Dù đã không còn tồn tại từ lâu, nhưng vương quốc cổ Champa đã để lại trên dải đất đồng bằng ven biển miền Trung nước ta nhiều di sản văn hóa đặc sắc. Trong những di sản đó, lớn nhất, giá trị nhất, đồng thời cũng phong phú nhất là di sản tượng cổ.
“Nghệ thuật Champa tượng linh thú và linh vật” của tác giả Ngô Văn Doanh được nhà xuất bản Văn hóa dân tộc cho ra mắt năm 2023 là tập hợp những công trình và bài viết chưa công bố của tác giả về những nghiên cứu chuyên về tượng linh thú và các tượng linh vật Linga của Champa mới được phát hiện từ sau năm 1975. Sách dày 504 trang, nội dung được chia thành 11 phần chính:
Phần 1: Tượng bò
Phần 2: Tượng voi
Phần 3: Tượng sư tử
Phần 4: Tượng Garuda
Phần 5: Tượng Gajasimha
Phần 6: Makara
Phần 7: Kala
Phần 8: Tượng người chim
Phần 9: Các con vật của các thần hộ thể
Phần 10: Linga
Phần 11: Kosa
Các nghiên cứu trong “Nghệ thuật Champa tượng linh thú và linh vật” được phân theo các loại động vật/ linh thú và linh vật/ vật thờ như: tượng bò, tượng voi, tượng sư tử, tượng Garuda, tượng Gajasimha, tượng người chim (Kinnara, Kinnari)… và vật thờ Linga, vật thờ Kosa. Ngoài ra, phần đầu các chương thường khái quát quá trình và những kết quả nghiên cứu của các nhà chuyên môn đi trước về loại linh thú và vật thờ ấy để bạn đọc dễ theo dõi trước khi đi vào phần phân tích từng đối tượng cụ thể.
Quyển sách đã đưa ra những nhận định và đánh giá đúng về những giá trị và vai trò của những pho tượng và hiện vật mới được phát hiện từ sau năm 1975, đồng thời cũng đã giải đáp phần nào những dấu hỏi, những nghi vấn và những gợi mở xung quanh nhiều vấn đề cũng như nhiều pho tượng. Đây cũng là nguồn tư liệu tham khảo, nghiên cứu hữu ích dành cho những ai có niềm yêu thích, đam mê tìm hiểu về các nền văn hoá cổ - đặc biệt là nền văn hoá Champa.
Sách hiện đang được phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số:
• Ký hiệu phân loại: 731/NGH250TH
• PHÒNG MƯỢN: MG.011432; MG.011433