Dấu ấn chiến thắng biên giới Tây Nam / Vũ Thiên Bình sưu tầm, tuyển chọn. - H. : Lao động, 2019. - 400tr.; 27cm

Chủ nhật - 15/09/2019 02:27 2.529 0
Dấu ấn chiến thắng biên giới Tây Nam / Vũ Thiên Bình sưu tầm, tuyển chọn. - H. : Lao động, 2019. - 400tr.; 27cm
Việt Nam và Campuchia là hai quốc gia láng giềng gần gũi, có truyền thống đoàn kết hữu nghị lâu đời. Sau chiến thắng năm 1975, nhân dân Việt Nam và Campuchia luôn mong muốn được sống trong hòa bình để khôi phục và phát triển đất nước sau nhiều năm chiến tranh. Nhưng tập đoàn Pôn Pốt đã phản bội lại nhân dân Campuchia và phá hoại truyền thống đoàn kết hữu nghị của nhân dân hai nước, thực hiện chính sách diệt chủng ở Campuchia và xâm lược biên giới Tây Nam Việt Nam. Trước những hành động xâm lược và diệt chủng tàn bạo, đáp lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước và nhân dân Campuchia, Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam đã thực hiện quyền tự vệ chính đáng và thiêng liêng của mình để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.
Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhằm bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do, vì vận mệnh chung và tình hữu nghị, đoàn kết của hai dân tộc Việt Nam – Campuchia, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh, bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (07/01/1979), Nxb. Lao Động đã ấn hành quyển sách “Dấu ấn Chiến thắng biên giới Tây Nam”.
Sách do Vũ Thiên Bình sưu tầm, tuyển chọn, có độ dày 400 trang bao gồm 07 phần, sẽ giúp người đọc hiểu biết đầy đủ và đúng đắn về cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới Tây Nam thiêng liêng của Tổ quốc.
Phần 1 giới thiệu đến bạn đọc một số hình ảnh tư liệu đầy xúc động về cuộc chiến. Đó là những hình ảnh chân thực về tội ác của tập đoàn Pôn Pốt: Những hố chôn người tập thể được khai quật ở Campuchia sau ngày 07/01/1979, Các ngôi trường bị biến thành nhà tù, trở thành nơi giam cầm, tra tấn và hành quyết người dân vô tội, Người dân Campuchia chạy sang lánh nạn trên vùng biên giới Tây Nam của Việt Nam để tránh bị Khmer Đỏ hành quyết,… Về tinh thần chiến đấu và tình cảm gắn bó giữa nhân dân và bộ đội hai nước như: Cảnh Bộ đội C5 lực lượng vũ trang tỉnh An Giang đánh trả quân Pôn Pốt xâm lược năm 1978, Hải quân Việt Nam phối hợp hiệp đồng đổ bộ đánh chiếm các quân cảng của Pôn Pốt, Bộ đội tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng Phnôm Pênh, Người dân thủ đô Phnôm Pênh lưu luyến tiễn đưa quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, lên đường về nước,…
Phần 2 trình bày các Chỉ thị của Đảng về cuộc đấu tranh chính nghĩa bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc như: Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 21/10/1977 của Ban Bí thư về một số việc cần làm ngay ở biên giới phía Tây Nam, Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 21/02/1978 của Ban Bí thư về việc tăng cường lãnh đạo công tác quân sự địa phương trong giai đoạn mới, Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 15/7/1978 của Ban Bí thư bổ sung về việc giải quyết đối với dân Camphuchia chạy sang Việt Nam,… Qua đó đã khẳng định rõ chủ trương của Việt Nam là luôn tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước láng giềng, kiên trì xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước; kiên quyết trừng trị những hành động xâm phạm lãnh thổ, vi phạm chủ quyền, làm thiệt hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân ta; làm cho mọi người thấy rõ hành động bảo vệ biên giới của nhân dân ta là chính nghĩa và việc bọn phản động ở bên kia biên giới dùng lực lượng vũ trang xâm phạm lãnh thổ, chủ quyền của ta, tàn sát nhân dân, gây hận thù, chia rẽ hai dân tộc là không chính nghĩa và phá hoạt tình đoàn kết, hữu nghị lâu đời của hai dân tộc; đồng thời thể hiện tinh thần nhân đạo của Chính phủ Việt Nam với các hoạt động tích cực giúp đỡ nhân dân Campuchia tị nạn chính trị.
Phần 3 là các bài phát biểu, tổng kết kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (07- 01-1979 – 07-01-2019). Bài phát biểu của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chiến thắng chế độ Pôn Pốt là biểu tượng cao đẹp của quan hệ hữu nghị không gì lay chuyển nổi giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia. Hay bài phát biểu của Phó Chủ tịch Thượng viện Campuchia - ông Tép Nguôn, tại Hà Nội ngày 04/01/2019 đã nhấn mạnh: “Thực tế, sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn, kịp thời và hiệu quả của Việt Nam đã góp phần đưa đất nước Campuchia phát triển từ một quốc gia đắm chìm trong chiến tranh, khổ đau, điêu tàn trở thành một quốc gia hòa bình trọn vẹn, phát triển trên mọi lĩnh vực và thống nhất đất nước”.
Phần 4 trình bày sự đoàn kết nhất trí của toàn Đảng, toàn quân và dân ta trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc nơi biên giới, các hoạt động tái thiết đất nước và mối quan hệ hữu nghị với Campuchia qua các bài viết về: Quân dân Việt Nam giúp hồi sinh đất nước Campuchia; Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi cuộc chiến; Nghĩa cử cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia;…
Phần 5 lần nữa khẳng định Chiến thắng biên giới Tây Nam là chiến thắng chế độ diệt chủng, chiến thắng của chính nghĩa và là mốc son sâu đậm của tình đoàn kết hữu nghị truyền thống của hai dân tộc; là thắng lợi chung của nhân dân hai nước cũng như của nhân loại tiến bộ trên thế giới, thể hiện tinh thần quốc tế cao cả, mối quan hệ láng giềng truyền thống, gắn bó, thủy chung, lâu đời.
Phần 6 đưa ra những bài học cho công cuộc bảo vệ chủ quyền đất nước hiện nay. Để đất nước không bị động, bất ngờ, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước những diễn biến phức tạp của khu vực và thế giới. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Tập trung xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình.
Phần 7 là những chính sách đối với quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia như: Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; Các chính sách dành cho thương binh, liệt sĩ như khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, xây dựng nhà tình nghĩa, nhận đỡ đầu, tạo việc làm cho con thương binh, liệt sĩ và đối tượng chính sách;… nhằm phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc.
Quyển sách “Dấu ấn Chiến thắng biên giới Tây Nam” là một tập tài liệu vô cùng phong phú và đầy đủ, chi tiết về một cuộc chiến tranh chính nghĩa của hai dân tộc, giúp mọi người và cả cộng đồng quốc tế nhận diện đúng đắn về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở nơi biên giới của quân dân Việt Nam, đồng thời đúc rúc được những bài học từ lịch sử, hướng tới tương lai - hòa bình, hữu nghị và hợp tác cùng nhau phát triển.
Trân trọng kính mời quý vị và các bạn tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ. Bạn đọc tra tìm tài liệu với mã số:
* Phòng Đọc:
- 959.70441/D125Â
- DL.17711

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây