Dinh Độc Lập - Lịch sử và biến động / Hồ Sơn Đài chủ biên. - H. : Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2018. - 337tr.; 24cm

Thứ bảy - 25/04/2020 21:00 2.205 0
Dinh Độc Lập - Lịch sử và biến động / Hồ Sơn Đài chủ biên. - H. : Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2018. - 337tr.; 24cm

     Trải qua bao thăng trầm, Dinh Độc Lập trở thành một di tích quốc gia đặc biệt, nơi diễn ra và chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử lớn, tác động trực tiếp đến tiến trình lịch sử dân tộc. Đặc biệt, đây là nơi ghi dấu thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
     Quyển sách “Dinh Độc Lập - Lịch sử và biến động” do Hồ Sơn Đài chủ biên, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật ấn hành năm 2018 là quyển sách đầu tiên tái hiện khá đầy đủ và toàn diện lịch sử 150 năm Dinh Độc Lập (1868 – 2018), sẽ mang đến cho các bạn một cái nhìn khách quan, chân thực nhất về sự biến đổi của Dinh Độc Lập từ năm 1868 đến nay.
Sách dày 337 trang gồm 05 phần, làm rõ quá trình xây dựng cũng như đặc trưng kiến trúc của Dinh qua từng giai đoạn lịch sử, đồng thời, làm rõ cơ cấu tổ chức, hoạt động của các cơ quan, tổ chức đóng tại Dinh như: Phủ Thống đốc, Phủ Toàn quyền, Phủ Cao ủy, Phủ Tổng ủy, Phủ Tổng thống,…
       Theo đó, với mục đích cai trị lâu dài Việt Nam, năm 1868 chính quyền Pháp chọn khu đất rộng 12ha ngay giữa trung tâm thành phố Sài Gòn để xây dựng một dinh thự cho Thống đốc Nam kỳ. Công trình khởi công ngày 23/02/1868, khánh thành ngày 25/9/1869 nhưng tới năm 1875 mới hoàn tất việc trang trí. Sau khi xây dựng xong, công trình có tên gọi là Dinh Norodom. Trong giai đoạn này, những trang sách còn cung cấp cho bạn đọc thông tin về sự kiện Nhật đảo chính Pháp, chiếm Dinh Norodom, rồi quân Anh vào Sài Gòn và giành quyền kiểm soát Dinh từ tay Nhật.
      Tuy nhiên khi Pháp tái chiếm và thành lập Liên bang Đông Dương thì Dinh Norodom được sử dụng làm Phủ Toàn quyền Pháp tại đây. Trước khi rời khỏi Sài Gòn, thay mặt cho chính quyền Pháp tại Đông dương, Cao ủy Pháp - Đại tướng Paul Ely đã bàn giao Dinh Norodom cho đại diện chính quyền Sài Gòn thời ấy là Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Ngày 08/9/1954, ông Diệm đổi tên Dinh Norodom thành Dinh Độc Lập, trở thành cơ quan quyền lực tối cao và nơi ở của Ngô Đình Diệm cùng gia đình người em trai - cố vấn Ngô Đình Nhu.
        Sau sự cố Dinh Độc Lập bị ném bom vào năm 1962, diện mạo Dinh Norodom tồn tại đến thời điểm ấy là kết thúc. Sau đó, Dinh được xây dựng lại gắn liền với tên tuổi kiến trúc sư Ngô Viết Thụ và đội ngũ cộng sự. Dinh Độc Lập với diện mạo hiện nay được khánh thành vào ngày 31/10/1966.
       Như một chứng nhân lịch sử, Dinh Độc Lập chính là nơi đánh dấu điểm cuối cùng, kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh vào ngày 30/4/1975, và cũng là nơi diễn ra Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất đất nước tháng 11 năm 1975. Ngày nay, Dinh Độc Lập do Hội trường Thống Nhất thuộc Văn phòng Chính phủ quản lí, là di tích lịch sử - văn hóa, di tích quốc gia đặc biệt, nơi nghiên cứu khoa học, giáo dục, phổ biến tri thức và phục vụ nhu cầu tham quan của nhân dân trong nước và quốc tế.
        Cùng với các tư liệu lịch sử quý giá, dù bối cảnh chỉ diễn ra trong khuôn viên một công trình kiến trúc, nhưng qua từng trang sách, tác giả khéo léo đem đến cho bạn đọc bức tranh về sự biến động của xã hội Việt Nam qua một giai đoạn lịch sử đặc biệt.
      Quyển sách “Dinh Độc Lập - Lịch sử và biến động” hiện đang được phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ. Bạn đọc tra tìm tài liệu với mã số:
* Phòng Đọc:
- 959.7043 / D312Đ
- DL.017166
* Phòng Mượn:
- 959.7043 / D312Đ
- MG.009274

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây