Thi nhân Việt Nam 1932 - 1941 / Hoài Thanh, Hoài Chân. - H. : Nxb. Hội Nhà văn, 2018. - 398tr. : Ảnh; 21cm

Thứ hai - 19/08/2019 05:03 8.339 0
Thi nhân Việt Nam 1932 - 1941 / Hoài Thanh, Hoài Chân. - H. : Nxb. Hội Nhà văn, 2018. - 398tr. : Ảnh; 21cm

Hơn nửa thế kỷ trước đây, phong trào Thơ mới đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển của nền văn học trước Cách mạng tháng Tám của đất nước. Các thi sĩ của thuở ấy đã đem lại cho bạn đọc một tiếng nói mới, phản ánh khá trung thực tâm trạng của cả một lớp thanh niên tiểu tư sản trong cuộc sống có nhiều đau buồn, trăn trở và đôi khí bế tắc trước hiện trạng cuộc sống. Với sự đổi mới mạnh mẽ của hình thức nghệ thuật, Thơ mới thực sự đã thu hút được sự chú ý của khá đông bạn đọc yêu thơ và đó cũng là một đóng góp có ý nghĩa vào sự phát triển của thể loại và chứng minh khả năng biểu đạt phong phú của tiếng Việt. Ngay lúc bấy giờ, hai tác giả Hoài Thanh và Hoài Chân đã sớm nhận ra giá trị ấy, kịp thời sưu tầm, giới thiệu các thành tựu của phong trào Thơ mới qua tác phẩm “Thi nhân Việt Nam” và đã cho xuất bản vào đầu năm 1942. Kể từ đó đến nay, quyển sách đã được tái bản rất nhiều lần.
Thi nhân Việt Nam” ra đời đáp ứng nhu cầu tìm đọc, cảm nhận và phê bình của người đọc về một giai đoạn thơ rực rỡ của dân tộc. Trong quyển sách, các tác giả đã mất rất nhiều công sức đọc và tìm ra trong hàng vạn bài thơ của hàng trăm tập thơ và những bài thơ in rải rác trên các báo, thậm chí là thơ chép của các thi sĩ để tìm ra những tinh hoa và thâu tóm lại. Quyển sách đã nhìn nhận và phê bình tỉ mỉ 46 nhà thơ và 169 bài thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới - Một phong trào được đánh dấu không phải chỉ bởi con số đông đảo các nhà thơ, mà còn ở những đỉnh cao sáng tạo với những cái tên sáng giá, đọng lại với thời gian qua hàng loạt bài thơ đặc sắc, nhiều bài có thể nói thuộc loại hay nhất của thơ Việt. Một số nhà thơ và tác phẩm được nhắc đến, đã được đưa vào chương trình giáo khoa phổ thông của nước ta tiêu biểu như: Tản Đà (“Thề non nước”), Thế Lữ (“Nhớ rừng”), Vũ Đình Liên (“Ông đồ”), Xuân Diệu (“Vội vàng”, “Đây mùa thu tới”), Huy Cận (“Tràng giang”), Tế Hanh (“Quê hương”), Hàn Mặc Tử (“Mùa xuân chín”), Lưu Trọng Lư (“Tiếng thu”),…
Ở mỗi bài viết, tác giả đều công phu, tỉ mỉ ghi nhận thật sâu sắc, giúp người đọc xác định rõ rằng quan điểm và định hướng tiếp cận. Đặc biệt, đối với Hoài Thanh, ông chỉ theo một phương châm tự đặt ra cho mình: “Lấy hồn tôi để hiểu hồn người”. Mà một khi đã hiểu, bằng tấm lòng đồng cảm, thì chỉ có cảm thông, cảm mến. Và một khi đã cảm thông, cảm mến thì chỉ muốn tìm ra cái hay, cái đẹp.
Tuy là sự khám phá và đánh dấu đầu tiên đối với Thơ mới, việc lựa chọn tác phẩm và tác giả đương thời, nhất là những người mới xuất hiện trên văn đàn, là một việc hết sức khó khăn, nhưng với việc cảm thụ khá sâu sắc và với cái nhìn tinh tế, quyển sách đã chọn được một chùm hoa giàu hương sắc trong vườn Thơ mới để gửi tặng những người yêu thơ. Chính vì thế, “Thi nhân Việt Nam” đã được bạn đọc cả nước đón nhận và tán thưởng. Với tác phẩm này, năm 2000, Hoài Thanh đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật - Giải thưởng cao quý nhất của Nhà nước ta về lĩnh vực này, với 2 tác phẩm khác nữa là “Nói chuyện thơ kháng chiến” (1951) và “Phê bình và tiểu luận” (3 tập, 1960, 1965, 1971). “Thi nhân Việt Nam” xứng đáng được coi là một kiệc tác của Hoài Thanh - Hoài Chân, và là một trong những tác phẩm có giá trị nhất của văn học Việt Nam thế kỷ 20.
Thư viện TP. Cần Thơ xin giới thiệu đến bạn đọc phiên bản ấn hành gần đây nhất của tác phẩm mang tên “Thi nhân Việt Nam 1932 - 1941” do Nxb. Hội Nhà Văn xuất bản năm 2018, có độ dày 398 trang. Quyển sách hiện đang được phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ. Bạn đọc tra tìm tài liệu với mã số:
* Phòng Đọc:
- 895.92213208/TH300NH
- DV.54762
* Phòng Mượn:
- 895.92213208/TH300NH
- MB.6872, MB.6873

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây