Trong những năm gần đây, trước mỗi vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp can thiệp, xử lý vi phạm. Tuy vậy, tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em vẫn diễn biến phức tạp. Để khắc phục, đã đến lúc cả xã hội phải vào cuộc, cùng chung tay khắc phục tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho phụ nữ, trẻ em phát triển toàn diện.
Quyển sách “Ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” do Lê Thị Hoàng Yến, Ninh Thị Hồng và Phạm Thị Kim Dung biên soạn, Nhà xuất bản Tài nguyên môi trường và Bản đồ Việt Nam ấn hành năm 2019 sẽ trang bị những kiến thức hữu ích, kỹ năng tự bảo vệ, phòng ngừa bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em cho tất cả mọi người. Sách có độ dày 501 trang bao gồm ba phần.
Phần một giới thiệu đến bạn đọc những thông tin pháp luật về phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ như: Quy định của pháp luật về các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ và hỗ trợ phụ nữ là nạn nhân bạo lực; Cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình; Quy định của pháp luật về xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong chống bạo lực đối với phụ nữ; Trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ. Theo đó, bạo lực với phụ nữ là những hành vi có thể gây ra tổn hại về thể chất, tâm lý, tình dục; sự ép buộc và những hình thức khác nhằm kiểm soát, tước bỏ tự do của người phụ nữ trong đời sống cá nhân hoặc ở nơi công cộng. Nạn nhân của bạo lực đối với phụ nữ có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình; được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật; được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và các quyền khác theo quy định. Những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình có thể bị xử phạt bằng các hình thức như: Cảnh cáo, Phạt tiền, Xử phạt bổ sung, Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Trong phần hai, quyển sách trình bày những quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực đối với trẻ em, bao gồm: Các quy định chung; Các quy định về bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực là trẻ em; Xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực đối với trẻ em; Trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực đối với trẻ em; Quy trình giải quyết việc trẻ em bị bạo lực gia đình. Theo Luật Trẻ em, bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em. Để phòng, chống bạo lực đối với trẻ em, Luật Trẻ em quy định ba cấp độ bảo vệ trẻ em là: Phòng ngừa, Hỗ trợ, Can thiệp. Luật cũng quy định bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phần ba là các văn bản pháp luật liên quan như: Công ước của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tuyên bố về xóa bỏ bạo lực với phụ nữ năm 1993; Công ước quốc tế về quyền trẻ em; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007; Luật Trẻ em năm 2016; Nghị định số 08/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 04/02/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Nghị định số 110/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 10/12/2009 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình;… Các văn bản trên là những công cụ pháp lý hữu hiệu để bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình, là cơ sở pháp lý để nâng cao vai trò, hiệu quả trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay.
Qua các nội dung được trình bày, quyển sách “Ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” cho thấy phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Đây sẽ là quyển cẩm nang giúp nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới và ngăn chặn các tệ nạn xã hội.
Sách đang được phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ. Bạn đọc tra tìm tài liệu với mã số:
* Phòng Đọc:
- 344.59703/NG115CH
- DV.056523
* Phòng Mượn:
- 344.59703/NG115CH
- MA.021012, MA.021013