Trong quá trình lao động sản xuất và đấu tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ lãnh thổ, biển đảo đã thực sự trở thành một bộ phận chặt chẽ trong không gian sinh tồn của dân tộc Việt Nam. Cù lao Ré là một trong những hòn đảo thuộc duyên hải miền Trung sớm được người Việt chinh phục làm cơ sở sinh cơ lập nghiệp. Từ đất liền và ở Cù Lao Ré, cư dân Việt tiến ra khai thác vùng Biển Đông đã phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là cơ sở đặc biệt quan trọng để xác lập và thực thi chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo này. Cùng với các xã gốc bên cửa biển Sa Kỳ, Cù Lao Ré trở thành bộ phận quan trọng trong không gian quê hương của đội Hoàng Sa, là địa phương điển hình gắn bó máu thịt giữa đất liền và hải đảo – lực lượng thực thi và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Năm 2020, công trình nghiên cứu “Cù lao Ré – quê hương của đội Hoàng Sa (Từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX)” của Tiến sĩ Dương Hà Hiếu đã được Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội in thành sách với độ dày 313 trang.
Sách gồm 6 chương, cung cấp những luận chứng, luận cứ vững chắc khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông.
Chương 1 giới thiệu các nội dung tổng quan về Cù lao Ré như: Điều kiện tự nhiên; Tên gọi, vị trí địa lý, địa hình và khí hậu; Tài nguyên thiên nhiên; Lịch sử tụ cư trên Cù lao Ré; Cư dân văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa và quá trình khai phá định cư của cư dân Việt.
Chương 2 trình bày các nội dung như: Đời sống kinh tế của cư dân Cù lao Ré từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX; Nông nghiệp; Ngư nghiệp; Thủ công nghiệp; Thương nghiệp; Tô thuế; Tổ chức xã hội Cù lao Ré từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX; Từ thế kỷ XVII đến trước năm 1804; Từ năm 1804 đến giữa thế kỷ XIX.
Chương 3 giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn về quá trình khai chiếm, lao động sản xuất và xây dựng đời sống văn hóa mang đậm chất biển đảo của cư dân qua các nội dung như: Đời sống văn hóa vật chất của cư dân Cù lao Ré; Kiến trúc; Ẩm thực; Phương tiện đi lại; Đời sống văn hóa tinh thần của cư dân Cù lao Ré; Phong tục tập quán; Tôn giáo và tín ngưỡng; Một số lễ hội tiêu biểu.
Chương 4 trình bày quá trình xác lập và thực thi chủ quyền Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa của cư dân Cù lao Ré từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX: Sự ra đời và hoạt động của đội Hoàng Sa thời chúa Nguyễn và Tây Sơn; Thời điểm ra đời và quê hương của đội Hoàng Sa; Cư dân Cù lao Ré trong đội Hoàng Sa thời các chúa Nguyễn và Tây Sơn; Cư dân Cù lao Ré trong hoạt động bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dưới triều Nguyễn đến giữa thế kỷ XIX; Dưới thời vua Gia Long (1802 – 1820); Dưới thời vua Minh Mạng (1820 – 1840) và Thiệu Trị (1840 – 1847). Qua đây góp phần làm sáng tỏ về sự ra đời, hoạt động và nhiệm vụ của đội Hoàng Sa cũng như những đóng góp của các thế hệ cư dân Cù lao Ré trong công cuộc gìn giữ và bảo vệ chủ quyền biển đảo nước ta.
Ngoài ra còn có các phụ lục và tài liệu là minh chứng rõ ràng về cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời vạch trần và phê phán những âm mưu, luận điệu xuyên tạc về chủ quyền biển đảo Việt Nam.
“Cù lao Ré - Quê hương của đội Hoàng Sa” là tài liệu có ý nghĩa thiết thực góp phần vào công cuộc đấu tranh nhằm khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông hiện nay. Đồng thời giúp thế hệ trẻ hiểu biết về lịch sử nước nhà và nâng cao ý thức, hành động giữ gìn và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ mà ông cha ta đã để lại.
Các bạn hãy tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 959.753 / C500L
▪ PHÒNG MƯỢN: MG.010418 MG.010419