Vượt ngoài vai trò của một sản phẩm báo chí, những giai phẩm Xuân đã trở thành một nét văn hóa đặc biệt và cũng có thể nói là riêng biệt của ngày Tết Việt Nam.
Bằng việc cất công sưu tầm, sắp xếp hình ảnh, tư liệu về những tờ báo Xuân từ xưa đến nay để biên soạn thành quyển sách “Sài Gòn - Phong vị báo Xuân xưa”, tác giả Phạm Công Luận sẽ mang đến cho bạn đọc cái nhìn đặc sắc về những tờ báo Xuân đã từng hiện diện trong đời sống tinh thần của người dân miền Nam nói chung và thị dân Sài Gòn nói riêng ngày trước.
Với độ dày 333 trang, quyển sách giới thiệu đến người đọc những họa sĩ nổi tiếng trong làng báo Xuân như: Lê Trung, Lê Minh, Phan Phan, Hưng Hội,… đến những bài báo đặc sắc trên các giai phẩm Xuân xưa. Qua đó cho thấy, những giai phẩm Xuân, bên cạnh độ đặc sắc về nội dung bởi việc được đầu tư tâm sức hơn hẳn những số báo bình thường, nó còn mang những tâm tư, tình cảm hay đặc thù của đời sống nhân sinh qua từng giai đoạn nhất định. Đồng thời, sự chăm chút công phu về mặt mỹ thuật cũng là một trong những điều làm nên sự đặc biệt cho giai phẩm Xuân trong suốt hơn 100 năm qua.
Đi từ chỗ phác họa nên bức tranh báo chí Xuân tại Sài Gòn từ những thập niên 40 của thế kỷ trước, tác giả đã lần lượt điểm qua từng bước thăng trầm, biến đổi của thời cuộc đã tạo nên diện mạo và khí vị riêng biệt cho mỗi giai phẩm Xuân: tinh thần cải cách canh tân theo lối Âu hóa ở nước ta vào đầu thế kỷ, những biến chuyển của thời cuộc, những tác động của cuộc chiến đằng đẵng hơn 20 năm chia cắt Bắc – Nam,…
Bên cạnh đó, quyển sách còn trình bày hơn 80 hình ảnh bìa báo Xuân xưa ra đời trong suốt nhiều thập niên được sưu tầm và đưa vào trong sách, đã tạo nên những bức tranh đầy hoài niệm trước mắt người đọc. Lần giở từng trang sách, ta như thấy lại sắc màu, không khí của những mùa xuân đã mãi mãi nằm sâu trong ký ức.
Quyển sách “Sài Gòn - Phong vị báo Xuân xưa” được Nxb. Văn hóa - Văn nghệ TP. HCM ấn hành năm 2018. Trân trọng kính mời quý vị và các bạn tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ. Bạn đọc tra tìm tài liệu với mã số:
* Phòng Đọc:
- 079.59779/S103G
- DV.53976