Nguồn lực trí tuệ Việt Nam : Lịch sử, hiện trạng và triển vọng / Nguyễn Văn Khánh chủ biên, Nguyễn Vũ Hảo, Lâm Bá Nam.... - H. : Đại học Quốc gia Hà Nội, 2018. - 377tr. : Bảng, biểu đồ; 24cm. - (Tủ sách Khoa học)

Chủ nhật - 03/11/2019 20:11 1.539 0
Nguồn lực trí tuệ Việt Nam : Lịch sử, hiện trạng và triển vọng / Nguyễn Văn Khánh chủ biên, Nguyễn Vũ Hảo, Lâm Bá Nam.... - H. : Đại học Quốc gia Hà Nội, 2018. - 377tr. : Bảng, biểu đồ; 24cm. - (Tủ sách Khoa học)

Trong lịch sử, nguồn lực trí tuệ Việt Nam đã được khơi nguồn và phát huy mạnh mẽ, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của dân tộc Việt Nam gắn liền với việc phát huy nguồn lực trí tuệ của cộng đồng người Việt, được hun đúc và tiếp nối từ thế hệ này đến thế hệ khác và trở thành tài sản vô giá trong quá khứ cũng như hiện tại và tương lai. Trong xu hướng phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế hiện nay, việc phát huy nguồn lực trí tuệ Việt Nam đã và đang là đòi hỏi khách quan và cấp bách.
Quyển sách “Nguồn lực trí tuệ Việt Nam : Lịch sử, hiện trạng và triển vọng” do Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành năm 2018, sẽ cung cấp cho bạn đọc bức tranh tổng thể về tình hình, thực trạng và triển vọng nguồn lực trí tuệ Việt Nam. Đây là công trình nghiên cứu công phu của tập thể các nhà khoa học đầu ngành Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội do Giáo sư, TS. Nguyễn Văn Khánh làm chủ biên.
Sách có độ dày 377 trang, gồm 04 phần.
Phần 1 giới thiệu những vấn đề chung về trí tuệ, nguồn lực trí tuệ, xây dựng và phát huy nguồn lực trí tuệ. Trong phần này, tác giả phân tích khái niệm “trí tuệ”, “nguồn lực trí tuệ” và giới thiệu quan niệm về trí tuệ, nguồn lực trí tuệ trong lịch sử tư tưởng phương Đông, phương Tây và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Phần 2 trình bày việc tiếp cận nguồn lực trí tuệ Việt Nam theo hai hướng là tiếp cận lịch sử và tiếp cận bộ phận; nêu một số đặc điểm nổi bật của nguồn lực trí tuệ Việt Nam; kinh nghiệm xây dựng và phát huy nguồn lực trí tuệ Việt Nam trong lịch sử và kinh nghiệm này ở một số quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Phần 3 nêu khái quát về nguồn lực trí tuệ Việt Nam hiện nay: Nguồn lực trong nước, ở nước ngoài và nguồn nhân lực tiềm năng; Thực trạng sử dụng nguồn lực trí tuệ thông qua phân tích về tính hợp lý của sự phân công công việc, mức độ phát huy năng lực của đội ngũ cán bộ và đánh giá của đội ngũ cán bộ về việc thực hiện cơ chế, chính sách trong các cơ quan;... Đồng thời tác giả cũng phân tích những thuận lợi, khó khăn trong việc xây dựng, phát huy nguồn lực trí tuệ Việt Nam hiện nay.
Phần 4 nêu quan điểm, giải pháp chung và những giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả nguồn lực trí tuệ phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước. Các giải pháp chung được đưa ra như: Thống nhất và nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nguồn lực trí tuệ; Đo lường đánh giá toàn diện thực trạng nguồn lực trí tuệ, quy hoạch nguồn lực trí tuệ Việt Nam trong tương lai; Đẩy mạnh cải cách, nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát huy nguồn lực trí tuệ;... Các giải pháp cụ thể bao gồm: Chống “chảy máu chất xám”; Hoàn thiện chính sách bảo hộ tài sản trí tuệ; Chú trọng xây dựng và phát huy nguồn lực trí tuệ phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số và Việt kiều.
Ngoài ra, để giúp bạn đọc thuận tiện khi nghiên cứu, so sánh, phần Phục lục cuối sách còn cung cấp các bảng số liệu thống kê được cập nhật về tình hình nguồn lực trí tuệ Việt Nam.
Quyển sách “Nguồn lực trí tuệ Việt Nam : Lịch sử, hiện trạng và triển vọng” sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích đối với các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Sách đang được phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ. Bạn đọc tra tìm tài liệu với mã số:
* Phòng Đọc:
- 338.9597 / NG517L
- DL.016587
* Phòng Mượn:
- 338.9597 / NG517L
- MA.018732

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây