Sống nơi vùng đất mới với nhiều ưu đãi của thiên nhiên, người Nam Bộ xưa và nay vẫn hoài nhớ về quê hương gốc gác, về ngôi đình, lũy tre, làng xóm và những tiền nhân thuở trước. Và đối với hai nhà nghiên cứu Nguyễn Đông Triều và Phan Mạnh Hùng thì “di sản”, “người xưa”, “vườn xưa” là những chủ đề mà các tác giả luôn hướng đến trong các nghiên cứu của mình.
Quyển sách “Vườn xưa dạo bước” tập hợp các bài nghiên cứu của hai tác giả về những hiện tượng văn học, di tích lịch sử, văn hoá đa dạng trên vùng đất phía Nam của Tổ quốc như: “Cổ đình Đức Thắng và vùng đất Phan Thiết”, “Trung Nghĩa từ và một số tư liệu Hán Nôm tiêu biểu”, “Về hai ngôi đình đặc sắc ở Châu Đốc”, “Đất Long Mỹ xưa và hai ngôi đình cổ”, “Hai di tích thờ Khổng Tử ở Châu Đốc”, “Kiến An cung của Hoa kiều ở Sa Đéc”, “Chữ hiếu của người xưa qua văn ai điếu”, “Một góc nhìn về tính cách của Phan Thanh Giản”, “Phan Bội Châu: Giáo dục là sanh mạng quốc dân”,…
Với độ dày 461 trang, quyển sách vừa nhắc đến niềm lo âu và băn khoăn về nguy cơ xuống cấp của những di sản văn hóa như đình, chùa, miếu và tình trạng quên lãng công tích của tổ tiên của các thế hệ hậu sinh; vừa gieo niềm tin rằng, không có gì bị mất dấu trong cuộc đời này, vẫn còn những nỗ lực đầy tâm huyết để lưu danh những người đi trước đã lập đức, lập ngôn và lập công, như bài văn bia ở cổ đình Đức Thắng ghi lại: “Có được mở mang, ắt có người gây dựng. Làm lợi cho dân, cùng vui cùng hưởng. Máu đổ còn tươi, chẳng sợ cường quyền. Biển dâu thay đổi, phong vận còn nguyên. Bọn ta tiếp nối, uống nước nhớ nguồn. Việc đây vì nghĩa, còn mãi chẳng quên. Khắc vào bia đá, muôn đời truyền luôn”. Đọc quyển sách này, không chỉ người dân địa phương mà những ai chưa có dịp tham quan di tích cũng có thể hình dung cảnh quan và lịch sử của một vùng đất với nhân cách và chí khí của những người con ưu tú đã để lại tấm gương sáng cho đời về công lao mở cõi, dựng nước và giữ nước.
Bên cạnh đó, quyển sách còn thể hiện sự liên lạc mật thiết giữa quá khứ và hiện tại, giữa kinh nghiệm của lịch sử và nhiệm vụ của ngày hôm nay. Người đời sau ai cũng có thể suy ngẫm về lịch sử, nhưng không phải ai cũng có quyền phán xét lịch sử nếu không thực sự am hiểu bối cảnh xã hội và chủ đích của con người. Và điều quan trọng nhất chính là rút ra bài học cần thiết để không lặp lại những bi kịch của ngày xưa. Như những câu chuyện về việc hành xử vội vàng của Lê Văn Duyệt đối với người dân trong tranh chấp đất đai, nỗi oan khuất không thể giải bằng thuốc độc của Phan Thanh Giản, tâm trạng “lỗi thế” đầy giằng xé của Nguyễn Khuyến và Tú Xương, nỗi trăn trở của Phan Bội Châu về sứ mạng giáo dục,… Và như vậy, phía sau những dòng chữ, cuộc “dạo bước vườn xưa” cùng với Nguyễn Đông Triều và Phan Mạnh Hùng đem lại cho người đọc không chỉ sự chiêm nghiệm về quá khứ mà còn là thu hoạch bổ ích để đi tới những chọn lựa ứng xử phù hợp trong hiện tại và tương lai.
Quyển sách “Vườn xưa dạo bước” do Nxb. Tổng hợp TP. HCM ấn hành năm 2018. Trân trọng kính mời các bạn tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP Cần Thơ. Bạn đọc tra tìm tài liệu với mã số:
* Phòng Đọc:
- 895.92209/V650X
- DL.17250
* Phòng Mượn:
- 895.92209/V650X
- MB.7023