Văn hoá nước và hàng hải thời cổ của Việt Nam: Nghiên cứu văn hoá / Vũ Hữu San. - H. : Phụ nữ, 2017. - 626tr. : Minh hoạ; 24cm

Thứ sáu - 18/09/2020 03:55 2.408 0
Văn hoá nước và hàng hải thời cổ của Việt Nam: Nghiên cứu văn hoá / Vũ Hữu San. - H. : Phụ nữ, 2017. - 626tr. : Minh hoạ; 24cm
Trong lịch sử phát triển của mỗi dân tộc, môi trường sống là một trong những yếu tố cốt lõi tạo nên nền văn hóa dân tộc. Việt Nam là đất nước với chiều dài hơn ba ngàn cây số đường biển và khoảng gần bốn ngàn các hòn đảo lớn nhỏ. Dân cư sống trên những vùng đất ấy khá đông đúc và lâu đời nên đã để lại một kho tàng di sản văn hóa gắn với biển đảo vô cùng lớn  và giá trị. 
Quyển sách “Văn hoá nước và hàng hải thời cổ của Việt Nam” của nhà nghiên cứu văn hóa Vũ Hữu San, Nxb. Phụ Nữ ấn hành năm 2017 là tài liệu nghiên giúp bạn đọc tìm hiểu về môi trường sinh sống và văn hóa của ông cha ta thuở xưa với bao điều thú vị, bổ ích.
Với độ dày 626 trang, quyển sách chuyển tải đến bạn đọc 12 chương gồm: 
Chương 1 và chương 2 gồm những bài viết về hàng hải được xem là thành phần căn bản của văn hóa dân tộc, là truyền thống lâu đời của Việt Nam. Qua tổng hợp nghiên cứu, tác giả làm sáng tỏ các vấn đề như: Vận tải thủy, mạch sống của dân ta; Sự thiếu sót trong sử liệu Tây phương; Đóng góp của người Pháp cho ngành tiền sử Việt Nam; Hán Nho và Việt Nho; Văn minh nước của Đông Nam Á rất cổ xưa; Hàng hải và rễ văn hóa bản địa của dân tộc; Lãnh thổ ôm dài theo bờ biển; Nước: Một hướng đi trở lại cội nguồn; Môi trường nước và bản chất dân tộc; Người Việt sinh hoạt với biển; giang hồ và hiếu khách; Truyền thống nước và tín ngưỡng; Người Việt cổ là những ngư dân tài giỏi từ cổ thời; Giải trí cũng trên sông, trên nước; Hàng hải và tinh thần thượng võ; Hàng hải trong dòng sinh mạng của dân tộc;...
Cho thấy: “Sinh sống tại một ngã tư quốc tế, dân tộc Việt có nhiều sinh hoạt về văn hóa thật là độc đáo. Trong buổi bình minh của nhân loại, người dân Đông Nam Á mà trong đó đáng kể nhất là người Việt, đã đi đầu trong các sinh hoạt hàng hải và có nhiều thành tựu về vận chuyển đường thủy đã thực sự đóng góp rất nhiều cho văn minh của nhân loại".
Chương 3 trình bày những nghiên cứu, nhận định mới về Đông Nam Á và Việt tộc qua các bài viết như: Nông nghiệp, ngư nghiệp và văn minh; Địa hình và các đặc điểm của văn hóa Đông Nam Á; Từ trung tâm, người Đông Nam Á phân tán các nơi; Đông Nam Á, nơi phát triển hàng hải sớm nhất; Thể chế tù trưởng Việt thành hình đầu tiên ở Đông Nam Á: Việt chủng cổ nhất Đông Nam Á;
Chương 4 trình bày những phát minh của dân Việt về ghe thuyền ảnh hưởng đến lịch sử thế giới với các nội dung như: Khái quát lịch sử ghe thuyền; Đặt lại vấn đề: Công lao của người Việt; Phát minh bánh lái; Chế tác buồm; Kiến trúc tàu thuyền và cách sắp xếp đồ đạc trên thuyền; Phát minh cây xiếm; Outrigger (thân phụ nằm bên ngoài phần thân chính yếu của thuyền); Mái chèo;… Bên cạnh đó nêu bật tính cách nhân bản trong sinh hoạt hàng hải Việt, đó là tính cách nhân bản và thiên nhiên. Tuy “giang sơn nào anh hùng nấy” nhưng dân Việt không làm hải tặc, không chứng cớ nào cho thấy tổ tiên ta về cướp bóc tài sản hay bắt bớ nô lệ dù chỉ chèo thuyền. Phát minh như buồm, xiếm… mục đích là lợi dụng sức gió thay cho sức người khỏi phải lao lực trên mái chèo. Kiến trúc tàu bè mềm dẻo hấp thụ sức mạnh của sóng gió, nhờ đó thuyền được bền bỉ và cũng giúp thuỷ thủ đỡ mệt mỏi vì sức dội. 
Và một tính cách nhân bản của người Việt nữa đó là tính cách thảo mộc. Mặc dù là giống dân tiên phong về luyện kim, nhưng cho đến thời đại gần đây, người Việt Nam vẫn hoàn toàn không dùng đến kim loại, dù chỉ là một chiếc đinh khi đóng ráp ghe thuyền. Người Việt yêu thích nước và cũng yêu cây cỏ, dùng cây làm thuyền, xem thuyền như bạn quý và cũng dùng cây cỏ để đóng ráp, tu bổ giữ gìn ghe thuyền bền lâu. 
Chương 5 viết về những thành tích hàng hải của tiền nhân như qua các nội dung như: Người Việt đè bẹp bão tố; Thủy thủ Việt trong báo cáo của John Crawfurd; Nhận xét của John White; Người Việt từng xuyên dương hàng ngàn năm trước; Dân số và tầm quan trọng của dân tộc Việt thời cổ;
Chương 6, chương 7, chương 8 và chương 9 trình bày các nghiên cứu gồm: Người Việt thời cổ và hàng hải; Ảnh hưởng Đông Sơn và văn hóa Việt Nam qua các đại dương theo quan điểm hàng hải; Những thăng trầm trong hàng hải và sinh hoạt biển của Việt Nam; Người Việt và người Trung Hoa thời cổ trong giả thuyết dân Á Đông vượt Thái Bình Dương.
Chương 10 giải đáp cho câu hỏi “Hải quân Việt Nam có từ khi nào?” qua các nội dung như: Vua Rồng Lạc, hình ảnh vị thánh tổ khai sinh hải quân; Hình bóng người lính đầu tiên trong quân sử; Địa bàn sinh hoạt và truyền thống thủy chiến của dân tộc; Trống đồng Đông Nam Á và môi trường nước của cổ Việt Nam; Cổ Loa, một căn cứ hải quân quan trọng; Câu nói: Giữ nước và giữ đất
Chương 11 trình bày các nội dung liên quan đến hàng hải và nguồn gốc của dân tộc như: Những giả thuyết về nguồn gốc dân tộc Việt Nam; Dân Việt trong môi trường Đông Nam Á; Nơi khai sinh ra nền Văn minh Nước và Văn minh thực vật; Việt ngữ: Gạch nối nhiều ngôn ngữ; Biển Đông không chia cắt mà còn nối các dân tộc quanh vùng với nhau; Gốc, rễ và một giả thuyết có giới hạn; Việt là Việt; Chứng tích khảo cổ; Tâm lý và bản tính bản địa:
Chương 12 với tiêu đề “Nước và Triết lý” tập hợp những bài viết ý nghĩa như: Triết lý cuộc đời; Hãnh diện làm người Việt Nam; Triết lý qua tục ngữ, ca dao; Gốc rễ Biển Đông của người Việt theo thuyết Meacham; Triết lý Hòa Bình và Đông Sơn; Truyền thống thương mại; Bốn biển đều là anh em; Can đảm và kỷ luật; Người hành thủy vốn hào phóng và hiếu khách; Địa vị của người phụ nữ; Cần xây dựng một hệ thống lý thuyết cho có quy củ;
Cuối quyển sách còn có 7 bản phụ lục gồm: Thuật ngữ hàng hải của dân ta; Cây xiếm thần lái bè tự động; Nét độc đáo của ghe bầu và bè mảng xứ ta; Văn hóa Nước từ sinh hoạt biển đi vào; Địa lý thiên nhiên của biển, đảo và duyên hải Bắc Bộ; Vịnh Bắc Bộ, nơi khai nguyên hàng hải.
Đọc sách, các bạn sẽ biết được nguồn gốc, đặc tính của dân tộc Việt Nam gắn bó mật thiết với môi trường nước và là dân tộc tiên phong trong sinh hoạt hàng hải thời cổ ở ngoài biển, trên sông, trên mặt nước. Như tác giả đã viết: “Cho đến nay, có thể thấy rằng điều may mắn và niềm hạnh phúc chung của toàn thể người Việt Nam chúng ta là cùng được thừa hưởng một nền văn hóa cổ xưa, thực sự có tính nhân bản do tiền nhân để lại”. Vì thế, hiểu biết về nguồn gốc dân tộc gắn liền với văn hóa Nước, văn hóa biển đảo là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam yêu quê hương đất nước, góp phần thiết thực vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Các bạn hãy tìm đọc quyển sách “Văn hoá nước và hàng hải thời cổ của Việt Nam” tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số: 
▪ Ký hiệu phân loại: 306.09597 / V115H
▪ PHÒNG ĐỌC: DL.016539; ▪ PHÒNG MƯỢN: MA. 018716

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây