Năm 1959, Cơ quan nghiên cứu về chiến tranh của Mỹ có trụ sở tại Fort Dietrict, bang Maryland, đã tổ chức diễn tập “thành công” việc rải hỗn hợp các chất butyl ester 2,4-D và 2,4,5 -T để phá hủy mùa màng. “Thành công” này nhanh chóng được Bộ Quốc phòng Mỹ ghi nhận và bắt đầu xây dựng chương trình rải các chất diệt cỏ và gây rụng lá tại chiến trường miền Nam Việt Nam.
Ngày 15/1/1961, sau khi nhậm chức Tổng thống, J.F.Kennedy đã nhóm họp với Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ và tuyên bố: “... để ngăn chặn cộng sản xâm lược miền Nam Việt Nam, tôi tuyên bố dùng chất diệt cỏ và các kỹ thuật mới khác để kiểm soát các đường bộ và đường thủy dọc biên giới Việt Nam”. Ngay sau đó, các trang thiết bị và một số khối lượng khổng lồ chất độc được chuyển vào miền Nam Việt Nam. Ngày 10/8/1961, chuyến bay rải chất độc đầu tiên được thực hiện dọc quốc lộ 14, phía Bắc thị xã Kon Tum. Chính vì vậy, ngày 10/8 đã được lấy làm “Ngày vì nạn nhân chất độc da cam” ở Việt Nam.
Trong vòng 10 năm từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt Nam hàng trăm triệu lít các chất độc hóa học với hàm lượng dioxin rất lớn, trong đó chất da cam được sử dụng nhiều nhất. Hàng nghìn thôn làng Việt Nam đã bị rải trực tiếp chất độc hóa học. Tác hại ghê gớm của chất độc hóa học có dioxin đã gây ra quái thai, đột biến gen, gây độc hại với các tế bào, đặc biệt là tế bào não, thận, gan, tim, gây ngộ độc phổi, ung thư, gây rối loạn nhiều quá trình trao đổi chất khác nhau trong tế bào và tác động gián đến bộ máy duy truyền tế bào. Cho đến nay, những triệu chứng liên quan tới dioxin vẫn xuất hiện thường xuyên ở Việt Nam. Trẻ em sinh ra từ các gia đình có người bị nhiễm độc (thuộc thế hệ thứ 3) vẫn bị các dị tật có thể kết luận là do ảnh hưởng của dioxin. Một số nghiên cứu còn cho thấy: dioxin vẫn còn trong đất và các nguồn nước, các hoạt động nông nghiệp trong các vùng bị nhiễm độc cũng có khả năng gây ảnh hưởng đến người. Hàng vạn gia đình Việt Nam đang phải gánh chịu hậu quả vô cùng nặng nề của chất độc da cam.
Đảng và Nhà nước ta có những chính sách giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam, giúp họ chữa bệnh, tạo điều kiện để cuộc sống của họ đỡ khó khăn hơn. Tuy nhiên, những nạm nhân chất độc da cam không chỉ cần sự nhân đạo mà cần phải có công lý.
Quyển sách “Trách nhiệm về hậu quả chất da cam/dioxin ở Việt Nam : Cơ sở pháp lý và phương pháp đấu tranh” do Nguyễn Như Phát, Nguyễn Thị Việt Hương đồng chủ biên, Nxb. Khoa học xã hội ấn hành năm 2016 sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về vấn đề này.
Sách dày 302 trang, bố cục gồm 3 phần:
Phần 1 trình bày các nội dung: Pháp luật Hoa Kỳ về trách nhiệm của Chính phủ và các công ty hóa chất đối với hậu quả do việc sử dụng chất da cam/dioxin trong chiến tranh; Pháp luật quốc tế về trách nhiệm của Chính phủ và các công ty hóa chất đối với hậu quả do việc sử dụng chất da cam/dioxin trong chiến tranh; Cơ sở pháp lý quốc tế và Việt Nam về sự hiện diện của Quân đội nhân dân Việt Nam tại miền Nam Việt Nam trong thời gian chiến tranh.
Phần 2 đề cập các vấn đề như: Khía cạnh pháp lý và kinh nghiệm về phương pháp giải quyết các yêu cầu Chính phủ và các công ty hóa chất Hoa Kỳ bồi thường thiệt hại do việc sử dụng chất da cam/dioxin trong chiến tranh gây ra; Kinh nghiệm về phương pháp đòi bồi thường thiệt hại từ một số vụ kiện công ty hóa chất Hoa Kỳ của nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại tòa án ở Hoa Kỳ và tại tòa án Hàn Quốc; Kinh nghiệm về phương pháp hợp tác với các tổ chức, cá nhân nước ngoài yêu cầu Chính phủ và các công ty hóa chất Hoa Kỳ bồi thường thiệt hại do việc sử dụng chất da cam/dioxin trong chiến tranh gây ra đối với con người và môi trường Việt Nam.
Phần 3 trình bày quan điểm, phương án và giải pháp tiếp tục đấu tranh yêu cầu Chính phủ và các công ty hóa chất Hoa Kỳ chịu trách nhiệm về hậu quả do việc sử dụng chất da cam/dioxin trong chiến tranh gây ra đối với con người và môi trương Việt Nam.
Có thể thấy, đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân da cam không chỉ vì quyền lợi riêng của họ. Đây còn là cuộc đấu tranh của cả nhân loại để bảo vệ lấy loài người, bảo vệ hành tinh xanh - cái nôi duy nhất trong vũ trụ của loài người. Việc đẩy mạnh nghiên cứu tìm kiếm cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục yêu cầu Chính phủ và công ty hóa chất Hoa Kỳ có trách nhiệm đối với hậu quả gây ra cho các nạn nhân da cam và môi trường Việt Nam là điều hết sức cần thiết đã được Đảng và Nhà nước ta xác định.
Bạn đọc tra tìm quyển sách “Trách nhiệm về hậu quả chất da cam/dioxin ở Việt Nam : Cơ sở pháp lý và phương pháp đấu tranh” tại Thư viện TP. Thành phố Cần Thơ để biết thêm chi tiết về nội dung này. Sách được phục vụ bạn đọc với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 363.1709597 / TR102NH
▪ PHÒNG ĐỌC: DL.015870
▪ PHÒNG MƯỢN: MA.017550; MA.017551