Mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 / Bùi Quang Tuấn, Hà Huy Ngọc đồng chủ biên

Thứ năm - 12/05/2022 04:16 1.262 0
Mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 / Bùi Quang Tuấn, Hà Huy Ngọc đồng chủ biên
Kể từ khi bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước vào năm 1986, Việt Nam đã chuyển đổi tương đối thành công từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đạt được những thành tựu đáng kể về phát triển kinh tế - xã hội gắn với xóa đói, giảm nghèo. Việt Nam đã vượt qua thời kỳ khủng hoảng kinh tế - xã hội, từ một quốc gia có nền nông nghiệp lạc hậu, kém phát triển, trở thành nước có mức thu nhập trung bình. Nền kinh tế luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Tỷ lệ đói nghèo từ hơn 80% dân số sau 35 năm giảm xuống còn khoảng 8%. Thành công trong cải cách kinh tế và công cuộc “thoát nghèo” cho thấy chuyển sang nền kinh tế thị trường thực sự là một sự lựa chọn đúng đắn, góp phần giải phóng những tiềm lực to lớn của đất nước và đang mở ra những cơ hội thay đổi thần kỳ trong phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, hiện nay trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang làm biến đổi mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu, thì mô hình tăng trưởng từng thành công trong 35 năm đổi mới không còn phù hợp.

Nhằm góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với nhiệm vụ “đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng…, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”, năm 2021 Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030” do PGS.TS. Bùi Quang Tuấn và TS. Hà Huy Ngọc đồng chủ biên. 

Với độ dày 471 trang, quyển sách kết cấu 5 chương, cung cấp cho bạn đọc một cách hệ thống về lý luận và thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế về xây dựng mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đánh giá tình hình thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn (2011-2020). Phân tích những lợi thế, bất lợi, thách thức và cơ hội của Việt Nam trong bối cảnh phát triển mới. Từ đó, đưa ra giải pháp nhằm tạo lập mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó chỉ ra cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với bản chất là sự tăng tốc và diễn ra trong mọi lĩnh vực của quá trình số hóa. Thúc đẩy quá trình chuyển đổi số cần phải là chiến lược xuyên suốt để thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững và mang tính bao trùm ở Việt Nam. Đặc biệt, nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện một chương trình nghị sự kép trong mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 là: (i) tiếp tục giải quyết những vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội và môi trường còn tồn đọng từ giai đoạn tăng trưởng nóng trước đây; (ii) nhanh chóng tận dụng những cơ hội và vượt lên những thách thức mới xuất hiện liên quan đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tăng tốc trên phạm vi toàn cầu.

Quyển sách “Mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030” là tài liệu tham khảo hữu ích đối với các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp và những người quan tâm đến vấn đề này.

Quý vị và các bạn hãy tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP Cần Thơ với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 338.9597 / M450H
▪ PHÒNG MƯỢN: MA.025632


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây