Hoạt động thương hồ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long: Truyền thống và biến đổi / Chủ biên : Ngô Văn Lệ, Ngô Thị Phương Lan, Huỳnh Ngọc Thu. - H. : Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2019. - 319tr. : Minh hoạ; 21cm

Chủ nhật - 15/09/2019 02:39 2.116 0
Hoạt động thương hồ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long: Truyền thống và biến đổi / Chủ biên : Ngô Văn Lệ, Ngô Thị Phương Lan, Huỳnh Ngọc Thu. - H. : Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2019. - 319tr. : Minh hoạ; 21cm
Thương hồ là một hoạt động kinh tế sông nước quan trọng của các cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Từ xa xưa, việc buôn bán trên sông nước là một loại hình dịch vụ quan trọng và cần thiết, đáp ứng nhu cầu đa dạng của cư dân vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long.
Quyển sách “Hoạt động thương hồ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long: Truyền thống và biến đổi” do Ngô Văn Lệ, Ngô Thị Phương Lan và Huỳnh Ngọc Thu biên soạn, Nxb. Chính Trị Quốc Gia Sự Thật ấn hành năm 2019 sẽ giúp người đọc tìm hiểu đặc trưng truyền thống cũng như những biến đổi của hoạt động thương hồ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long theo chiều dài lịch sử, làm rõ vai trò của hoạt động kinh tế - văn hóa này đối với đời sống của cư dân trong vùng.
Sách có độ dày 319 trang với bố cục 3 phần.
Phần 1 trình bày các khái niệm về thương hồ, cộng đồng thương hồ, chợ nổi, truyền thống và biến đổi; giới thiệu tổng quan về đồng bằng sông Cửu Long - vùng sông nước, đa tộc người và đa văn hóa, những đặc trưng sinh thái của vùng - nền tảng của hoạt động thương hồ. Đây là vùng mạng lưới sông ngòi, kênh rạch phân bố dày đặc, thuận lợi cho các hoạt động giao thương đường thủy, đặc biệt là hoạt động thương hồ. Hoạt động này hình thành và phát triển từ rất sớm và đến ngày nay vẫn còn tồn tại và trở thành thương hiệu của vùng đất này.
Phần 2 tập trung trình bày các dạng thức hoạt động điểm và tuyến của nghề thương hồ. Các thương hồ hoạt động theo điểm thường xuyên tập trung mua bán tại các chợ nổi - nơi được hình thành tự phát do các ghe thuyền chở hàng hóa từ khắp nơi tập trung tại các ngã giao nhau của các dòng sông để trao đổi mua bán, rồi từ đó tỏa đi các hướng, len lỏi đến mọi ngóc ngách trong vùng. Một số chợ nổi nổi tiếng như: Cái Bè (Tiền Giang), Trà Ôn (Vĩnh Long), Cái Răng, Phong Điền (Cần Thơ), Ngã Bảy - Phụng Hiệp (Hậu Giang), Ngã Năm (Sóc Trăng),… Các thương hồ hoạt động theo tuyến thì chở hàng hóa đi dọc theo những tuyến đường thủy khắp vùng để bán như: Nghề đi ghe của người Việt ở Cần Đước, của người Chăm Islam ở An Giang.
Phần 3 khái quát các đặc trưng kinh tế - văn hóa và xã hội của cộng đồng làm nghề thương hồ. Tuy là một cộng đồng lưu động, khác với các cộng đồng làng xã truyền thống, nhưng cộng đồng thương hồ gắn kết với nhau nhờ đặc điểm nghề nghiệp và thông qua chia sẻ những nét sinh hoạt văn hóa, kinh tế và xã hội đặc trưng. Chợ nổi và hoạt động thương hồ là một cách thích nghi hữu hiệu với môi trường sinh thái của vùng sông nước trong điều kiện hạ tầng cơ sở của vùng chưa phát triển và các địa phương bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Do vậy, trong bối cảnh phát triển chung của đất nước hướng đến sự kết nối giữa các vùng miền qua việc phát triển hạ tầng cơ sở cùng với sự thay đổi của nhu cầu thị hiếu, hoạt động thương hồ cũng có những biến đổi quan trọng.
Quyển sách là bức tranh khá toàn diện và hệ thống về nghề thương hồ, là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý và hoạch định chính sách của vùng và các địa phương trong công tác quản lý, phát huy các giá trị kinh tế, văn hóa - xã hội của hoạt động thương hồ, một hoạt động kinh tế đặc thù quan trọng của vùng sông nước miệt vườn.
Trân trọng kính mời quý vị và các bạn tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ. Bạn đọc tra tìm tài liệu với mã số:
* Phòng Đọc:
- 306.3095978/H411Đ
- DC.2695, DV.56382
* Phòng Mượn:
- 306.3095978/H411Đ
- MA.20914, MA.20915

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây