Hồ Chí Minh - Hành trình tìm đường cứu nước (Tuyển chọn tài liệu lưu trữ) / Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng; Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước. - H. : Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2021. - 590tr.; 24 x215cm

Thứ ba - 26/04/2022 23:10 972 0
Hồ Chí Minh - Hành trình tìm đường cứu nước (Tuyển chọn tài liệu lưu trữ) / Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng; Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước. - H. : Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2021. - 590tr.; 24 x215cm
Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi
Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác! 
… Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ?
Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương!
Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở,
Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương!

(Trích "
Người đi tìm hình của nước" - Chế Lan Viên)

Cách đây hơn một thế kỷ, ngày 5/6/1911 tại Bến cảng Nhà Rồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc bấy giờ với tên gọi Nguyễn Tất Thành vừa tròn 21 tuổi, với ý chí cứu nước mãnh liệt và lòng yêu thương dân tộc sâu sắc đã bắt đầu hành trình đi ra thế giới tìm con đường cứu nước, cứu dân, thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc.

Hành trình từ khi rời đất nước bôn ba hải ngoại đến khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Người là cuộc hành trình lịch sử, thực hiện sứ mệnh cao cả đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân ta.

Ghi nhớ công ơn to lớn của Người, Thư viện TP. Cần Thơ trân trọng giới thiệu đến quý vị và các bạn quyển sách “Hồ Chí Minh - Hành trình tìm đường cứu nước” do Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật xuất bản năm 2021. 

Với 590 trang, quyển sách tuyển chọn, giới thiệu các tài liệu và những bức ảnh quý về Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong hành trình đi tìm đường cứu nước, hiện đang được bảo quản và lưu giữ tại các cơ quan lưu trữ của Việt Nam và các nước trên thế giới, được Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng và Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước ta công bố. 

Các tư liệu trong cuốn sách được sắp xếp theo tiến trình thời gian từ năm 1911 đến năm 1945, tái hiện sinh động, cụ thể hành trình tìm đường cứu nước gắn với những sự kiện lịch sử “gây tiếng vang lớn” trong cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Người, đặc biệt có ý nghĩa rất trọng đại với đất nước và dân tộc Việt Nam.  

 Bắt đầu từ sự kiện ngày 5/6/1911, trên con tàu Amiral Latouche Tréville, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với tên Văn Ba, rời đất nước sang Pháp mở đầu hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân.

Từ năm 1912 đến năm 1917, Người đến nhiều nước ở châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, sống hòa mình với nhân dân lao động, với phong trào của nhân dân lao động, với phong trào của công nhân và nhân dân các dân tộc thuộc địa, khảo nghiệm thực tiễn cách mạng thế giới. 

Từ năm cuối năm 1917 đến năm 1923 là thời kỳ hoạt động ở Pháp đã để lại những dấu ấn sâu đậm và rất quan trọng đối với cuộc đời cách mạng của Người và đối với cách mạng Việt Nam. Đặc biệt là sự kiện Người tiếp cận được với Luận cương của Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Như lời thơ của Chế Lan Viên:
 “Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin
 Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp
… Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc:
"Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!"
Hình của Đảng lồng trong hình của Nước”.


Luận cương của Lênin đã chỉ ra những điều mà Người đang tìm, là “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chỉ có cách mạng vô sản mới là con đường giải phóng chúng ta”. 


Kể từ đó, Người đã có những hoạt động sôi nổi quyết tâm thực hiện con đường mình đã chọn:

Tháng 6/1923 đến tháng 11/1924, Nguyễn Ái Quốc làm việc tại Quốc tế Cộng sản, tham dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản, Đại hội III Quốc tế Công hội Đỏ, Đại hội IV Quốc tế Thanh niên,... Tại các diễn đàn đó, Người đã nói lên tiếng nói của nhân dân thuộc địa, bảo vệ những luận điểm đúng đắn của V.I. Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa và tuyên truyền những tư tưởng cách mạng của mình.

Từ tháng 11/1924 đến tháng 2/1930 là thời kỳ Người đã có các hoạt động quan trọng như: Thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, trực tiếp mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ cách mạng; ra báo Thanh niên - tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam; chủ trì hội nghị thành lập Đảng tại Hương Cảng, Trung Quốc và thông qua cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. 

Giữa năm 1931, Người bị chính quyền Anh bắt giam và trả tự do vào đầu năm 1933.
Những năm 1934 - 1938, Người ở Liên Xô tiếp tục theo dõi, chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước và bắt liên lạc với tổ chức Đảng chuẩn bị về nước.

Ngày 28/1/1941, Người đã đặt chân lên mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Tháng 5/1941, Người triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định đường lối cứu nước trong thời kỳ mới, thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh (tức Việt Minh), tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang giải phóng, xây dựng căn cứ địa cách mạng. 

Tháng 8/1942 đến tháng 9/1943, lấy tên là Hồ Chí Minh, Người đại diện cho Mặt trận Việt Minh và Phân hội Việt Nam thuộc Hiệp hội Quốc tế chống xâm lược sang Trung quốc tìm sự liên minh quốc tế. Tại Trung quốc, Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam tại các nhà lao ở tỉnh Quảng Tây.

Những năm 1944 - 1945, Người trở về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam; thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân; lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, giành chính quyền về tay nhân dân. 

Sự kiện ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã khép lại hành trình bôn ba tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh - mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.

Hành trình của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từ năm 1911 đến 1945 là một hành trình gian nan và đầy thử thách nhưng vô cùng vẻ vang và rất đỗi tự hào. Hành trình ấy cũng là hành trình trưởng thành bản lĩnh từ người thanh niên yêu nước, đến người cộng sản và lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Và hành trình ấy đã khởi nguồn cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đi theo con đường cách mạng do Người lựa chọn, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Bằng Đại thắng Mùa xuân năm 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân ta đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối, như sinh thời Người hằng mong.

Dù thời gian đã lùi xa hơn một thế kỷ, nhưng quyển sách “Hồ Chí Minh - Hành trình tìm đường cứu nước” giúp chúng ta thấy được tấm gương sáng ngời tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng, sẵn sàng hiến dâng cuộc đời mình cho đất nước, cho nhân dân. Đó còn là bài học về nghĩa vụ, trách nhiệm với quê hương đất nước, tinh thần học tập sáng tạo, độc lập tự chủ, tận trung với nước, tận hiếu với dân đối với các thế hệ thanh niên Việt Nam và đối với mỗi người dân Việt Nam.

Xin trân trọng giới thiệu quyển sách “Hồ Chí Minh - Hành trình tìm đường cứu nước” đến quý vị và các bạn!
Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số:
-    Ký hiệu phân loại: 959.704092/ H450CH
-    Phòng đọc tra cứu: TC.004657
 Tags: Hồ Chí Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây