Việt Nam trung hiếu nghĩa tình / Vũ Ngọc Khánh. - H. : Văn hoá dân tộc, 2019. - 343tr.; 21cm

Chủ nhật - 06/09/2020 22:39 2.226 0
Việt Nam trung hiếu nghĩa tình / Vũ Ngọc Khánh. - H. : Văn hoá dân tộc, 2019. - 343tr.; 21cm
Trải qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, các thế hệ người Việt Nam với lòng yêu nước, tinh thần tự lực tự cường và những đức tính truyền thống tốt đẹp đã tạo nên bản sắc dân tộc. Trong đó, trung hiếu, nghĩa tình là hai đức tính tiêu biểu trong tính cách con người Việt Nam. 
Quyển sách “Việt Nam trung hiếu nghĩa tình” do Vũ Ngọc Khánh biên soạn, Nxb. Văn hoá dân tộc ấn hành năm 2019 giới thiệu đến bạn đọc những tấm gương yêu nước, những câu nói bất hủ và đạo hiếu nghĩa của các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam.
Sách dày 343 trang gồm 2 phần:
Phần 1 “Người Việt Nam trung hiếu” trình bày những câu nói tiêu biểu của các danh nhân nước ta về đạo trung hiếu. Đó là câu nói nổi tiếng của nữ tướng Triệu Thị Trinh: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”. Hay lời khẳng khái của danh tướng Trần Bình Trọng: “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Và còn rất nhiều câu nói nổi tiếng của các nhân vật như: Lê Văn Thịnh, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Công Trứ, Từ Dũ, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can, Phạm Tất Đắc... Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có câu thơ nổi tiếng được lưu truyền: “Thờ nước xin hết đạo trung, xin đem đạo hiếu hết lòng thờ dân”. Qua đây cho thấy tư tưởng trung hiếu luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là sức mạnh vô hình bền bỉ của dân tộc ta từ xưa đến nay. 
Phần 2 “Người Việt Nam nghĩa tình” giới thiệu những câu chuyện về tình yêu, tình vợ chồng, tình mẹ, tình cha con, tình thầy trò, anh em, bạn bè. Đó là những câu chuyện nổi tiếng từ xưa đến nay như: Tháp Báo Ân, Đá trông chồng, Quan âm Thị Kính, Kim Thạch kỳ duyên, Bà mẹ Vạn Hà, Người thầy học của Phan Bá Vành, Suối Phi Khanh, Hai cha con cùng ngồi tù Côn Đảo, Vượt thầy là trả ơn thầy;.... Thông qua những câu chuyện này cho thấy bên cạnh chữ “trung”, chữ "hiếu" mà ông cha ta đã lấy làm phương châm sống và phục vụ, thì chữ "nghĩa" , chữ “tình” cũng giữ vai trò cốt lõi trong các mối quan hệ ứng xử của người Việt. Đó là những đức tính tốt đẹp, là tấm chân tình hồn hậu của người Việt, nhờ đó mà người Việt có thể sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn, có thể chịu đựng mọi gian khổ, khó khăn để hướng đến những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng. Những đức tính đó đã trở thành truyền thống được các thế hệ người Việt Nam gìn giữ để củng cố, phát triển quan hệ xã hội và hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân.
Quý vị và các bạn hãy tìm đọc quyển sách “Việt Nam trung hiếu nghĩa tình” tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số: 
▪ Ký hiệu phân loại: 959.7009 / V308N
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.055834
▪ PHÒNG MƯỢN: MG.009498; MG.009499

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây