền Trung sẽ có các lễ hội Cá Ông, đua voi Tây Nguyên. Cuối cùng là ở miền Nam, lễ hội Chol-Chnam-Thmey, đua Ghe Ngo, lễ hội Bà Chúa Xứ,... và còn nhiều lễ hội khác. Bạn đọc hãy tìm đọc “Lễ hội văn hóa ba miền” để có thêm được kiến thức về các lễ hội vùng miền trên khắp cả nước. Thư viện thành phố Cần Thơ phục vụ bạn đọc với ký hiệu phân loại: 394.269597 / L250H. PHÒNG MƯỢN: MA.018913; MA.018914.      PHÒNG ĐỌC TỔNG HỢP: DV.054177

3. Quyển sách “Tối giản lối sống - Tối ưu cuộc đời” của tác giả Joshua Fields Millburn và Ryan Nicodemus do Huỳnh Mai dịch đã chỉ ra những phương pháp đơn giản để cho thấy chủ nghĩa tối giản tạo ra khoảng trống để đánh giá lại và hàn gắn bảy mối quan hệ thiết yếu trong cuộc sống của chúng ta: đồ đạc, sự thật, bản thân, giá trị, tiền bạc, sự sáng tạo và con người. Những mối quan hệ này đan xen cuộc sống của chúng ta theo những cách không ngờ, cung cấp những kiểu mẫu phá hoại thường xuyên lặp lại, thường xuyên không được khám phá bởi vì chúng ta đã chôn vùi chúng bên dưới sự lộn xộn của vật chất. Đọc “Tối giản lối sống - Tối ưu cuộc đời” bạn sẽ có được những công cụ tuyệt vời chống lại chủ nghĩa tiêu dùng, xóa bỏ phiến diện để nhường chỗ cho một cuộc sống ý nghĩa. Sách do nhà xuất bản Dân trí phát hành năm 2022 với độ dày 372 trang và được Thư viện thành phố Cần Thơ phục vụ bạn đọc với số ký hiệu phân loại: 178 / T452GI.      PHÒNG MƯỢN: MH.013582; MH.013583. PHÒNG ĐỌC TỔNG HỢP: DV.061336

Quý vị và các bạn thân mến! Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” của Thư viện thành phố Cần Thơ đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình trên Cổng Thông tin điện tử Thư viện TP. Cần Thơ, tại http://www.cantholib.org.vn 
Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại!  

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Trung tâm kết nối Tri thức số
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây