Ngay từ năm 1947, vào thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm Đời sống mới. Khi đó toàn quốc kháng chiến chỉ mới bắt đầu được đúng 3 tháng, cách mạng còn non yếu, nhân dân ta còn đang tiếp tục chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm.
Tác phẩm là để chỉ đạo và động viên cuộc vận động xây dựng đời sống mới bắt đầu từ sau Cách mạng tháng Tám, nhằm xóa bỏ những trì kéo về tư duy và hủ tục mà chế độ thực dân và phong kiến để lại, giúp giải phóng sức mạnh của nhân dân một nước độc lập.
Năm 2020, Nhà xuất bản Trẻ đã ấn hành quyển sách “Đời sống mới” của Tân Sinh (bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Sách được in khổ nhỏ 13 cm với 58 trang, nội dung được kết cấu thành 19 phần, đánh số thứ tự từ I đến XIX, dung lượng gần 5.800 từ được viết dưới hình thức hỏi đáp với lời lẽ giải dị, dễ hiểu, cụ thể cho từng tầng lớp, lĩnh vực trong đời sống xã hội nên dễ áp dụng vào thực tế.
Qua tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện cái nhìn xa và hợp lý đối với việc xóa và xây, Người viết: “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ... Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý... Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm... Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm”.
Bác cũng viết về đời sống mới đối với từng cá nhân như sau:
Về tinh thần, một là sốt sắng yêu Tổ quốc. Việc gì lợi cho nước, phải ra sức làm. Việc gì hại cho nước, phải hết sức tránh.
Hai là sẵn lòng công ích...
Ba là mình hơn người chớ kiêu căng. Người hơn mình, thì chớ nịnh hót. Thấy của người thì chớ tham lam. Đối của mình thì chớ bủn xỉn.
Cách ăn mặc phải sạch sẽ, giản đơn, chất phác, chớ lượt thượt, xa xỉ, lòe loẹt.
Cách làm việc, phải siêng năng, có ngăn nắp, có tinh thần phụ trách, đã làm việc gì, thì làm cho kỳ được, làm đến nơi đến chốn. Chớ có làm dối.
Cách cư xử, đối với đồng bào thì nên thành thực, thân ái, sẵn lòng giúp đỡ.
Biết ham học.
... Ai cũng làm như thế, thì tự nhiên nước Việt Nam ta trở nên một nước mới, một nước văn minh.
Hay như Bác cũng đã đặt ra câu hỏi: “Những người giàu, đã sẵn sung sướng không cần làm đời sống mới. Những người nghèo không tiền, không của thì làm đời sống mới thế nào?”
Và ngay sau đó Người giải đáp thật dễ hiểu: “Không phải như vậy, càng giàu có, càng cần làm đời sống mới. Nếu một mình no ấm, mà nỡ để đồng bào xung quanh đói rét, đến khi giặc cướp lung tung, thì dù giàu cũng không hưởng được. Lại thí dụ: Nếu người giàu không giúp cho dân nghèo ăn ở đúng vệ sinh, đến khi có dịch bệnh thì người giàu cũng khó sống. Nghèo mà làm đời sống mới thì có ngày trở nên đầy đủ. Tục ngữ nói: “Tay siêng làm, thì hàm có nhai”. Siêng làm là một trong bốn điều đời sống mới.
Vì có làm thì nhất định có ăn. Tục ngữ lại nói: “Đói cho sạch, rách cho thơm”, mình dù nghèo, ai cấm mình ăn ở sạch sẽ? Sạch sẽ tức là một phần đời sống mới. Sạch sẽ thì ít đau ốm. Sức khỏe thì làm được việc, làm được việc thì có ăn. Xem đó thì biết rằng ai cũng nên làm đời sống mới”.
Có thể thấy, thông qua tác phẩm, những vấn đề cơ bản của đời sống mới, từ mục đích của đời sống mới, nội dung xây dựng đời sống mới với từng nhóm đối tượng và môi trường cụ thể (các ngành, các cấp, cơ quan, trường học, nhà máy, đơn vị bộ đội, từng địa phương, hộ gia đình, mỗi cá nhân...), cho đến phương châm và phương pháp xây dựng đời sống mới đã được đề cập vắn tắt, thiết thực, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện. Đặc biệt những vấn đề Hồ Chủ tịch giải đáp và căn dặn trong “Đời sống mới” vẫn nguyên tính thời sự, vẫn là những giá trị định hướng xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh ở nước ta giai đoạn hiện nay.
Các bạn hãy tìm đọc quyển sách “Đời sống mới” tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 306.09597 / Đ462S
▪ PHÒNG ĐỌC: DN.003213
▪ PHÒNG MƯỢN: MA.022204; MA.022205