"Ðồng Nai có bốn rồng vàng
Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi"
Đó là lời ca ngợi những danh nhân Nam Bộ được truyền tụng trong dân gian, trong đó cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (1807 - 1872) được biết đến là một nhà thơ yêu nước, tác gia tiên phong của sân khấu tuồng Việt Nam, người được mệnh danh là anh hùng tứ kiệt hay một trong bốn Rồng vàng của Nam Bộ.
Quyển sách “Nghi chi Bùi Hữu Nghĩa con người & tác phẩm” do Hội Khuyến học cơ sở Bùi Hữu Nghĩa biên soạn sẽ giúp bạn đọc thêm hiểu biết về một danh nhân văn hóa nổi tiếng của vùng đất Nam Bộ. Sách dày 520 trang, do Nxb. Văn hoá Sài Gòn xuất bản năm 2007 gồm 3 phần:
Phần 1 trình bày về cuộc đời, nhân cách và tác phẩm của Bùi Hữu Nghĩa do nhà văn Bảo Định Giang sưu tập và giới thiệu.
Bùi Hữu Nghĩa, hiệu Nghi Chi, sinh ra tại thôn Bình Thủy, tổng Vĩnh Định, châu Định Viễn, dinh Vĩnh Trấn (nay thuộc quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ) trong một gia đình ngư dân nghèo. Năm Ất Mùi (1835) ông đỗ Giải Nguyên (Thủ khoa) trong khoa thi Hương Trường Gia Định, vì thế người đời thường gọi ông là Thủ khoa Nghĩa. Ông được triều đình nhà Nguyễn bổ làm Tri huyện Phước Chánh, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa (nay là tỉnh Đồng Nai); rồi Tri huyện phủ Trà Vang (nay thuộc tỉnh Trà Vinh). Năm 1848, vì bênh vực cho dân nghèo trong vụ án “Rạch Láng Thé”, ông bị quan lại, cường hào vu oan và bị triều đình kết tội chết. Vợ ông – bà Nguyễn Thị Tồn đã ra tận kinh đô Huế kêu oan cho chồng. Bùi Hữu Nghĩa được tha chết nhưng bị đày ra trấn thủ biên giới Vĩnh Thông (Châu Đốc). Năm 1862, ông từ quan về Long Tuyền – Cần Thơ mở trường dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân nghèo, rồi tham gia phong trào yêu nước chống thực dân Pháp. Ông mất ngày 21 tháng Giêng năm Nhâm Thân (1872), thọ 65 tuổi.
Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa là tấm gương sáng về sự công minh, chính trực, hết lòng vì dân, vì nước. Ông là một trong những danh nhân văn hóa của đất Cần Thơ được nhân dân tin yêu, trọng phục. Tên tuổi ông tỏa sáng về tinh thần đấu tranh chống xâm lược, chống áp bức, bất công; nghĩa khí và những cống hiến to lớn cho nền văn học nước nhà là niềm tự hào không chỉ của người dân Cần Thơ mà là cả vùng Nam Bộ.
Phần 2 tập hợp các tác phẩm thơ và văn của Bùi Hữu Nghĩa (có bổ sung một số bài thơ do ông Nguyễn Chí Khương và ông Hoài Nam Tử sưu tập). Về thơ có các bài như: Đi thuyền qua núi Sập, Vịnh phong cảnh An Giang, Vịnh Hoa sen, Thu cảm, Cảm tác khi qua Hà Âm, Tự thuật, Thú câu cá, Khuyến học, Thợ bạc, Nghề hạ bạc, Nói cô chị lại cưới cô em, Thơ “trông chồng”, Túc sự, Khóc vợ, Đũa bếp, Họa nguyên vận bài tự thuật của Tôn Thọ Tường, Ai xui Tây đến, Gửi Đỗ Hữu Phương, Quan công thất thủ Hạ Bì, Thân Bao Tư tiễn Ngũ Tử Tư, Ngũ Tử Tư thổi sáo, Bá Di-Thúc Tề, Ngũ luân tuyệt cú, Cây bần, Cây vông, Ngân thơ trên giường bệnh, Tự chí lập thân, Ký thác. Về văn tế có các bài: Văn tế vợ, Văn tế con gái, Văn tế vợ.
Phần 3 trình bày nguyên văn bản tuồng “Kim Thạch kỳ duyên” do ông Trần Văn Hưởng sưu tập, giới thiệu. Đây là vở tuồng nổi tiếng của Bùi Hữu Nghĩa được coi là cổ nhất Việt Nam, đã được trình diễn khắp đất nước và cũng là vở tuồng đầu tiên của Việt Nam được dịch ra tiếng Pháp.
Có thể thấy, đây là quyển sách được những người ngưỡng mộ đức độ, tài năng và sự nghiệp văn chương của cụ Thủ Khoa Nghĩa nên đã dày công sưu tầm và giới thiệu, tiểu dẫn, giúp người đọc có hầu như toàn bộ sáng các sáng tác thơ văn của Cụ. Thông qua quyển sách “Nghi chi Bùi Hữu Nghĩa con người & tác phẩm” sẽ góp phần giúp bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của một nhân sĩ yêu nước, một nhà văn hóa tiêu biểu ở vùng đất Nam Bộ, nơi “đầu sóng ngọn gió”, “đi trước về sau”. Từ đó thêm yêu quý, trân trọng thành tựu lao động nghệ thuật của tiền nhân; ra sức giữ gìn, học tập và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc Nam Bộ trong nền văn hóa thống nhất Việt Nam.
Thư viện thành phố Cần Thơ trân trọng giới thiệu quyển sách đến quý bạn đọc.
Sách được thư viện phục vụ với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 895.92212 / NGH300CH
▪ PHÒNG MƯỢN: MB.003375; MB.003935
▪ PHÒNG ĐỌC TỔNG HỢP: DV.036991; DV.036990