Bắt đầu từ năm 2020, đại dịch Covid-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng chưa từng có trên toàn cầu. Kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh và phục hồi sau suy thoái kinh tế là ưu tiên hàng đầu của các chính phủ. Khi thế giới đang phải trải qua những tác động của đại dịch, nhu cầu cấp bách về các hành động vì khí hậu đã được đặt ra hơn bao giờ hết. Đại dịch Covid-19 cũng đã làm thay đổi căn bản thế giới trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những thay đổi mạnh mẽ trong chuyển dịch nền kinh tế số. Bên cạnh những thách thức, Covid-19 cũng đã tạo cơ hội để các quốc gia đánh giá lại mô hình phát triển kinh tế, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về các mối đe dọa nghiêm trọng của các vấn đề môi trường và sức khỏe cũng như tận dụng những thay đổi tích cực từ chính đại dịch.
Quyển sách “Chiến lược tăng trưởng xanh trong mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam” do Bùi Quang Tuấn, Hà Huy Ngọc chủ biên, Nxb. Khoa học Xã hội xuất bản năm 2021với 611 trang.
Sách gồm 5 chương trình bày các nội dung gồm: Cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về mô hình tăng trưởng xanh; Thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh ở Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020; Bối cảnh mới và dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam; Xu hướng chuyển dịch đầu tư xanh và tiềm năng ứng dụng công nghệ trong các ngành xanh; Quan điểm, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030.
Qua đó cho thấy, đại dịch Covid-19 cũng tạo ra cơ hội để các quốc gia tiến hành cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh. Tăng trưởng xanh đang trở thành xu hướng khách quan và là mục tiêu ưu tiên của nhiều quốc gia và được nhận định sẽ đem lại lợi ích rõ rệt về môi trường. Các chính sách xanh và đầu tư xanh cũng có thể tạo ra nhiều tác động tích cực về xã hội như tạo thêm việc làm mới bền vững, thúc đẩy các hoạt động kinh tế, thay đổi tương tác giữa con người và con người hiệu quả hơn.
Ở Việt Nam, ngày 25/9/2012 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó nhấn mạnh tới 3 nhiệm vụ quan trọng là: (i) Giảm phát thải; (ii) Xanh hóa sản xuất; ((iii) Xanh hóa tiêu dùng. Để từng bước cụ thể hóa Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 403/QĐ-TTg, ngày 20/3/2014 về phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020 với 66 hoạt động và 47 dự án/ đề án ưu tiên thực hiện. Điều này khẳng định chuyển đổi mô hình theo hướng xanh đã trở thành đường lối và chính sách xuyên suốt của Đảng và Nhà nước và là một nội dung căn bản của phát triển bền vững ở Việt Nam.
Qua nghiên cứu, các tác giả cũng chỉ ra: Hiện nay, Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ để phục hoooig hậu Covid - 19. Đây là cơ hội lớn giúp chúng ta lựa chọn lộ trường tăng trưởng xanh để đôi mặt với tác động của dịch bệnh trong tương lai, rủi ro do biến đổi khí hậu và thiếu bền vững về môi trường. Đây là hướng đi đúng đắn, trong dó chú trọng số hóa, vào xanh hóa, vào sự cân đối và hài hòa giữa lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường sẽ giúp Việt Nam hoàn thành nhanh hơn mục tiêu dài hạn về phát triển kinh tế bền vững và trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước có thu nhập cao vào năm 2045, đồng thời đảm bảo mọi người dân có cuộc sống chất lượng cả về vật chất và tinh thần.
Quý vị và các bạn hãy tìm đọc trọn quyển sách “Chiến lược tăng trưởng xanh trong mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam” để nắm bắt được những nội dung được trình bày cụ thể trong sách.
Sách được Thư viện TP Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 338.959707 / CH305L
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.060915
▪ PHÒNG MƯỢN: MA.025652