Trải qua quá trình dựng nước và giữ nước lâu dài của dân tộc, lãnh thổ và biên giới của nước Việt Nam ngày càng được củng cố và từ lâu trở thành thực thể thống nhất từ Bắc chí Nam, trong đó có vùng đất Nam Bộ. Với truyền thống kiên cường, bất khuất và tinh thần lao động cần cù của cả dân tộc, các thế hệ người Việt Nam đã viết nên những trang sử hào hùng trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển vùng đất Nam Bộ, góp phần làm rạng rỡ non sông, đất nước Việt Nam.
Quyển sách “Lược sử vùng đất Nam Bộ” do Vũ Minh Giang chủ biên, Nxb. Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh năm 2019 sẽ cung cấp những kiến thức về lịch sử, văn hóa vùng đất Nam Bộ, một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Sách dày 140 trang, nội dung trình bày các giai đoạn lịch sử của vùng đất Nam Bộ gồm:
Giai đoạn từ thế kỷ I đến thế kỷ VII giới thiệu khái quát về thời tiền sử khi con người xuất hiện trên vùng đất Nam Bộ và chủ yếu bắt đầu từ văn hóa Óc Eo với nước Phù Nam, nghĩa là từ khi Nhà nước đầu tiên ra đời trên vùng đất này vào đầu Công nguyên.
Giai đoạn từ thế kỷ VII đến thế kỷ XVI trình bày quá trình lịch sử sau khi nước Phù Nam sụp đổ, khi vùng đất Nam Bộ phụ thuộc vào nước Chân Lạp.
Giai đoạn từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XVIII khi người Việt rồi một số người Hoa vào khai hoang lập nghiệp, phát triển kinh tế, văn hóa, đẩy mạnh công cuộc khai phá vùng đất Nam Bộ. Trong khi đó, vương triều Chân Lạp ngày càng suy yếu, lại bị phân hóa giữa hai thế lực Xiêm La ở phía tây và chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Chính trong bối cảnh đó, chính quyền chúa Nguyễn vừa thúc đẩy công việc khai hoang, vừa từng bước xây dựng chính quyền, xác lập chủ quyền trên vùng đất Nam Bộ.
Giai đoạn từ năm 1802 đến năm 1954 là khoảng thời gian triều xác lập chủ quyền trên vùng đất Nam Bộ, đến thực dân Pháp xâm chiếm Đông Nam Bộ (1862) và Tây Nam Bộ (1867), đến khi Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám thành công, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945) và đến Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 đất nước bị chia cắt hai miền Nam, Bắc.
Giai đoạn từ 1954 đến nay là thời kỳ kháng chiến chống Mỹ với đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước thống nhất, Nam Bộ cùng cả nước hàn gắn vết thương chiến tranh và thực hiện công cuộc đổi mới đất nước.
Phần cuối quyển sách giới thiệu về cộng đồng các cư dân trên vùng đất Nam Bộ. Cho thấy rằng, hòa cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, cư dân Nam Bộ luôn ý thức rằng dù là dân tộc nào cũng đều là một bộ phận không thể tác rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Tương lai của cư dân Nam Bộ, không phân biệt thuộc thành phần dân tộc nào, luôn gắn liền với vận mệnh của Tổ quốc Việt Nam, mảnh đất thiêng liêng mà bao đời nay các thế hệ tiếp nhau đã đổ mồ hôi, xương máu để xây dựng và bảo vệ.
Bên cạnh đó, sách còn có phần Phụ lục trình bày một số sự kiện chính liên quan tới lịch sử vùng đất Nam Bộ như Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về đình chiến sự ở Việt Nam; Hiệp định Pari năm 1975 về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam;...; Toàn văn và trích lục một số văn bản pháp lý về đường biên giới liên quan đến vùng đất Nam Bộ.
Với nhiều cứ liệu lịch sử về sự hình thành và phát triển của vùng đất Nam Bộ thuộc chủ quyền của Việt Nam, quyển sách là tài liệu giúp bạn đọc, nhất là các bạn trẻ được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này thêm hiểu biết và góp sức xây dựng quê hương Nam Bộ mến yêu.
Các bạn hãy tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 959.77 / L557S
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.057485
▪ PHÒNG MƯỢN: MG.009978, MG.009979