Việc trước tiên để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là nghiên cứu về phong tục tập quán trong dân gian một cách nghiêm túc, sâu rộng và liên tục để làm nổi bật những giá trị tốt đẹp và tính phong phú trong văn hóa Việt, khiến cho người Việt Nam yêu quý văn hóa Việt và người dân tộc khác cũng thấy được nét đẹp nhân văn trong văn hóa đất nước.
Thư viện TP. Cần Thơ xin giới thiệu đến các bạn quyển sách “Phong tục đất phương Nam” do nhà nghiên cứu Từ Xuân Lãnh biên soạn, Nxb. Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh ấn hành năm 2019. Đây là một trong những công trình nghiên cứu mới nhất, tập trung vào việc khai thác khá chi tiết phong tục tập quán của người Kinh từ miền Trung đến miền đất tận cùng của Tổ quốc.
Quyển sách gồm 6 phần, trải dài suốt 484 trang, trình bày tiến trình diễn biến của phong tục tập quán gắn liền với một đời người từ khi sinh ra, ăn ở, giao thiệp, rồi lớn lên dựng vợ gả chồng… cho đến khi trở về với ông bà tổ tiên thành một dòng chảy tiếp diễn không ngừng, hòa chung trong mạch sống của dân tộc. Điều này sẽ giúp cho bạn đọc dễ nhận ra ý nghĩa và cảm nhận được những nét riêng của mỗi phong tục tập quán được kết nối với nhau trong diễn trình của nó.
Sách bắt đầu từ những phong tục của “Con người thời kỳ sơ sinh và ấu thơ” như: Chuyện kiêng kị khi mang thai, Bà mục ta và chuyện sinh đẻ của sản phụ, Việc đặt tên con,.. cho đến những phong tục trong “Đời sống sinh hoạt”, “Dựng vợ gả chồng”, “Con người trong gia tộc”: Cất nhà theo địa lý phong thủy, Xưng hô trong giao tiếp, Quan niệm về chọn vợ lấy chồng, Các lễ trong hôn nhân, Phân chi - phân tông trong họ tộc, Hàng đời trong gia đình,… Ở “Tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên” và “Tang ma”, quyển sách đề cập đến: Việc bố trí - quy cách thờ tự, Những ngày cúng giỗ trong năm, Quan niệm và những điều kiêng kỵ khi để tang,…
Theo tác giả, phong tục tập quán là nếp sống của người dân được tích luỹ từ nhiều đời. Nó không thể tồn tại vĩnh viễn mà phải thay đổi qua quá trình phát triển của cuộc sống. Tức là những điều tốt đẹp cần phải bảo tồn, những cái không còn phù hợp nữa thì sẽ bị dần dần bị đào thải. Quyển sách sẽ giúp người đọc nhìn nhận việc tìm hiểu phong tục tập quán trong dân gian là công việc nghiêm túc, để hiểu được ý nghĩa biểu trưng tốt đẹp trong phong tục tập quán, từ có cái nhìn tích cực, càng thêm yêu mến và tự hào về văn hóa dân tộc.
Để hoàn thành quyển sách này, song song với nghiên cứu các tác phẩm đã hình thành từ hàng chục năm trước của tác giả tiên phong, nhà nghiên cứu Từ Xuân Lãnh còn dành thời gian để tìm hiểu thực tế cuộc sống người dân khắp các miền mà ông đã đi qua. “Phong tục đất phương Nam” chính là một đóng góp lớn với nhiều nét mới mẻ về phong tục tập quán của người Việt phục vụ cho nhiệm vụ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Đây là một quyển sách cần đọc, nhất là với các độc giả trẻ tuổi, để hiểu hơn về bản sắc văn hoá của dân tộc.
Mời bạn tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ. Bạn đọc tra tìm tài liệu với mã số:
* Phòng Đọc:
- 390.09597/PH431T
- DL.17369
* Phòng Mượn:
- 390.09597/PH431T
- MA.20118, MA.20119