CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH “VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG” KỲ 17 (tháng 12/2023)  

Thứ ba - 28/11/2023 19:53 845 0
                                                                                                                     
Chào mừng quý vị và các bạn đến với Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” kỳ thứ 17 (tháng 12/2023) của Thư viện thành phố Cần Thơ!

I. VĂN HÓA ĐỌC 4.0 
Các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Văn hóa đọc 4.0” kỳ này, mời các bạn cùng nghe bài viết “Sức sống của sách in trong đời sống văn hóa đọc” trích từ tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông (ictvietnam.vn)

Đã có một thời gian người ta hoài nghi về sự tồn tại của sách giấy trước sự phát triển phương tiện giải trí điện tử. Tuy nhiên sách giấy vẫn có một sức sống riêng, không thể loại nào thay thế được. Trải qua một thời kì phát triển mạnh mẽ của các phương tiện điện tử, đọc sách bằng máy, phiên bản ebook trên máy tính, điện thoại thì sách giấy vẫn không mất đi. Thậm chí nó còn có những phục hồi đáng kể sau một thời gian bị các ảnh hưởng trên làm suy yếu ít nhiều. Có những lí do để sách giấy sẽ không bao giờ suy tàn, dù văn minh con người có tiến xa đến mức như thế nào.

Thứ nhất, sách giấy là thứ hữu hình có thể cầm nắm, sở hữu thực sự được. Lí do này có vẻ đơn giản nhưng chính nó là yếu tố quan trọng nhất để có thể khẳng định rằng sách giấy gần như sẽ vĩnh cửu. Nếu ai đó có một thư viện hoặc một tủ sách lớn thì đó là thứ của cải có thể nhìn thấy được và rất có ý nghĩa, ít nhất là về mặt tinh thần. Có niềm vui nào sung sướng hơn dành cho những người ham đọc sách được dạo chơi trong thư viện, ngắm nhìn những quyển sách quý trong giá sách của mình. Sau đó, rút ra một quyển cần tìm và ngồi thư thái đọc, nghiền ngẫm.

Một tủ sách trong nhà chính là một thứ tài sản, một vật trang trí sang trọng cho bất cứ người nào yêu tri thức và ham thích đọc. Loài người luôn thích những thứ cụ thể, có thể sờ nắm, nhìn thấy trực tiếp. Sách giấy cho chúng ta một quyền sở hữu thiêng liêng mà các loại sách điện tử không thể thỏa mãn được. Chính cái quyền được sở hữu một vật cụ thể mới khiến người ta yêu những của cải vật chất do mình làm ra hoặc có được. Sách giấy cũng thế, một giá sách truyền thống bao giờ cũng mang một giá trị cụ thể hơn một chiếc máy tính hoặc thiết bị đọc sách mỏng manh.

Thứ hai, sách giấy là một tài sản có thật, thậm chí rất có giá trị. Những quyển sách giấy ngày càng đắt đỏ hơn, in bằng những loại giấy tốt, bìa đẹp nhưng không vì thế mà người ta ngừng mua nó. Ngay ở Việt Nam, một quốc gia được đánh giá là người mê sách không nhiều, nhưng vẫn có những nhóm người mê sách, coi sách là tài sản thực sự và vô cùng quý giá. Một số nhà sách chịu chơi đã thiết kế ra những bộ sách độc đáo cho những người này. Những sách này được in trên giấy thượng hạng, có đánh số, chữ kí tác giả để dành cho những người yêu sách, chơi sách.

Hiện nay, đã có những cuốn sách in với chất lượng kĩ thuật rất cao. Các công ty sách đình đám như Nhã Nam, Tao Đàn, Đông A... đã đầu tư những phiên bản sách giấy đặc biệt: bìa cứng, bìa da, giấy in thượng hạng, có đánh số thứ tự kèm chữ kí tác giả hoặc dịch giả. Những bộ sách đó luôn có giá cao, bằng hai, ba hoặc nhiều hơn nữa so với một phiên bản sách thông thường.

Nếu ai sành sỏi về sách thì đều biết những quyển sách cũ hay và quý luôn có giá thành đắt đỏ, thậm chí có cuốn sách bằng gia sản của cả một đời người. Cuốn sách đắt nhất có thể kể đến là của họa sĩ kiêm nhà bác học vĩ đại người Ý: Leonardo da Vinci. Cuốn "Codex Leicester" của ông có giá đến hơn ba mươi triệu đô la Mỹ. Cuốn này được một trong những người giàu có và nổi tiếng nhất thế giới, Bill Gates, cha đẻ của công ty phần mềm khổng lồ Microsoft mua nó từ năm 1994. Và bây giờ giá trị thực của cuốn sách có thể còn cao hơn nữa. Những cuốn sách có giá trị cực lớn có thể kể thêm đến tập kịch "First Folio" của William Shakespeare, "Hiến pháp Hoa Kỳ" của George Washington, "Chuyện kể ở Canterbury" của Geoffrey Chaucer, Các loài chim Mỹ của John James Audubon... Những cuốn sách này nếu quy ra tiền Việt chúng có giá cả đến hàng trăm tỉ đồng. Những cuốn sách cũ có liên quan tới Việt Nam cũng có giá trị rất lớn và quý hiếm, ví dụ như: cuốn "Con rồng An Nam" của vua Bảo Đại, "Đại Nam quốc âm tự vị" của Huỳnh Tịnh Của, "Từ điển Việt - Bồ - La" của Alexandre de Rhodes, các phiên bản cổ của "Truyện Kiều"...

 Sách giấy là công trình có sự đầu tư rất lớn về kỹ, mĩ thuật, một điều mà chắc chắn những phiên bản sách điện tử không bao giờ có được. Một quyển sách giấy là công sức và trí tuệ của nhiều người và nếu người ta làm nó thật tâm huyết, nó có những sức quyến rũ đặc biệt.
Chẳng hạn, ngày trước có những loại sách in có chất lượng rất kém, như giấy in thường không được đẹp, vừa đen vừa mỏng và dễ ố, bị phai. Giờ thì đa số giấy in sách giấy trắng hơn và được phân thành rất nhiều loại khác nhau: ngà, trơn láng, xốp, dai, đa màu sắc để lựa chọn cho mỗi cuốn hoặc mỗi trang sách... Mà mỗi khi lựa chọn, người làm sách đều có những tính toán riêng cho từng đối tượng độc giả hoặc cân đối giá thành. 

Bên cạnh đó, còn có những chi tiết thiên về kĩ thuật cũng mang lại cho sách giấy những nét riêng biệt: font chữ, sự co giãn dòng, cách đánh số trang và đặc biệt là bìa sách đã tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt. Bìa sách phản ánh đúng nội dung sách, ấn tượng và hấp dẫn. Một cái bìa sách đẹp cũng góp phần không nhỏ vào thành công cho cuốn sách. Xưa kia ở Châu Âu người ta đóng bìa sách bằng da thật, một thứ vật liệu rất xa xỉ cho những cuốn sách thời bây giờ. Hiện tại chỉ những cuốn sách đặc biệt mới được đầu tư một cái bìa da thật hoặc bìa cứng thượng hạng. Và kẹp sách (bookmark) cũng được đầu tư, phiên bản thường là bìa giấy, cao cấp có thể bằng da...

Ngoài ra, sách giấy cũng mang lại cảm xúc nhiều hơn cho dân nghiền sách như mùi vị của giấy mới, những âm thanh sột soạt khi giở từng trang sách, những ghi chép bên lề hoặc gạch chân những đoạn thú vị...

Những câu chuyện tương tự không bao giờ xảy ra với sách điện tử hoặc phiên bản ebook. Nhiều người cho rằng chính cái mùi thơm của giấy in, cái cảm giác sờ vào trang giấy sột soạt, ngắm cái bìa sách hoặc những kỉ niệm đặc biệt trên đó như chữ kí của tác giả, lời đề tặng của bạn bè mà họ kiên quyết chọn sách giấy chứ không phải sách điện tử.
Khoa học cũng đã chứng minh rằng, đọc sách giấy, con người ta ghi nhớ tốt và thoải mái hơn so với sách điện tử. Các sách điện tử giống như một tệp tin mà người ta sẽ khó có những thao tác như đánh dấu, ghi chú hoặc làm một thứ gì đó mang tính cá nhân hoặc thú vui riêng lẻ. Khi cuộn các trang sách điện tử, người ta ít có cảm giác được nghỉ ngơi hoặc chinh phục nó, một điều đơn giản nhất là sách giấy mang cho ta cảm giác hữu hình của riêng mình còn sách điện tử thì không như thế. 

Với tất cả những đặc điểm ưu việt của sách giấy như vậy, chúng ta có thể tin rằng khi nào loài người vẫn còn những nhận thức về quyền sở hữu, về cái đẹp, những cảm xúc và những riêng tư cá nhân thì sách giấy vẫn còn có chỗ đứng vững chắc trong đời sống nhân loại.

II. NHỊP CẦU TRI THỨC 
* Các bạn thân mến! chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, mời các bạn cùng nghe bài viết “Xây dựng ‘người Cần Thơ’ cần những tiêu chuẩn gì?” của Nguyên Việt đăng trên tạp chí điện tử Một thế giới (Cơ quan của Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam).

UBND TP. Cần Thơ đã ban Kế hoạch 61/KH-UBND năm 2021 về xây dựng người Cần Thơ “Trí tuệ - Năng động - Nhân ái - Hào hiệp - Thanh lịch”, đáp ứng yêu cầu công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố Cần Thơ đến năm 2030, giai đoạn 2021-2025.

Mục đích xây dựng người Cần Thơ “Trí tuệ - Năng động - Nhân ái - Hào hiệp - Thanh lịch” nhằm hoàn thiện về nhân cách, đẹp về tâm hồn, khỏe về thể chất, đáp ứng tốt yêu cầu công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa TP. Góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5.8.2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP.Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tiêu chuẩn chung của người Cần Thơ bao gồm: yêu quê hương, đất nước; góp sức cùng cộng đồng xây dựng TP.Cần Thơ văn minh, hiện đại. Tuân thủ hiến pháp, pháp luật; tôn trọng, bảo vệ danh dự, nhân phẩm, tính mạng, tài sản của mình và người khác.

Chuyên cần học tập đạt chuẩn về chuyên môn, nghề nghiệp; làm tốt chức trách, đạo đức, lương tâm nghề nghiệp. Lao động có kỹ thuật, kỷ luật, năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao. Tự trọng, tự tin, khiêm tốn, vui vẻ, hòa nhã trong giao tiếp, ứng xử với mọi người. Có thái độ thành kính nơi tôn nghiêm, thờ tự, di tích lịch sử, văn hóa - nghệ thuật.

Thờ cúng tổ tiên; hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; xây dựng gia đình hạnh phúc. Kính trọng thầy giáo, cô giáo; sống có nghĩa, có tình, tương trợ giúp đỡ đồng bào, anh em, bạn bè, đồng nghiệp, đồng đội, đồng chí; thân thiện với du khách. Sản xuất, kinh doanh hàng hóa đảm bảo chất lượng, an toàn; bảo vệ môi trường. Không có hành vi bạo lực trong gia đình, trường học, xã hội.

Về 5 tiêu chuẩn “Trí tuệ - Năng động - Nhân ái - Hào hiệp - Thanh lịch”, mỗi tiêu chuẩn có những tiêu chí cụ thể. Trong đó người Cần Thơ “Trí tuệ” là người có nhận thức sâu sắc, suy xét thấu đáo vấn đề về tự nhiên, xã hội có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến lĩnh vực chuyên môn, nghề nghiệp và đời sống.

Người Cần Thơ “Năng động” là người có tính linh hoạt, sáng tạo và chủ động, có khả năng cùng cộng đồng góp phần xây dựng và phát triển thành phố văn minh, hiện đại.

Người Cần Thơ “Nhân ái” là người biết yêu thương, tôn trọng con người, có lòng vị tha, giúp đỡ người gặp khó khăn, hoạn nạn; biết bảo vệ chân lý.

Người Cần Thơ “Hào hiệp” là người có tinh thần cao thượng, vị tha, dũng cảm, quên mình vì việc nghĩa, hết lòng vì người khác, không toan tính thiệt hơn.

Người Cần Thơ “Thanh lịch” là người có cuộc sống trong sáng, lịch thiệp, ứng xử thân thiện, văn minh, phù hợp với thuần phong mỹ tục, quy ước của cộng đồng.

Kế hoạch đặt ra chỉ tiêu thực hiện giai đoạn 2021-2025: thu hút 65% trở lên số người dân tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở. Phấn đấu tuyên truyền, vận động 5% trở lên số người dân đạt danh hiệu “Người tốt việc tốt”.

80% trở lên hộ gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa” 3 năm liên tục trở lên; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận “Đạt chuẩn văn hóa” 5 năm liên tục trở lên… Và 100% quận, huyện, xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa - thể thao. Tỷ lệ người luyện tập thể thao thường xuyên/tổng dân số đạt 35%.

Phục vụ sách lưu động tại các quận huyện trung bình 1 năm ít nhất 38.500 lượt người. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục truyền thống và di sản văn hóa trong học đường cho khoảng 35.000 giáo viên và học sinh/năm trở lên về truyền thống, các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn.

* Quý vị và các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 03 quyển sách sau:

1. Quyển sách “Bác Hồ với bộ đội, bộ đội với Bác Hồ” do Đinh Văn Thiên tuyển chọn, nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản năm 2002. Sách với 266 trang, tập hợp 18 câu chuyện kể thể hiện sinh động tình cảm gắn bó giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Xuyên suốt những câu chuyện trong quyển sách là sự quan tâm chăm sóc, tình thương yêu của Bác đối với bộ đội và sự tôn kính, yêu thương của các chiến sĩ dành cho Người.

Như câu chuyện: “Theo Bác đi chiến dịch” cho thấy ở Bác luôn kề vai sát cánh, truyền sự lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi cho các chiến sĩ. Câu chuyện “Bác thăm xưởng Đội Cấn” thể hiện sự ân cần, quan tâm của Bác, ngay từ những điều nhỏ trong cuộc sống của bộ đội. Ngoài ra, Bác còn dành sự chăm lo, săn sóc ân tình, chu đáo cho các chiến sĩ trên mọi mặt trận như: đặc công, hải quân, pháo binh, không quân,... Mỗi câu chuyện là một minh chứng sinh động cho người đọc hiểu thêm về đạo đức, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời, cũng cảm nhận được tình yêu, sự kính trọng của toàn thể chiến sĩ đối với Bác. Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với ký hiệu phân loại 335.4346 / B101H và mã số:  Phòng Đọc: DV.020786; Phòng Mượn: MH.000273, MH.000274.

2. Quyển sách “Hỏi đáp về biển đảo Việt Nam - Không ngừng khám phá cho người dân và thế hệ trẻ Việt Nam” do Phan Thị Ánh Tuyết sưu tầm biên soạn, Nxb. Dân trí xuất bản năm 2019. Sách với 215 trang gồm 82 câu hỏi - đáp, được bố cục thành 03 phần giúp bạn đọc thêm hiểu biết về biển đảo nước ta.

Phần 1 gồm 40 câu hỏi - đáp về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, vai trò của biển đảo Việt Nam: Khái niệm về biển, đảo, quần đảo; Một số thông tin về Biển Đông và vai trò của Biển Đông đối với thế giới và Việt Nam; Đặc điểm địa lý cơ bản của các vùng biển nước ta; Diện tích biển Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982;…

Phần 2 trình bày 20 câu hỏi - đáp về lịch sử, văn hóa biển đảo nước ta như: Cửa biển Bạch Đằng và những trận thủy chiến trong lịch sử dân tộc; Trận chiến bảo vệ chủ quyền ở Côn Đảo vào thế kỷ XVIII; Vài nét về đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải; Hoàn cảnh lịch sử của đường Hồ Chí Minh trên biển; “Sự kiện vịnh Bắc Bộ” năm 1964;… 

Phần 3 là 22 câu hỏi - đáp về biển đảo Việt Nam trong tiến trình phát triển kinh tế và hội nhập thế giới như: Việc Quốc hội nước ta thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và những nội dung chính, vai trò của nó; Một số thành tựu của các lĩnh vực kinh tế biển chủ yếu của Việt Nam; Thực trạng khai thác khoáng sản trên thềm lục địa; Những ngư trường quan trọng của nước ta; Tiềm năng và vai trò của ngành du lịch biển; Các cảng biển; … Quyển sách đang được phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ với ký hiệu phân loại 320.109597 / H428Đ và mã số: Phòng Đọc: DV.056316; Phòng Mượn: MA.020717, MA.020718.

2. Quyển sách “Kỹ năng tự học cho trẻ tiểu học” do Nguyễn Thị Thu biên soạn, nhà xuất bản Lao động xuất bản năm 2022. Sách dày 435 trang được xem là cẩm nang giúp phụ huynh thấy tự tin và được tiếp thêm động lực trên hành trình nuôi dạy con. 

Nội dung sách gồm 8 chương: Trong hai chương mở đầu, tác giả chia sẻ với phụ huynh về tâm thế nuôi dạy trẻ, về việc cha mẹ tự học và trau dồi kỹ năng quản trị cuộc sống, cân bằng công việc và gia đình, cũng như tránh những sai lầm trong ứng xử với con trẻ, đặc biệt là cách cha mẹ làm gương và ứng xử ở giai đoạn tuổi tiểu học của trẻ. 

Từ chương 3 đến chương 10, sách viết về “Tầm nhìn nuôi dạy con’ giúp bố mẹ có các nhìn tổng quan trong việc rèn luyện kỹ năng tự học cho con giai đoạn tiểu học, trong đó trẻ cần được rèn luyện rất nhiều năng lực, thói quen và kỹ năng nền tảng làm gốc rễ như: Sự chú tâm; Thói quen sinh hoạt điều độ, đúng nguyên tắc; Kỹ năng giao tiếp; Kiềm chế cảm xúc và trì hoãn sự hài lòng; Rèn năng lực tự mình đưa ra câu trả lời; Dạy trẻ quản lý thời gian và nuôi dưỡng thói quen đọc sách; Xây dựng thói quen tự học cho trẻ… Sách được Thư viện thành phố Cần Thơ phục vụ bạn đọc với ký hiệu phân loại: 649 / K600N và mã số PHÒNG MƯỢN: ME.009001; ME.009002; ▪ PHÒNG ĐỌC TỔNG HỢP: DV.061866.

Quý vị và các bạn thân mến! Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” của Thư viện thành phố Cần Thơ đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình trên Cổng Thông tin điện tử Thư viện TP. Cần Thơ, tại http://www.cantholib.org.vn. Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại!  

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Trung tâm kết nối Tri thức số
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây