ASEAN (Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á) được thành lập vào ngày 08/8/1967 với mục tiêu tập hợp lực lượng nhằm xây dựng, duy trì hợp tác phát triển kinh tế, chia sẻ thịnh vượng chung và đảm bảo hòa bình, ổn định của các nền kinh tế trong khu vực. Qua hơn 50 năm hình thành và phát triển, ASEAN đã trở thành một tổ chức hợp tác toàn diện và chặt chẽ với 10 quốc gia thành viên. Năm 2015, sự hình thành Cộng đồng ASEAN (AC) dựa trên ba trụ cột gắn kết với nhau là Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN, Cộng đồng kinh tế ASEAN và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN là dấu mốc lịch sử của tiến trình liên kết ASEAN, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Hiệp hội và khu vực cũng như từng nước thành viên, trong đó có Việt Nam.
Quyển sách “Cộng đồng ASEAN sau năm 2015 và sự tham gia của Việt Nam” Nxb. Khoa Học Xã Hội ấn hành năm 2018 sẽ giúp các bạn hiểu được một cách hệ thống những nội dung mà Cộng đồng ASEAN (với ba cộng đồng trụ cột) đã thực hiện vào năm 2015, những nội dung sẽ được triển khai trong 10 năm tiếp theo, đồng thời nêu lên những cơ hội, thách thức và các giải pháp trong quá trình hội nhập khu vực của Việt Nam.
Sách dày 215 trang với bố cục 03 phần.
Phần 1 đánh giá những nội dung chủ yếu của AC vào năm 2015 với mục tiêu, định hướng hoạt động. Với những nội dung nêu trong sách, vào lúc thành lập Cộng đồng (31/12/2015), nhiều nội dung, mục tiêu chưa thực sự đạt được, nhất là việc xây dựng tính gắn kết, đoàn kết, hướng tới người dân và coi người dân là trung tâm. Xem xét các nội dung mà các nước thành viên còn chưa thực hiện xong theo kế hoạch tổng thể cho thấy việc thực hiện còn tương đối khó khăn. Điều đó cho thấy, việc xây dựng AC gắn kết về chính trị, liên kết và hội nhập kinh tế, trách nhiệm xã hội vẫn chỉ là mục tiêu hướng tới, một quá trình mà các nước thành viên đều đang phấn đấu để hướng tới xây dựng một ngôi nhà chung là Cộng đồng ASEAN.
Tuy nhiên, ở phần 2 quyển sách, AC sau năm 2015 đã và đang trở thành một thể chế khu vực có tính liên kết và hội nhập trên cả ba phương diện gắn với ba cộng đồng trụ cột là: Chính trị - An ninh, Kinh tế, Văn hóa - Xã hội. Trong đó, AC đề ra ba nội dung, mục tiêu chủ yếu và cũng là các đặc tính quan trọng của Cộng đồng bao gồm: Có tính gắn kết, đoàn kết; Hướng tới người dân, coi người dân là trung tâm và là Cộng đồng mở, hướng ra bên ngoài, bằng cách mở rộng các quan hệ về an ninh, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội với các đối tác trong khu vực và trên thế giới, đồng thời đề cao vấn đề chủ quyền và lợi ích quốc gia.
Phần 3 trình bày sự tham gia của Việt Nam trong AC với những cơ hội, thách thức. Về chính trị - an ninh là việc xây dựng tình đoàn kết, thống nhất trong ASEAN bằng việc đưa ra lập trường chung đối với vấn đề biển Đông, sự can dự của các cường quốc,… Về kinh tế là vấn đề cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Về văn hóa xã hội là việc thu hẹp chênh lệch phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Từ đó giải pháp chủ yếu đối với Việt Nam là phải hướng các thách thức thành những cơ hội phát triển thực sự, tranh thủ tối đa thể chế của khu vực vào công cuộc bảo vệ chủ quyền, tiếp tục cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng đất nước vào quá trình phát triển ổn định, bền vững trên mọi phương tiện.
Quyển sách “Cộng đồng ASEAN sau năm 2015 và sự tham gia của Việt Nam” đang được phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ. Bạn đọc tra tìm tài liệu với mã số:
* Phòng Đọc:
- 327.59/C455Đ
- DV.55246
* Phòng Mượn:
- 327.59/C455Đ
- MA.19798, MA.19799