Biên giới Việt Nam qua các đời như thế nào? Câu hỏi này được nhà sử học Đào Duy Anh giải thích chi tiết trong công trình nghiên cứu địa lý học lịch sử nổi tiếng - “Đất nước Việt Nam qua các đời” (được xuất bản thành sách lần đầu năm 1964 và được tái bản có chỉnh lý nhiều lần).
Quyển sách “Đất nước Việt Nam qua các đời” do Nxb. Hồng Đức ấn hành năm 2016, có độ dày 378 trang. Trong quyển sách, tác giả tập trung nghiên cứu địa lý hành chính để nhận định cương vực của nước Việt Nam và vị trí các khu vực hành chính trải qua các đời, từ thời Văn Lang, Âu Lạc, qua thời kì Bắc thuộc, trải đến thời tự chủ và cho đến thời nhà Nguyễn.
Quyển sách bao gồm 15 chương khảo cứu chính về địa lý hành chính của các quốc gia cổ của người Việt, từ Văn Lang, Âu Lạc, qua các triều đại Hán – Tam Quốc – Lưỡng Tấn – Nam Bắc Triều – Tùy Đường, đến các triều đại tự chủ: Đinh – Tiền Lê – Lý – Trần – Hồ - Lê – Nguyễn. Nội dung chính đề cập tới phần địa lý hành chính để nhận định cương vực của nhà nước và vị trí các khu vực hành chính trải qua các đời, rồi đến quá trình mở mang lãnh thổ và ổn định biên giới. Bên cạnh đó, tác giả còn nghiên cứu địa lý học chính trị thông qua các cuộc chiến chống giặc ngoại xâm thời Lê Hoàn, Quang Trung,… cùng những vấn đề liên quan tới bảo toàn lãnh thổ dân tộc. Chúng ta có thể nhận thấy lịch sử hình thành của đất nước Việt Nam cũng gắn liền với sự thay đổi địa lý đất nước – thông qua các hoạt động xây thành mở cõi, chiến đấu chống ngoại xâm, di dân lập ấp, khai khẩn đất đai, đào kênh mở đường…
Với công tác nghiên cứu công phu, khối lượng sách tham khảo đồ sộ, tác giả Đào Duy Anh đã vẽ nên bức tranh rộng lớn, mô tả sự phát triển và biến đổi của lãnh thổ Việt Nam kéo dài gần hai thiên niên kỷ, khiến công trình trở thành một nghiên cứu đầy đủ nhất, hệ thống nhất về lãnh thổ Việt Nam trong thế kỉ XX.
Quyển sách “Đất nước Việt Nam qua các đời” và các công trình nghiên cứu khác cùng chuyên ngành đã xác lập vị trí của Đào Duy Anh là một nhà địa lý học lịch sử tiêu biểu nhất cho đến nay, là người khơi mở và truyền cảm hứng cho sự phát triển chuyên ngành này ở Việt Nam.
Trân trọng kính mời quý vị và các bạn tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ. Bạn đọc tra tìm tài liệu với mã số:
* Phòng Đọc:
- 959.7 / Đ124N
- DL.015311
* Phòng Mượn:
- 959.7 / Đ124N
- MG.008320, MG.008321