Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát (1913 - 1989) - Nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, nguyên Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam các khóa I, II, III, VI, VII, VIII, nguyên Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là một trong những trí thức tài năng và giàu tâm huyết, một nhà yêu nước nhiệt thành, một ngọn cờ tiêu biểu của khối đại đoàn kết dân tộc.
Nhằm tái dựng cuộc đời và sự nghiệp vì dân, vì nước của đồng chí Huỳnh Tấn Phát, năm 2019, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật đã xuất bản quyển sách Huỳnh Tấn Phát - Tiểu sử do Đặng Văn Thái chủ biên và nhóm tác giả Lý Việt Quang, Trần Thị Hợi, Ngô Xuân Dương biên soạn.
Sách dày 288 trang, gồm 6 chương, phác họa chân dung đồng chí Huỳnh Tấn Phát từ quê hương, gia đình, tuổi thơ và những hoạt động yêu nước đầu tiên đến quá trình đồng chí hoạt động trong Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ, trong Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, rồi sau này là Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước... Đồng chí Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15/2/1913, trong một gia đình địa chủ phá sản ở làng Tân Hưng, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) - vùng đất có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa, yêu nước, cách mạng. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Huỳnh Tấn Phát đã có ý thức giác ngộ lý tưởng cộng sản và đi theo con đường cách mạng.
Trước Cách mạng Tháng Tám, Huỳnh Tấn Phát đã tham gia nhiều phong trào, nhiều tổ chức của giới tri thức và các tầng lớp nhân đân, giác ngộ và đưa họ vào các hoạt động yêu nước, chống áp bức, bất công. Là người thuộc thế hệ chiến sĩ cộng sản đầu tiên, được giao trọng trách chủ nhiệm Tờ tuần báo Thanh niên Tiền Phong, Trưởng Ban Cổ động của phong trào Cứu tế nạn đói Bắc Kỳ, phong trào Truyền bá quốc ngữ; Bí thư Tân Dân chủ Đảng…, đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc tập hợp lực lượng, tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho lực lượng cốt cán, tham gia tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Trong những năm bị giặc Pháp giam cầm tại Khám Lớn Sài Gòn, mặc dù bị địch tra tấn hiểm độc nhưng đồng chí luôn luôn kiên định, giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản. Đồng chí đã cùng anh em tổ chức, vận động thành lập Liên đoàn tù nhân, biến nhà tù thành trường học văn hóa, chính trị và quân sự, đào tạo một đội ngũ cán bộ cách mạng cho Đảng.
Ra tù, đồng chí tiếp tục hoạt động ở nội thành đến năm 1949 ra chiến khu và qua nhiều năm hoạt động được giao nhiều trọng trách: Ủy viên Ủy Ban kháng chiến hành chính Nam Bộ, Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ, Ủy viên Ủy Ban kháng chiến đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn (1949 - 1954); Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969 - 1977); Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1977- 1982), Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước kiêm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1982 - 1989). Ở cương vị nào đồng chí cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và Tổ quốc.
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, có lòng yêu nước sâu sắc; một nhà lãnh đạo cách mạng khôn khéo, dũng cảm; một nhà dân vận sắc sảo, đầy nhiệt huyết; một kiến trúc sư tài ba có nhiều công trình góp phần tô đẹp diện mạo của đất nước; một nhà lãnh đạo sống giản dị, khiêm nhường và in đậm tình cảm sâu sắc đối với đồng chí, đồng bào. Những cống hiến to lớn và tấm gương cộng sản sáng ngời của đồng chí mãi mãi được toàn Đảng, toàn dân ta và các thế hệ mai sau trân trọng, ghi nhớ.
Trân trọng giới thiệu quyển sách “Huỳnh Tấn Phát - Tiểu sử” đến quý bạn đọc.
Sách được Thư viện thành phố Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 959.704092 / H531T
▪ PHÒNG ĐỌC TỔNG HỢP: DV.057325