Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ / Brian Eyler; Nguyễn Đình Huỳnh dịch. - H. : Phụ nữ Việt Nam, 2020. - 425tr.; 21cm

Thứ năm - 17/12/2020 03:19 1.266 0
Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ / Brian Eyler; Nguyễn Đình Huỳnh dịch. - H. : Phụ nữ Việt Nam, 2020. - 425tr.; 21cm
    “Nếu chúng ta không bắt đầu ngay hôm nay, xem dòng sông và cảnh quan xung quanh như một hệ thống kết nối và cùng nhau hành động để bảo tồn, ngày tàn của dòng Mekong hùng vĩ đã đến”. Đó là những dòng hồi ký chân thực của Brian Eyler – tác giả của quyển “Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ” do Nguyễn Đình Huỳnh dịch, Nxb. Phụ nữ Việt Nam ấn hành năm 2020.
    Qua 425 trang, sách kể về cuộc hành trình xuôi dòng Mekong của tác giả từ rìa dãy núi Himalaya ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đến Đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam) được trình bày qua 10 chương: Vũ Băng: thiên đường hạ giới cuối cùng; Xây đập trên thượng Mekong; Thung lũng Nhĩ Hải; Tộc Akha – người Zomia hiện đại; Tam giác vàng đang thay đổi; Lào – không gian tranh đoạt; Xây đập ở hạ Mekong; Phnom Penh và hồ Boeung Kak; Hồ Tonle sap; Tương lai đồng bằng Sông Cửu Long. Mười chương sách là mười chặng của dòng sông Mekong từ nơi khởi nguồn đến nơi kết thúc đổ ra biển cả, tái dựng lại lịch sử của một dòng sông Mekong hùng vĩ và đang chịu tác động bởi sự khai thác làm thay đổi môi trường sống đáng báo động.
    Đọc “Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ”, chúng ta thấy được bức tranh đồng bằng châu thổ sông Cửu Long hiện ra trước mắt. Chặng cuối của hành trình, tác giả dừng lại ở đồng bằng sông Cửu Long với những ghi nhận thực tế và đưa ra những cảnh báo, đề xuất về những phương án thích nghi khi khu vực sản xuất nông nghiệp lớn nhất ở Việt Nam hiện đang bị kẹp giữa các đập thượng nguồn và mực nước biển dâng cao. Ở đó, một miền Tây sông nước hiện ra: những cuộc gặp gỡ từ chuyên gia đến người nông dân, những cánh đồng ngập mặn, những người nông dân không thể sống nhờ mảnh vườn của mình và cả những cánh đồng trúng mùa nhưng thiếu người thu hoạch vì thanh niên đã bỏ lên thành phố lập nghiệp... Đi qua nhiều vùng lãnh thổ khác nhau nhưng dường như có một mẫu số chung cho tất cả những dân tộc sống nương tựa vào dòng sông ấy đó là dự cảm về một tương lai đầy khó khăn cho cư dân nơi đây. 
Dòng sông Mekong là nguồn cung ứng cá nước ngọt nằm trong lục địa lớn nhất thế giới với tổng sinh khối cá gấp 13 lần tổng số cá ở trong các sông ngòi và hồ chứa ở Bắc Mỹ cộng lại, riêng biển hồ Tonle Sap của Campuchia đã chứa nhiều cá hơn cả lục địa Bắc Mỹ; Ngư dân Thái Lan đã bắt được một con cá bông lau khổng lồ có khối lượng 293 kg, với chiều dài thân 2,7 mét; Người ta khám khá một vườn thú ở khu vực kinh tế Tam giác Vàng (Golden Triangle Economic Zone) đang giam giữ lậu 26 con hổ Châu Á còn sống; Hơn 1/4 dân số Campuchia (16 triệu người) đang sống dọc theo dòng chính của con sông Mekong; Hơn 20 triệu người Việt Nam đang sống dựa vào canh tác nông - ngư nghiệp trên vùng đồng bằng trù phú tạo ra từ phù sa kết lắng do các dòng hạ lưu sông Mekong mang đến… Dòng Mekong như là động mạch chủ bơm sức sống cho các vùng đất. Thế nhưng, các quốc gia đang được dòng Mekong nuôi dưỡng một cách bao dung và miễn phí không hiểu được điều đó, họ luôn tìm cách khẳng định chủ quyền và khai thác từng khúc sông nằm trên lãnh thổ của mình theo nhiều cách khác nhau. Điều này cần có một sự liên kết và hợp tác để đi đến những thống nhất chung nhằm giải quyết những vấn đề đang tồn tại trên dòng Mekong.
    Quý vị và bạn đọc hãy tra tìm quyển sách “Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ” tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số: 
    ▪ Ký hiệu phân loại: 551.48 / NH556NG
    ▪ PHÒNG ĐỌC: DV.058657
  

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây