Trong lịch sử Việt Nam hiện đại, Nam Bộ là “khúc ruột” đau thương, nơi đầu sóng ngọn gió, luôn đối đầu với quân thù tàn bạo, là miền đất “đi trước về sau”, nơi mở đầu và kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam; sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nhưng ngày 23/9/1945, thực dân Pháp núp dưới bóng quân Anh đã quay lại gây hấn ở Sài Gòn, bắt đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai. Nhân dân Nam Bộ chỉ được hưởng niềm vui nước nhà độc lập vẻn vẹn trong 28 ngày (24/8 đến 23/9) buộc phải cầm súng bước vào cuộc kháng chiến đầy gian lao mà anh dũng để bảo vệ hòa bình và độc lập cho Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng của xứ ủy Nam Bộ, sau này là Trung ương cục, của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, quân dân Nam Bộ suốt 30 năm ròng rã (1945 - 1975) kiên cường, bền bỉ chiến đấu, lập nên nhiều chiến công, đỉnh cao là Đại thắng mùa xuân 1975 - giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Nhằm tri ân và khắc ghi công lao to lớn của quân dân Nam Bộ trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, từ năm 2001 Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chỉ đạo thực hiện công trình “Lịch sử Nam Bộ kháng chiến”. Đây là công trình có ý nghĩa chính trị, tư tưởng, xã hội to lớn đã được Hội đồng khoa học cấp nhà nước nghiệm thu và bỏ phiếu cho điểm ở mức xuất sắc và hai lần nhận Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu về lịch sử Nam bộ (năm 2006: tập 1 và năm 2010: tập 2).
Năm 2011, Nxb. Chính trị Quốc gia ấn hành Bộ sách “Lịch sử Nam Bộ kháng chiến” với 2 tập chính sử (Tập 1 giai đoạn 1945 - 1954 và Tập 2 giai đoạn 1954 - 1975) với các nội dung được chia làm 5 phần:
- Phần mở đầu “Nam Bộ trong lòng Việt Nam”: khái quát quá trình hình thành vùng đất và con người Nam Bộ từ khi có Đồng Nai - Gia Định cho đến Cách mạng Tháng Tám thành công.
- Phần thứ nhất: Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954).
- Phần thứ hai: Nam Bộ kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954 - 1975).
- Phần thứ ba: Lịch sử chiến tranh chống Khmer Đỏ xâm lược, bảo vệ Tổ quốc trên hướng Tây Nam (5-1975 - 12-1978).
- Tổng luận 30 Nam Bộ kháng chiến.
Ngoài chính sử, công trình “Lịch sử Nam Bộ kháng chiến” có kèm hai tập “Biên niên sự kiện lịch sử Nam Bộ kháng chiến 1945 - 1975” và “Những vấn đề chính yếu trong lịch sử Nam Bộ kháng chiến” gồm những chuyên đề mang tính tổng hợp để soi sáng thêm chính sử như: Phong trào nông dân và vấn đề ruộng đất, nông thôn; Phong trào cách mạng ở đô thị; Phong trào các dân tộc thiểu số; Hoạt động yêu nước của đồng bào các tôn giáo; Phong trào phụ nữ; Vấn đề kinh tế - tài chính; Mặt trận văn hóa, văn nghệ, báo chí; Vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang và đấu tranh vũ trang; Cuộc đấu tranh trong các nhà tù…
Với số lượng lớn về tư liệu lịch sử, về nhiều sự kiện, nhân vật, con số… được khái quát trong hàng nghìn trang in khổ lớn; chứa đựng nội dung hết sức phong phú và đa dạng rất nhiều hoạt động về cuộc kháng chiến cứu nước đầy gian khổ, hy sinh anh dũng của đồng bào, đồng chí ở vùng đất Nam Bộ liên tục suốt gần một phần ba thế kỷ (1945 - 1975); Bộ sách “Lịch sử Nam Bộ kháng chiến” đã phản ánh, khắc ghi trung thực những chiến công lừng lẫy của quân dân Nam Bộ đã được cả nước và thế giới ngưỡng mộ, ngợi ca; là bộ sách lịch sử quý giá đóng góp vào kho tàng những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.
Quý bạn đọc có thể tra tìm các quyển sách này tại Thư viện TP. Cần Thơ với các mã số:
1. Lịch sử Nam Bộ kháng chiến.- Tập 1 : 1945 - 1954 (956 trang)
- Ký hiệu phân loại: 959.7041 / L302S;
- PHÒNG ĐỌC: DL.011030
2. Lịch sử Nam Bộ kháng chiến.- Tập 2 : 1954 - 1975 (1666 trang);
- Ký hiệu phân loại: 959.7041 / L302S;
- PHÒNG ĐỌC: DL.011031
3. Biên niên sự kiện lịch sử Nam Bộ kháng chiến 1945-1975 (1042 trang)
- Ký hiệu phân loại: 959.7041 / B305N
- PHÒNG ĐỌC ĐỊA CHÍ: DC.002054
- PHÒNG ĐỌC: DL.011281
4. Những vấn đề chính yếu trong lịch sử Nam Bộ kháng chiến (1319 trang)
- Ký hiệu phân loại: 959.7041 / NH556V
- PHÒNG ĐỌC: DL.011032
- PHÒNG ĐỌC ĐỊA CHÍ: DC.002053