Dấu ấn khơi dòng văn hoá Việt / Lê Minh Quốc. - Tp. Hồ Chí Minh : Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2020. - 687tr. : Ảnh, tranh vẽ; 24cm

Thứ tư - 09/03/2022 05:00 1.389 0
Dấu ấn khơi dòng văn hoá Việt / Lê Minh Quốc. - Tp. Hồ Chí Minh : Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2020. - 687tr. : Ảnh, tranh vẽ; 24cm
“Văn hóa là một bộ phận không thể tách rời của cuộc sống và nhận thức - một cách hữu thức cũng như vô thức - của các cá nhân và các cộng đồng. Văn hóa là tổng thể các hoạt động sáng tạo trong quá khứ và trong hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên một hệ thống các giá trị, các truyền thống và các thị hiếu - những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc. Vì vậy văn hóa nhất định sẽ ghi dấu ấn của mình lên hoạt động kinh tế của con người và xác định những mặt mạnh, mặt yếu riêng của các quá trình sản xuất trong xã hội. 
... Một sự phát triển chân chính đòi hỏi phải sử dụng một cách tối ưu nhân lực và vật lực của một cộng đồng. Vì vậy phân tích đến cùng, các trọng tâm, các động cơ và các mục đích của phát triển phải được tìm trong văn hóa…
Từ nay trở đi, văn hóa cần coi mình là một nguồn cổ xúy trực tiếp cho phát triển; và ngược lại phát triển cần thừa nhận văn hóa giữ một vị trí trung tâm, một vai trò điều tiết xã hội”.
Federico Mayor Zaragoza
(Tổng Giám đốc UNESCO giai đoạn 1978 - 1999)
 
“Dấu ấn khơi dòng văn hoá Việt” là quyển sách của nhà văn, nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc viết về các nhân vật lịch sử đã có nhiều công lao trong quá trình dựng nước, giữ nước và xây dựng phát triển văn hóa dân tộc. Sách do Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh xuất bản năm 2020 với 687 trang, nội dung gồm 5 chương: 

Chương 1 viết về Vua Hùng và Tứ bất tử (Thánh Tản Viên, Đức Thánh Gióng, Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Chử Đồng Tử) - các bậc tiền nhân có công khai sinh, gây dựng, phát triển đất nước ta từ buổi đầu.

Trong đó, Vua Hùng là biểu tượng cho sự đoàn kết, thống nhất của dân tộc Việt, là cội nguồn mở đầu cho dòng chảy lịch sử văn hóa  hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Khi nhớ về cội nguồn dân tộc mình, người Việt dù ở chân trời góc biển nào, cũng luôn nhớ đến vị Tổ đầu tiên là Vua Hùng với câu ca dao mộc mạc, chân tình, in sâu vào trí nhớ nhiều thế hệ: 
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.

Và tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng của Việt Nam đã được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2012) vì nét đẹp của đạo lý tôn kính tổ tiên, lòng tự tôn dân tộc và ý nghĩa gắn kết cộng đồng.

Chương 2 viết về các vị Tổ ngành nghề truyền thống Việt Nam như: tổ nghề nông, nghề rừng, nghề y, các ngành nghề mộc, ngân khố, dệt lụa, thêu thùa, dệt chiếu, kim hoàn, đúc đồng, gốm, in ấn, ca hát, thủ công mỹ nghệ,… Và sau này có những người tiên phong trong các ngành nghề mới du nhập vào Việt Nam đầu thế kỷ XX như: nghề kéo xe, làm đèn, tráng gương, làm diêm, làm mũ, hồ là quần áo, nghề làm thủy tinh, làm nước đá... Qua đây phản ánh rõ nét sức lao động, sáng tạo vượt bậc của ông cha ta và đạo lý của người Việt là luôn biết ơn tất cả những vị đã góp phần tạo dựng, cải tiến nâng cao nghề nghiệp phát triển đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng.

Chương 3 giới thiệu về những danh tài sáng tạo tiên phong với các dấu ấn như: Thoại Ngọc Hầu đào dòng kinh Vĩnh Tế phương Nam: Nguyễn Hữu Thận làm ra lịch Hiệp kỷ của người Việt Nam thay thế cho lịch Trung Quốc; Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ bào chế thuốc Tây cho người Việt Nam; Trần Chánh Chiếu lập tập đoàn kinh tế đầu tiên ở Việt Nam; Bạch Thái Bưởi khai thác vận tải đường thủy đầu thế kỷ XX; Nguyễn Lộc sáng lập môn phái Vovinam;...Dấu ấn đó, còn kể đến những con người tài hoa, uyên bác vì yêu nghề, yêu nước thương dân đã góp công sức chế tạo ra vũ khí đánh giặc, giữ nước như Hồ Nguyên Trừng, Cao Thắng, Trần Đại Nghĩa...

Chương 4  ghi chép về một số cột mốc khơi dòng nghệ thuật hiện đại như: Đặng Huy Trứ đưa nhiếp ảnh vào Việt Nam; Tống Hữu Định “khai sơn phá thạch” nghệ thuật cải lương; Cao Văn Lầu cha đẻ của bài “vọng cổ”; Lương Văn Can khởi xướng nền giáo dục theo lối mới; Nguyễn Đình Nghị hiện đại hóa sân khấu chèo; Vũ Đình Long mở đầu kịch nói Việt Nam; Tạ Duy Hiển làm mới nghệ thuật xiếc; Nam Sơn xây dựng nền tảng Trường Mỹ Thuật; Phan Khôi khởi đầu Thơ mới; Nguyễn Văn Tuyên cổ vũ cho nền tân nhạc; Đàm Quang Thiện với khát vọng người Việt làm phim Việt. 

Qua đó, tác giả đã đưa ra nhận định về văn hóa nghệ thuật hiện đại: “Đầu thế kỷ XX ở nước Nam ta, sự cọ xát, va chạm của hai nền văn hóa Đông - Tây nảy sinh ra một thế hệ trí thức mới, lớp công chúng mới. Họ sẵn sàng tiếp thu cái mới, đòi hỏi người nghệ sĩ phải cải tiến, nâng cao di sản cũ để phù hợp thời đại mới. Thật vậy, một khi ý thức hệ tư sản ra đời đã dẫn đến những thay đổi về tâm lý, nếp sống trong một lớp người mới, những “Tứ thư, Ngũ kinh, “Khổng viết”… không còn là “khuôn vàng thước ngọc”. Họ đòi hỏi nội dung văn nghệ, phải đáp ứng thị hiếu mới, mỹ cảm mới, cảm xúc mới. Từ đó, mỹ thuật theo lối vẽ, sắc màu, kỹ thuật phương Tây; thơ mới; kịch nói, xiếc v.v… dần được công chúng tiếp cận. Thậm chí, ngay cả loại hình văn nghệ có tính truyền thống như chèo cổ (Bắc Bộ), đờn ca tài tử (Nam Bộ) cũng phải thay đổi về nội dung, hình thức mới đặng phù hợp với nhu cầu, đòi hỏi bức thiết của công chúng”.

Chương 5 với tiêu đề “Nước non nặng một lời thề” viết về Nguyễn Du và văn hóa Truyện Kiều; Nguyễn Đình Chiểu và văn hóa Lục Vân Tiên. 

Tìm đọc quyển “Dấu ấn khơi dòng văn hoá Việt”, các bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức và nâng cao nhận thức giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc. 
Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số: 
▪ Ký hiệu phân loại: 959.7009 / D125Â
▪ PHÒNG ĐỌC: DL.019014
▪ PHÒNG MƯỢN: MG.010411; MG.010412

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây