Giá trị nhân văn trong di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh / Võ Nguyên Giáp, Vũ Kỳ, Trần Bạch Đằng, .... - Tp. Hồ Chí Minh : Văn hoá Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2019. - 207tr.; 21cm

Chủ nhật - 08/09/2019 23:17 2.583 0
Giá trị nhân văn trong di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh / Võ Nguyên Giáp, Vũ Kỳ, Trần Bạch Đằng, .... - Tp. Hồ Chí Minh : Văn hoá Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2019. - 207tr.; 21cm
Bác Hồ kính yêu, vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, nhà chính trị lỗi lạc, nhà văn hóa lớn của nhân loại, trước lúc đi xa, đã để lại cho bao thế hệ Việt Nam một bảo vật tinh thần vô giá, đó là bản Di chúc của Người - một văn kiện lịch sử độc đáo, đúc kết những tinh hoa đạo đức, những quan điểm và tư tưởng cốt yếu thấm đẫm tính nhân văn, làm nền tảng phương hướng phát triển lâu dài cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước hôm nay và mai sau.
Nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, Thư viện TP Cần Thơ xin giới thiệu đến các bạn quyển sách “Giá trị nhân văn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Sách do Nxb. Văn hóa - Văn nghệ TP. HCM ấn hành năm 2019, có độ dày 207 trang với 11 bài viết nghiên cứu về tư tưởng nhân văn trong Di chúc của Người.
Bài viết “Tư tưởng nhân văn, đạo đức, văn hóa Hồ Chí Minh” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định tư tưởng nhân văn của Bác thấm đượm chủ nghĩa yêu nước, tinh thần nhân ái, truyền thống văn hóa Việt Nam; kế thừa tư tưởng nhân văn, nhân đạo trong văn hóa phương Đông, phương Tây; phát triển chủ nghĩa nhân đạo hiện thực của chủ nghĩa Mác. Đó là chủ nghĩa nhân văn chân chính, chủ nghĩa nhân văn hiện thực của con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Hay bài viết “Di chúc của Bác Hồ mãi mãi soi sáng con đường chúng ta đi” của đồng chí Vũ Kỳ, nguyên Thư ký của Bác Hồ và Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh - người đã chứng kiến Bác viết Di chúc và được tin cẩn giao cho giữ Di chúc này từ năm 1965 cho tới năm 1969, cho thấy: Di chúc của Bác có tầm nhìn xuyên suốt cả một chiều dài lịch sử và chắc chắn vẫn sẽ là hành trang quý báu của thế hệ hôm nay cùng với non sông đất nước bước vào thiên niên kỷ mới. Đặc biệt sâu sắc là những lời dặn của Bác về vai trò của Đảng trong sự nghiệp xây dựng lại đất nước sau chiến tranh.
Và một số bài viết của các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu khác như: “Tư tưởng nhân văn cao cả trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại” (GS.TS. Đỗ Huy), “Bác Hồ viết Di chúc và “Di chúc” của Bác Hồ” (GS. Phong Lê), “Tìm hiểu “Văn hóa Hồ Chí Minh” qua Di chúc của Người” (PGS.TS. Phan Xuân Biên),… Phần phụ lục quyển sách còn có ký sự văn học của nhà văn Hồ Phương viết về những ngày cuối đời của Bác.
Nửa thế kỷ trôi qua, tư tưởng nhân văn trong Di chúc của Người vẫn vẹn nguyên giá trị thời đại, là động lực thôi thúc toàn Đảng, toàn dân ta phát huy tinh thần yêu nước và trí tuệ, vững bước vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Với sự tiếp cận giá trị lớn lao về tính nhân văn trong Di chúc của Bác ở nhiều góc độ khác nhau, quyển sách sẽ giúp chúng ta hiểu rõ và càng thêm yêu kính nhân cách, đạo đức cao đẹp và mong muốn, khát vọng của Người, để từ đó cùng nỗ lực phấn đấu thực hiện Di chúc.
Trân trọng kính mời quý vị và các bạn tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ. Bạn đọc tra tìm tài liệu với mã số:
* Phòng Đọc:
- 335.4346/GI-100TR
- DV.56546
* Phòng Mượn:
- 335.4346/GI-100TR
- MG.9675, MG.9677

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây