Quyền tác giả (QTG) và bảo vệ QTG là những lĩnh vực rất mới mẻ tại Việt Nam. Ngay cả khi Việt Nam đã là thành viên các tổ chức quốc tế quan trọng nhất về quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), về QTG, việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế chung để bảo vệ QTG tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn, trở ngại. Nhưng khi Việt Nam đã bắt đầu hội nhập vào kinh tế quốc tế ở mức độ đủ sâu, khiến các công ty đa quốc gia phải chú ý bảo vệ tài sản trí tuệ của mình tại thị trường Việt Nam, thì không thể để những khó khăn trở ngại đó làm tổn hại đến quyền lợi của tác giả, của doanh nghiệp Việt Nam.
Trong quá trình hội nhập, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều Điều ước quốc tế quan trọng về SHTT. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các quy định để bảo vệ QTG tại Việt Nam còn nhiều khó khăn. Quyển sách “Quyền tác giả - Đường hội nhập không trải hoa hồng” do Giáo sư Nguyễn Vân Nam biên soạn, Nxb. Trẻ ấn hành năm 2017 sẽ cung cấp cho các bạn những kiến thức hữu ích về QTG, trong sự so sánh giữa pháp luật quốc tế và Việt Nam. Về cơ bản, sách tập trung và bình luận những điểm giống nhau và khác nhau giữa luật về QTG trong nước và trên thế giới.
Sách có độ dày 657 trang gồm 4 phần:
Phần 1 giới thiệu về quyền SHTT trên thế giới nói chung. Theo đó, “Quyền SHTT gồm: quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp”, là động lực chính thúc đẩy hoạt động trí tuệ, khuyến khích sáng tạo. Các nước công nghiệp phát triển đã sử dụng quyền SHTT như một công cụ kinh tế - chính trị đắc lực để thúc đẩy phát triển kinh tế. Qua đó quyển sách khẳng định tầm quan trọng của quyền SHTT: có sự ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc dân và mang vai trò lớn trong thương mại thế giới.
Phần 2 trình bày tổng quan về Luật QTG. Trong phần này, QTG được nói đến là QTG dưới góc nhìn quốc tế của Công ước Berne về QTG - một công ước được xây dựng trên những cơ sở và nguyên tắc của Luật QTG châu Âu. Là thành viên Công ước Berne, Việt Nam có nghĩa vụ tuân thủ chuẩn mực quốc tế của Công ước này. Quyển sách nhắc đến những khía cạnh pháp lý cụ thể của QTG như: Tác phẩm, Tác giả, Nội dung QTG, Những giới hạn của QTG, Giao dịch về QTG, Sử dụng tác phẩm, Các quyền liên quan, Giải quyết tranh chấp,....
Trong quá trình toàn cầu hóa, tự do hóa thị trường, tác phẩm - một mặt được bảo hộ theo Luật QTG chỉ có hiệu lực trong lãnh thổ quốc gia, mặt khác nó lại là hàng hóa trên thị trường toàn cầu, sẽ được điều chỉnh theo các nguyên tắc, quy định về giao dịch quốc tế. Phần 3 sẽ giới thiệu đến các bạn những nội dung về QTG trong hệ thống Luật Thương mại quốc tế như: Các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO (tối huệ quốc, đối xử quốc nội, giải quyết tranh chấp); Nguyên tắc và quy định chung của Hiệp định của WTO về các khía cạnh thương mại của quyền SHTT; QTG trong hệ thống luật QTG quốc tế.
Phần 4 - trọng tâm của quyển sách, là Luật QTG tại Việt Nam. Thông qua những trường hợp tranh chấp về tác phẩm, tác giả và QTG, bạn đọc sẽ thấy rõ những bất cập trong việc áp dụng Luật SHTT trong giải quyết tranh chấp phát sinh về QTG của Việt Nam, so với QTG trên thế giới. Một ví dụ tiêu biểu được tác giả nêu ra là định nghĩa thế nào là “tác phẩm”, trường hợp số 09. Công ước Berne định nghĩa: “Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo tinh thần mang dấu ấn cá nhân”, trong khi Luật SHTT năm 2005 (điều 4, khoản 7) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT năm 2009 (điều 1, khoản 2) quy định: “Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào”. Việt Nam không có cơ sở phân biệt tác phẩm nguồn và tác phẩm phát sinh (tác phẩm phái sinh) là bởi không có quy định về “dấu ấn sáng tạo cá nhân”. Đây là điều cơ bản nhất và rất quan trọng trong quá trình hội nhập với các chuẩn mực chung của quốc tế. Tác phẩm phát sinh/phái sinh là tác phẩm phải mang cả hai “dấu ấn sáng tạo cá nhân”, của tác giả tác phẩm nguồn và của tác giả làm tác phẩm phát sinh/phái sinh. Vì luật Việt Nam không có quy định “dấu ấn sáng tạo cá nhân” cho tác phẩm, nên tác giả cho rằng chúng ta chỉ có thể phân biệt hành vi “đạo” bằng cách tác phẩm nào lấy nguyên xi của người khác và đề tên mình thì đó là “đạo”, còn nếu lấy tác phẩm và có chỉnh sửa thì xem đó là tác phẩm phái sinh/phát sinh.
“Quyền tác giả - Đường hội nhập không trải hoa hồng” được viết theo một phong cách rất đặc biệt, là một tác phẩm bình luận luật học và áp dụng vào thực tiễn. Với hình thức trình bày khoa học, đơn giản, dễ hiểu quyển sách sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho luật sư, thẩm phán, giới luật học và bạn đọc quan tâm đến Quyền tác giả.
Trân trọng kính mời quý vị và các bạn tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ. Bạn đọc tra tìm tài liệu với mã số:
* Phòng Đoc:
- 346.59704/QU603T
- DL.16236
* Phòng Mượn:
- 346.59704/QU603T
- MA.18069, MA.18070