Truyền thống tôn sư trọng đạo là một truyền tốt đẹp của người dân Việt Nam. Quan niệm “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy) cho thấy sự hiếu học và tình nghĩa thầy trò của dân tộc ta.
Quyển sách “Các thầy giáo Việt Nam xưa” do Phạm Khang biên soạn, Nxb. Thanh niên ấn hành năm 2019 sẽ đưa người đọc ngược dòng lịch sử tìm hiểu về những người thầy xưa - những nhà giáo ưu tú nhất lịch sử Việt Nam; ca ngợi công lao, tài năng của họ và tự hào khi lịch sử nước ta có được những con người tài năng đó.
Sách có độ dày 191 trang giới thiệu 23 tấm gương nhà giáo nổi tiếng như: Lê Văn Hưu, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, Trịnh Thiết Trường, Nguyễn Bảo, Lê Quang Bí, Nguyễn Khắc Kính, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thị Duệ, Đoàn Thị Điểm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Khuyến, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu,…
Viết về Chu Văn An, ông là một trong những nhà giáo ưu tú nhất trong lịch sử dân tộc. Thầy Chu Văn An vốn là người chính trực nên không thích việc quan trường. Ông mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung bên sông Tô Lịch (Hà Nội), sau này được chính vua Trần Minh Tông mời đến dạy tại Quốc Tử Giám và làm thầy riêng cho thái tử Trần Vượng, tức vua Trần Hiến Tông sau này. Điển tích nổi tiếng nhất của thầy Chu Văn An khi sinh thời thể hiện sự chính trực chính là việc ông dâng “Thất trảm sớ”, yêu cầu vua Trần Dụ Tông chém đầu bảy gian thần song bị vua từ chối. Sau đó, ông cáo lão, về ở ẩn gần núi Phượng Hoàng, Chí Linh, Hải Dương, làm một thầy giáo truyền thụ kiến thức cho đến khi mất.
Hay nhà giáo Nguyễn Bỉnh Khiêm, còn được biết đến với cái tên quen thuộc là Trạng Trình. Ông nổi tiếng vì tính tình cương trực, tư cách đạo đức và tài thơ văn của một nhà giáo có tiếng thời kỳ Lê – Mạc phân tranh, dưới thời vua Mạc Đăng Doanh, ông đỗ Trạng nguyên và quyết định phò vua giúp nước. Song vì không chịu được những điều thị phi, ông dâng sớ hạch tội 18 tên gian thần nhưng bị từ chối. Sau đó, ông cũng từ quan về ở ẩn, trở thành một nhà giáo lỗi lạc.
Nhà giáo Lê Quý Đôn là một vị quan, một nhà khoa học trong rất nhiều lĩnh vực ở thời hậu Lê. Với kiến thức uyên thâm, tài trí hơn người, ông đã để lại cho hậu thế nhiều bộ sách có giá trị ở nhiều thể loại khác nhau như lịch sử, địa lý, thơ văn,… Ngoài ra, ông còn là một nhà nho, nhà giáo dục tài năng và đức độ. Tên của ông được dùng để đặt tên cho rất nhiều ngôi trường tại Việt Nam.
Do tư liệu lịch sử về các thầy không nhiều nên quyển sách phải sử dụng nguồn tài liệu khai thác từ truyền thuyết, dã sử và huyền thoại bao quanh các nhân vật. Dẫu tính chính xác không cao nhưng phẩm chất của người thầy vẫn là điều đáng ghi nhận, người đọc sẽ thấy ở đây các tấm gương về những người thầy hết lòng tận tâm đào tạo những người học trò đi từ những bước chập chững đầu tiên đến đỉnh vinh quang.
Quyển sách “Các thầy giáo Việt Nam xưa” đang được phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ. Bạn đọc tra tìm tài liệu với mã số:
* Phòng Đọc:
- 371.1009597 / C101TH
- DV.056522
* Phòng Mượn:
- 371.1009597 / C101TH
- MA.021010, MA.021011