Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những đồng bằng châu thổ lớn trên thế giới, có vai trò rất quan trọng không thể thiếu với đối với quốc gia. Tuy nhiên, cũng như sự tồn tại của các đồng bằng châu thổ trên thế giới đang bị đe dọa với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, nước biển dâng sụn lún đất, thành phố ngập nước, hạn hán, đất đai nhà cửa sụp xuống sông, xuống biển, chim cá dần vắng bóng, nước sông không còn bơi lội được và uống được như xưa, đất đai bạc màu, đồng bằng sông Cửu Long cũng đang đối diện với nhiều thách thức như thế. Làm sao để nhận diện và có những giải pháp ứng phó với những vấn đề này?
Quyển sách “Chuyện đất - Chuyện nước Cửu Long” của ba tác giả Lê Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Thiện, Trương Hoà Hội, Nxb. Nông nghiệp ấn hành năm 2019 sẽ góp phần giúp bạn đọc nhận diện và trả lời cho câu hỏi trên.
Sách dày 192 trang, gồm những bài viết ngắn, trình bày tâm tư của các tác giả, những người am hiểu và tâm huyết với đồng bằng, dẫn dắt bạn đọc vào vùng đất này để hiểu hơn về đất, nước, phù sa, sông ngòi, cây cỏ, con chim, con cá và con người ở đây; những mối đe dọa, thách thức phát sinh tại chỗ, từ phía thượng nguồn và từ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Làm sao để gìn giữ cơ nghiệp khai phá đồng bằng sông Cửu Long của ông cha và hướng tới một tương lai thịnh vượng, bền vững cho miền đất này. Các tác giả nêu nhận định: “Đồng bằng châu thổ có đặc điểm riêng về sông nước, tương tác giữa sông và biển theo nhịp thời gian tạo nên nền tảng của sự sống, của muôn loài và sự mưu sinh, lối sống của con người và cả tính cách của họ nữa. Do thiên nhiên tạo nên, ở đồng bằng châu thổ có những quy luật tự nhiên nên được chiêm nghiệm, cảm thông để ứng xử, sống hòa thuận với thiên nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào những quy luật của tự nhiên để khỏi phải trả giá đắt. Mà con người dù tài giỏi đến đâu, cũng khó cãi lại thiên nhiên. Đối với đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển đồng bằng sông Cửu Long, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhấn mạnh quan điểm “thuận thiên, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên” được các tác giả xem là quan điểm sáng giá, mang lại hy vọng mới cho tương lai đồng bằng sông Cửu Long. Một số bài viết của các tác giả đưa ra thảo luận cách hiểu và thực hiện Nghị quyết này như: Người Châu thổ Cửu Long sống hài hòa với nguồn nước và thiên nhiên; Thượng nguồn đắp đập, hạ nguồn… lâm nguy; Câu chuyện thay đổi cộng đồng; Hệ sinh thái Đồng Tháp Mười: ráng mà giữ lấy nhé! Ứng xử ra sao khi “môi trường đã đến ngưỡng không thể chịu đựng”? Nước sạch - Điều kỳ diệu từ cây chùm ngây; Làm giàu trên vùng “đất dữ”; APEC ứng phó biến đổi khí hậu; Vận động quốc tế ủng hộ hạn, mặn ở Việt Nam; ASEM hỗ trợ Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu; Luồng gió tư duy mới cho đồng bằng sông Cửu Long,...
Các bạn hãy tìm đọc quyển sách “Chuyện đất - Chuyện nước Cửu Long” để cùng nghe các tác giả kể chuyện đồng bằng. Sách được thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 577.095978 / CH527Đ
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.56440
▪ PHÒNG MƯỢN: MC.5736; MC.5738; MC.5737